Một ngôi làng đặc biệt nằm ven bờ sông La ở Hà Tĩnh với hơn 300 năm gắn liền với con hến. Cũng nhờ nghề đãi hến, cuộc sống nhiều người dân nơi đây vươn lên khá giả.
 
Bến Hến là tên của một thôn của xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), nằm bên con sông La thơ mộng. Đây cũng là địa chỉ nổi tiếng của một làng nghề với tuổi đời hơn 300 năm: Làng đãi hến.
 

Thôn Bến Hến nơi có làng làm hến hơn 300 năm.
 
Từ bao đời nay, người dân nơi đây sinh sống bằng nghề cào hến, nấu hến đem bán. Trong làng có hàng nghìn hộ dân, hiện tại còn hơn 70 hộ gắn bó với nghề.
 
Nghề làm hến, đãi hến được duy trì quanh năm, nhưng chính vụ là từ tháng 3 đến tháng 6. Tức là vào những tháng một thời tiết nắng nóng, những món ăn được làm từ hến càng được ưa thích.
 
 
Một góc làng làm hến.
 
Công việc này làm theo từng hộ gia đình. Theo đó, các gia đình sẽ bao trọn toàn bộ quy trình làm hến: Từ việc đi bắt hến dưới lòng sông La, luộc và đãi lấy ruột đem đi bán.
 
Ngày xưa, người làm nghề bắt hến dùng dụng cụ được làm bằng tre, đan thành những chiếc gàu rồi nối vào một cái sào. Sào dài hay ngắn phụ thuộc vào độ nông sâu của lòng sông nhưng thường dài 3-5 m. Nay kinh tế khá giả hơn, nhiều gia đình đã đầu tư thuyền máy với chiếc gàu làm bằng sắt để đi cào hến.
 



 
Hến vừa được bắt dưới dòng sông La, rồi đưa đi luộc nên rất béo, ngọt.
 
Việc cào hến khá nặng nhọc nên dành cho đàn ông. Còn nấu hến, đãi hến, đưa đi chợ bán dành cho phụ nữ.
 
Hến sau khi bắt về sẽ được rửa sạch, sau đó đưa vào một cái chảo lớn để luộc. Người dân luộc mỗi lần từ 20-30kg hến trong khoảng thời gian 10-15 phút. Với 10 kg hến luộc ra sẽ thu về được 1kg ruột hến. Hến được bán tại chỗ với giá 50-60 nghìn đồng/kg.
 
Hến được bắt vào buổi sáng, đến buổi chiều thì đem đi nấu. Mỗi ngày một hộ dân nơi đây nấu từ 2-3 tạ hến.
 



 
Sau khi được làm sạch, hến được cho vào một cái chảo lớn để luộc.
 
Chị Nguyễn Thị Thủy (47 tuổi, thôn Bến Hến) đã có hơn 25 năm làm này. "Luộc hến lửa phải lớn nhưng không được nấu nhanh quá cũng không được lâu quá. Để con hến giữ được vị ngon, ngọt thì luộc chừng 10-15 phút là được", chị Thủy cho biết.
 



 
Những mẻ hến vừa được luộc nóng hổi bốc khói mù mịt.
 
Cũng theo chị Thủy, nghề có từ thời ông bà, bố mẹ. Đến đời chị vẫn tiếp tục duy trì.
 
"Làng bến Hến đã trở thành địa chỉ nổi tiếng về công việc nấu hến này. Trung bình mỗi ngày gia đình tôi nấu hơn 2 tạ hến. Công việc này đã giúp chúng tôi có một nguồn thu nhập ổn định, thoát được nghèo đói", chị Thủy cho biết thêm.
 


 
 
Sau khi luộc, hến được đưa ra đãi để tách ruột ra khỏi vỏ. Công việc này cần phải khuấy mạnh tay mới có thể tách được hết ruột hến.
 
Cũng theo người dân làm nghề nơi đây, sau khi trừ hết các chi phí, một gia đình cũng có thể kiếm được 500 nghìn đồng đến hơn 1 triệu đồng/ngày.
 
Điều đặc biệt là con hến sông La nơi đây là rất ngọt, không có mùi bùn nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Hến nơi đây được đưa đi khắp các khu chợ trong tỉnh Hà Tĩnh để tiêu thụ, thậm chí ra tận tỉnh Nghệ An.
 
Ông Nguyễn Văn Tuyến, Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết, làng nghề này phải có hơn 300 năm nay.
 
"Hiện nay có hơn 70 hộ dân đang theo nghề làm hến. Nếu mùa vụ nào trúng, nhiều gia đình thu về hàng trăm triệu đồng. Nghề làm hến khá ổn định và thực sự giúp nhiều gia đình thoát nghèo", Chủ tịch UBND xã Trường Sơn cho biết.
 
 
Hến có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mát, bổ dưỡng như: Xào xúc bánh đa...
 
Hến có thể được chế biến thành nhiều món ăn ngon, mát, bổ dưỡng như: Xào xúc bánh đa, nấu lẩu, cháo, cơm hến... nhất là vào những ngày hè nóng nực này./.