So với những mô hình khác, việc nuôi ong lấy mật được người dân ở xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ nuôi loài ong này mà nhiều gia đình đã thoát nghèo…
 
Không cần nhiều diện tích, chi phí đầu tư ít, nhanh cho thu hoạch là những ưu điểm được những người dân nơi đây nhận xét về mô hình nuôi ong lấy mật.
 
Loài ong lấy mật được người dân nơi đây gọi là ong ruồi. Loài ong có hình dáng gần giống ruồi, nhưng to gấp đôi loài ruồi, có nọc độc, lúc bị cắn khá đau, nên người dân gọi vui là loài “ruồi có độc”.
 
Tại xã Ân Phú (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) hiện có 27 hộ dân nuôi loài ong này. Trong đó, hộ ông Đậu Khắc Mạnh (SN 1956) là một trong những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao.




 
Nuôi ong không cần đầu tư quá nhiều về vốn, thức ăn thì chủ yếu từ hoa rừng
 
Ông Mạnh cho biết, năm 2010 có chương trình dự án nuôi ong xóa đói giảm nghèo về hỗ trợ cho người dân. Những hộ gia đình đăng ký xây dựng mô hình nuôi ong lấy mật sẽ được hỗ trợ 4 đàn ong, đồng thời tập huấn kỹ thuật chăm sóc.
 
“Xã Ân Phú thuộc vùng núi, cây cối tự nhiên nhiều nên sẽ có nhiều thuận lợi để nuôi ong. Do vậy, trong xã có hàng chục hộ dân đăng ký, trong đó có gia đình tôi”, ông Mạnh cho biết.
 
Từ 4 đàn ong hỗ trợ ban đầu, bằng sự cần cù, chịu khó đến nay gia đình ông Mạnh đã có 94 đàn ong. Ngoài ra, ông còn là Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi ong Ân Phú với quy mô hơn 400 đàn.




 
Ong nuôi bằng những chiếc thùng được đóng bằng gỗ hình vuông có thể mở ra, đóng vào nên rất dễ dàng để chăm sóc, kiểm tra đàn ong
 
Theo ông Mạnh chia sẻ, trước đây, người dân đa số nuôi theo truyền thống, thường dùng cây gỗ tròn khoét lỗ để nuôi. Cách nuôi này rất khó chăm sóc đàn ong, cũng như kiểm soát được chất lượng mật. Nhưng hiện nay, thùng nuôi ong được đóng thành từng hộp vuông có thể mở ra, đóng vào một cách dễ dàng, nên có thể kiểm soát được đàn ong cũng như chất lượng mật.
 
“Nuôi loài ong này thì sợ nhất là bệnh thối ấu trùng, nếu không phát hiện kịp thời thì có thể gây chết cả tổ ong, đàn ong. Ngoài ra, cũng có một số loài côn trùng như ong vò vẽ đến tấn công có thể gây ảnh hưởng đến đàn ong”, ông Mạnh cho biết.
 
Nhưng so với các mô hình kinh tế khác thì nuôi ong lấy mật được ông Mạnh cũng như những hộ dân nơi đây đánh giá là có hiệu quả kinh tế cao.


 
Thức ăn của ong chủ yếu là các loài hoa có trong tự nhiên
 
“Nuôi ong vốn đầu tư ít, chăm sóc đơn giản, trong gia đình ai cũng có thể làm được, thức ăn chủ yếu là hoa rừng tự nhiên, chỉ vào mùa đông hay lúc chia đàn ong thì có bổ sung thêm đường”, ông Mạnh cho biết.
 
Mỗi đàn ong đặt cách xa nhau từ 1 - 2m. Một năm có 3 vụ lấy mật chính là mùa Xuân, mùa Hạ và mùa Thu, nếu nguồn thức ăn nhiều thì có thể thu hoạch lấy mật 5 - 6 lần/năm. Trong đó, theo ông Mạnh, mật ong thu hoạch vào mùa Xuân thường có chất lượng tốt nhất vì có nhiều loài hoa.


 
Những lúc trời nắng nóng, ông Mạnh còn đặt thêm những chiếc máng chứa nước để ong có thể lấy nước dễ dàng
 
Với 94 đàn ong, mỗi năm gia đình ông thu hoạch được hơn 500 lít mật, với giá bán 300 nghìn/lít. Ngoài ra, mỗi năm gia đình ông còn bán được từ 50 - 60 đàn ong cho các hộ dân, với giá từ 850.000 đồng đến 1 triệu đồng/đàn.
 
“Trừ hết các chi phí, mỗi năm nghề nuôi ong lấy mật mang lại cho gia đình nguồn thu hơn 200 triệu đồng. Nuôi ong thực sự là mô hình hiệu quả và đã giúp nhiều gia đình ở xã Ân Phú thoát nghèo”, ông Mạnh cho biết.


 
Những chú ong mang phấn hoa để về làm mật
 
Ông Cù Huy Nhân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ân Phú chia sẻ, trên địa bàn có mô hình nuôi bò, trồng nấm nhưng quy mô nhỏ. Những năm gần đây thì phát triển mô hình nuôi ong lấy mật, mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Toàn địa bàn hiện có 27 hộ gia đình nuôi ong quy mô vài chục đàn ong/hộ.
 
“Những năm gần đây thì thấy mô hình nuôi ong phát triển tốt. Con ong đem lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người dân”, ông Cù Huy Nhân cho biết.