Bám sách giáo khoa triển khai ôn luyện
Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 10 năm học 2022-2023, Trường THPT Lê Quý Đôn (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) có 25 học sinh tham dự ở 9 môn thi. Bên cạnh khó khăn trong việc tuyển chọn đội tuyển, công tác triển khai ôn tập, bồi dưỡng học sinh giỏi (HSG) lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 khiến giáo viên còn nhiều bỡ ngỡ.
Cô giáo Trương Thị Thu Hà có thâm niên gần 20 năm bồi dưỡng đội tuyển Toán nhận xét, công tác ôn tập cho đội tuyển HSG lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018 vất vả cho cô và trò hơn khi tìm các nguồn tài liệu. Những năm trước, giáo viên (GV) chỉ cần lên mạng hay ra nhà sách dễ dàng tìm các tài liệu tham khảo, nhưng năm nay chương trình mới nên nguồn tài liệu rất hạn chế.
“Ngoài đề tham khảo của Sở GD&ĐT, GV chủ yếu bám vào sách giáo khoa lớp 10 hiện hành của của Bộ GD&ĐT. Quá trình nghiên cứu sách giáo khoa, tôi thấy các nội dung trong sách cơ bản đưa ra các phần rõ ràng, GV chỉ biến đổi nâng cao từ đó”, cô Thu Hà chia sẻ.
Theo thầy Lê Hồng Nhật – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, để tháo gỡ khó khăn cho GV trong ôn tập, nhà trường đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn tập trung xây dựng khung chương trình, biên soạn tài liệu bồi dưỡng HSG. Ngoài ra, các tổ bộ môn sẽ xây dựng ngân hàng đề thi bám sát cấu trúc đề thi tham khảo của Sở GD&ĐT.
Nhiều năm bồi dưỡng đội tuyển HSG tỉnh Ngữ văn lớp 10, thầy Nguyễn Hữu Tuấn – GV Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Kỳ Anh) cho biết, việc tổ chức hướng dẫn, ôn luyện cho HS giỏi tỉnh khối 10 có những đặc điểm khác với những năm trước. Trước hết, phạm vi kiến thức về lý luận, văn bản, Tiếng Việt… rộng hơn trước khiến GV khó khoanh vùng ôn luyện.
Ví dụ, ở chương trình cũ, lớp 10 thường chỉ dừng ở Văn học dân gian và các tác phẩm trung đại. Còn theo chương trình lớp 10 hiện hành, nội dung tiếp cận từ văn học dân gian, trung đại đến hiện đại bao gồm cả văn học nước ngoài và văn học Việt Nam…
“Ngoài ra, khi học sinh lớp 10 phải chuyển trạng thái theo lối “đi tắt đón đầu” lớp 9 các em ôn luyện theo chương trình cũ, còn lớp 10, chương trình mới nên tâm lý ngại, ngợp là có thật. Vì vậy, chúng tôi luôn chủ động sáng tạo tìm tòi, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để thích nghi với yêu cầu mới.
Quá trình ôn luyện, GV cũng động viên các em thích nghi để thay đổi. Quan trọng hơn, GV cần khơi dậy các em tình yêu văn chương, cảm hứng sáng tạo. Đó là bí quyết để vượt qua thách thức của cái mới”, thầy Tuấn bày tỏ.
Gỡ khó cùng giáo viên
Những năm qua, bên cạnh nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, Trường THPT Hương Sơn đã đẩy mạnh công tác tuyển chọn và bồi dưỡng đội ngũ HSG ngay từ đầu cấp học.
Thầy giáo Hồ Tiến Dương – Hiệu trưởng Trường THPT Hương Sơn chia sẻ, trước một chương trình mới, với thay đổi đột phá về chương trình, với những yêu cầu cụ thể về mục tiêu, phẩm chất, năng lực cần đạt được đặt ra cho những người làm công tác quản lý giáo dục, giáo viên, học sinh.
Nhà trường đã giao các ban chuyên môn lên kế hoạch ôn luyện và lựa chọn những GV có kinh nghiệm để giảng dạy, hỗ trợ trong việc thực hiện bồi dưỡng HSG lớp 10 theo Chương trình GDPT 2018. Dựa trên đề tham khảo của Sở, GV bồi dưỡng ra đề và tổ chức cho học sinh thi thử nhiều lần. Sau mỗi lần, nhà trường cùng giáo viên sẽ có đánh giá, điều chỉnh trong quá trình giảng dạy, ôn luyện.
“Sở Giáo dục đã chỉ đạo cho toàn ngành tập huấn đổi mới kiểm tra đánh giá cho giáo viên giảng dạy khối 10 trong toàn tỉnh. Tại các buổi tập huấn nhiều khó khăn, thử thách đã đặt ra và đã có định hướng giải quyết. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cũng nằm trong xu hướng chỉ đạo này. Sở đã giới thiệu để tham khảo gửi về cho các trường và xây dựng ngân hàng dữ liệu đề qua đó giúp giáo viên đã tiếp cận với hình thức ra đề mới mẻ này”, thầy Dương cho hay.
“Kỳ thi HSG lớp 10 năm 2023, là kỳ thi đầu tiên theo Chương trình, sách giáo khoa phổ thông 2018 đối với cấp THPT gắn với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Quá trình ra đề, Sở GDĐT luôn chú trọng đến việc đổi mới trong đề thi.
Kỳ thi cũng là dịp để ngành Giáo dục Hà Tĩnh rà soát lại thực tiễn triển khai chương trình sách SGK 2018 tại các trường THPT”, ông Đậu Quang Hồng - Trưởng phòng Giáo dục phổ thông (Sở GD&ĐT Hà Tĩnh).
Theo Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, hiện tại, các trường THPT trên địa bàn tỉnh đang sử dụng các bộ sách khác nhau. Trước đó, để GV tiếp cận được chương trình SGK mới, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nghiên cứu kỹ chương trình và sách giáo khoa. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các nhà xuất bản, các tác giả biên soạn đã tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên môn trực tuyến ở tất cả các điểm cầu.
“Chương trình dạy học là thống nhất và sách giáo khoa là cụ thể hóa chương trình. Vì vậy, dù sử dụng bộ sách giáo khoa nào cũng phải đảm bảo được sự thống nhất về mục tiêu, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học, đánh giá kết quả giáo dục, góp phần hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực người học. Trên cơ sở đó, Sở đã xây dựng hệ thống Đề thi tham khảo gửi đến các trường học.
Với quan điểm, dù sử dụng bộ sách nào thì việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh phải được đảm bảo chính xác, khách quan và công bằng. Những tình huống, câu hỏi, vấn đề đặt ra trong đề thi sẽ giúp học sinh thể hiện được phẩm chất và năng lực của bản thân, đặc biệt là giải quyết các vấn đề gắn liền với thực tiễn”, ông Đậu Quang Hồng – Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh thông tin.
Chiều ngày 17/3, Sở GDĐT sẽ tổ chức Kỳ thi chọn HSG tỉnh lớp 10. Năm nay, Hà Tĩnh có 1.211 học sinh tham dự. Để tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh tham dự kỳ thi, Sở GD&ĐT tổ chức thi tại 2 điểm: Trường THPT chuyên Hà Tĩnh và Trường THPT Nghèn (Can Lộc).
Trong đó, điểm thi tại Trường THPT Nghèn có 487 thí sinh dự thi, gồm học sinh các trường THPT trên địa bàn các huyện, thị xã: Lộc Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Đức Thọ, Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang và TX Hồng Lĩnh.
Điểm thi tại Trường THPT chuyên Hà Tĩnh có 724 thí sinh dự thi, gồm học sinh các trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh và các huyện Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và TX Kỳ Anh.
Theo Phương Hồ - giaoducthoidai.vn