“Mỗi lần làm nhiệm vụ là đối diện với cái chết, chỉ sơ sảy một tích tắc đồng nghĩa đổi lại mạng sống. Thế nhưng, lúc đó tất cả đều đặt niềm tin cho ngày thống nhất nên chúng tôi quên hết mọi sợ hãi”.
Đã 45 năm trôi qua kể từ ngày non sông vẹn toàn, đồng đội có những người mãi ra đi, cũng có những người trở về không lành lặn; bản thân là thương binh hạng 4/4, mang trên mình vết thương chiến tranh, nhưng hôm nay khi nhắc lại những giây phút chiến đấu với nhiệm vụ phá bom từ trường, ông Trần Văn Tú (SN 1948, xã Hương Liên, Hương Khê, Hà Tĩnh) vẫn hừng hực nhiệt huyết và tự hào.
Sinh ra và lớn lên tại huyện miền núi Hương Khê, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, năm 1967, chàng trai Trần Văn Tú gác bút mực theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường nhập ngũ.
Sau một thời gian huấn luyện, ông được điều động làm lính công binh ở Binh trạm 42 đóng tại Huế. Tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ thực hiện chiến lược vượt trên ngăn chặn, hòng phá hoại tuyến vận tải quân sự chi viện cho miền Nam.
Các tuyến đường giao thông, cầu cống, kho tàng, nhà máy là mục tiêu ném bom ngày đêm của không quân Mỹ với các loại vũ khí mới nhất, hiện đại nhất, gây cho chúng ta rất nhiều tổn thất, khó khăn.
“Những cung đường Trường Sơn ngày ấy bị quân Mỹ cày xới nát nhừ. Chúng điên cuồng sử dụng không quân ném hàng vạn quả bom mỗi ngày, trong đó có bom từ trường, bom nổ chậm khi xe đến là phát nổ.” – ông Tú kể.
Ông Tú lúc này được giao làm Tiểu đội trưởng, cùng các đồng đội có nhiệm vụ phá bom từ trường và bom nổ chậm.
“Với thông tin của đài quan sát chỉ huy phát hiện có bao nhiêu quả bom chưa nổ, lập tức một tiểu đội ba người sẽ tìm phá bằng được để thông đường cho xe qua. Địch ném bom ở đâu, những người lính phá bom mìn có mặt ngay ở đó.” – ông Tú nhớ lại.
Theo ông Tú, công việc phá bom có những nguyên tắc khắt khe, đòi hỏi người lính phải có sự gan dạ, nhanh trí. Khi đi phá bom, người chiến sĩ không được mặc quần áo dài, trên người không có kim loại, trên tay chỉ được trang bị một chiếc gậy gỗ để đào bom. Mỗi lần vào phá bom, chỉ một người được vào, tiếp cận dưới 10 phút.
“Phá bom là nhiệm vụ hết sức nguy hiểm, đòi hỏi lòng dũng cảm, không ngại hy sinh. Khi làm nhiệm vụ phải hết sức bình tĩnh và chính xác, nếu không cẩn thận vướng bom thì cả tiểu đội chắc chắn sẽ hy sinh. Đối diện với bom mìn ai cũng sợ, thế nhưng khi đặt niềm tin cho ngày thống nhất đất nước chúng tôi lại quên hết sợ hãi” – ông Tú nói.
Nhiều huân huy chương và giấy khen mà Đảng, Nhà nước, địa phương dành tặng cho người lính phá bom từ trường năm xưa.
Trong những lần phá bom, đối mặt với nguy hiểm, sự khốc liệt của chiến tranh, ông Tú càng thêm lòng dũng cảm. Đào đường, phá bom nhiệm vụ nào cấp trên giao phó ông cũng hoàn thành xuất sắc.
“Một lần mở đường cho xe chạy thì đơn vị của tôi bị địch ném bom 502, tôi bị thương nặng phải nhập viện hôn mê bất tỉnh 3 ngày. Sau khi từ cõi chết trở về, từ lính công binh tôi được đơn vị cử đi học lái xe ở Hà Nội” – ông Tú kể.
Năm 1970, ông được điều về sư đoàn được phân công nhiệm vụ lái xe chở lương thực, thực phẩm, súng đạn ra chiến trường. Ông Tú bồi hồi nhớ lại: “Để tránh tai mắt của địch cứ 5h chiều chúng tôi bắt đầu xuất phát, xe chạy trong đêm nhưng không được bật đèn để tránh sự chú ý của địch. Chúng tôi được giao nhiệm vụ sang Lào để lấy lương thực, súng đạn, xăng dầu để về phục vụ cho chiến trường miền Nam”.
Năm 1973, ông Tú được điều động đến đơn vị Sư 470 Đoàn 559, đóng tại huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, tại đây ông vừa làm công tác lái xe vừa chiếu bóng phục vụ bộ đội trong những giờ nghỉ ngơi.
Đến năm 1976, sau khi đất nước giải phóng, ông xuất ngũ trở về quê hương. Tại địa phương, ông Trần Văn Tú được nhân dân, cấp trên tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ khác nhau từ làm Đội trưởng Đội sản xuất, nhân viên văn phòng, Công an xã, Phó Bí thư, Phó Chủ tịch xã... Ông cũng nhận được nhiều khen thưởng của các cấp địa phương, đặc biệt là những tấm huân huy chương mà Đảng và Nhà nước trao tặng ghi nhận những cống hiến của ông cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc.
Nay tuổi đã ngoài 70, người cựu binh Trần Văn Tú vẫn luôn đi đầu trong các hoạt động thôn xóm. Ông luôn là tấm gương sáng ở địa phương mà mỗi khi nhắc đến người dân nơi đây đều dành cho ông một tình cảm hết sức mến mộ.