Được xem là vựa lúa của huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh), nhưng do kênh tưới chính đang bị xuống cấp, nhỏ hẹp nên sản xuất vụ hè thu ở xã Hồng Lộc gặp khó khăn.
Kênh chính xuống cấp, hàng trăm ha đất lúa hè thu ở Lộc Hà bị ảnh hưởng


Những ruộng lúa sắp bước sang giai đoạn làm đòng ở gần kênh tưới chính của xã Hồng Lộc đang bị khô cạn.

Dù ruộng nằm ngay cạnh kênh tưới chính của xã, nhưng trời mới nắng to 3 ngày mà ruộng lúa hơn 1 sào đang vào độ “dậy thì” của ông Bùi Văn Kích ở thôn Trường An (xã Hồng Lộc) đã khô cạn nước.

Để đảm bảo cho cây trồng tăng trưởng tốt thì phải cho nước vào ruộng ngay nhưng con kênh chính hiện đang trơ đáy.

Kênh chính xuống cấp, hàng trăm ha đất lúa hè thu ở Lộc Hà bị ảnh hưởng


Nghe tin nước sắp bơm vào mương tưới chính, ông Bùi Văn Kích vội vã ra khơi dòng cho nước vào ruộng.

Ông Bùi Văn Kích phản ánh: “Nước ở dòng kênh chính này chảy ngược, lòng kênh nhỏ, xuống cấp, đáy ở điểm đầu thấp hơn đáy ở điểm cuối nên tốc độ nước chảy chậm. Vì vậy, bà con chúng tôi rất mong cấp trên bố trí kinh phí để nâng cấp, mở rộng tuyến kênh chính này nhằm phục vụ tốt hơn cho sản xuất, nhất là vụ hè thu”.

Kênh chính xuống cấp, hàng trăm ha đất lúa hè thu ở Lộc Hà bị ảnh hưởng


Nhiều thửa ruộng xứ đồng Nương Ràn, Kè Khai (thôn Thượng Phú) nằm ngay kênh tưới nhánh nhưng vẫn bỏ hoang, nước trong kênh hiện rất thấp.

Tệ hơn khu vực ruộng lúa của ông Kích là khu vực ở vùng đồng Nương Ràn, Kè Khai của thôn Thượng Phú. Nằm ngay bên hệ thống kênh tưới nhánh, nhưng có rất nhiều khoảnh ruộng (trong đó có những vùng hơn 1 ha) bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.

Nguyên do của việc người dân không sản xuất vụ hè thu này chủ yếu là thiếu nước.

Kênh chính xuống cấp, hàng trăm ha đất lúa hè thu ở Lộc Hà bị ảnh hưởng


Lòng kênh chính nhỏ hẹp, xuống cấp, có nhiều đoạn cỏ mọc um tùm gây cản trở dòng chảy.

Ông Hồ Sỹ Liên - cán bộ địa chính, nông nghiệp xã Hồng Lộc cho biết: “Kênh tưới chính này dài khoảng 4 km, được xem là kênh “mẹ” của hệ thống kênh tưới toàn xã. Nguồn nước qua kênh này phục vụ tưới cho gần hết diện tích đất lúa của xã Hồng Lộc (khoảng 400 ha), trong đó chủ yếu là 250 ha của các thôn Trung Sơn, Thượng Phú, Trường An và Đông Thịnh.

Việc kênh chính xuống cấp dẫn đến nguồn nước tưới không đảm bảo, lãng phí nước nhiều, không chỉ gây ảnh hưởng hiệu quả, chất lượng tưới cho các vùng đồng đang canh tác mà còn là nguyên nhân dẫn đến 100 ha bị bỏ hoang, không sản xuất lúa hè thu…”

Kênh chính xuống cấp, hàng trăm ha đất lúa hè thu ở Lộc Hà bị ảnh hưởng


Mái đê làm lâu ngày, không được duy tu nên nhiều đoạn đã bị sạt lở, bong tróc.

Thực tế cũng cho thấy, xuyên suốt 4 km hệ thống kênh tưới quan trọng này đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng. Bờ kênh xây dựng từ lâu, đã bị bong tróc, nứt sập.

Lòng kênh nhỏ hẹp, đáy đầy bùn đất, một số điểm cỏ mọc um tùm, gây tắc nghẽn dòng chảy. Trên bờ kênh nhiều đoạn bị sạt lở, thấp nên khi bơm với cường độ lớn nước dễ bị tràn bờ...

Kênh chính xuống cấp, hàng trăm ha đất lúa hè thu ở Lộc Hà bị ảnh hưởng


Mái kênh nhiều đoạn đã bị xói lở, hở hàm ếch nặng.

Ông Lê Viết Bình - Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc cho biết: “Kênh tưới chính trạm bơm Cầu Cao này là “xương sống” của hệ thống kênh tưới của xã, nó không hiệu quả thì dù có làm bao nhiêu km kênh mương nội đồng cũng không phát huy tác dụng và ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất.

Nhiều lần bà con phản ánh, kiến nghị và xã cũng thấy rõ những hạn chế, bất cập nên đã đề nghị UBND huyện đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2026 với tổng mức đầu tư 25 tỷ đồng. Với vai trò, sự bức thiết như trên của công trình nên bà con nông dân đang rất mong cấp trên sớm triển khai xây dựng dự án”.

Kênh tưới chính này được Công ty Thủy nông Can Lộc xây dựng từ năm 1995 với mục tiêu đưa nước từ kênh Linh Cảm (qua trạm bơm Cầu Cao) về tưới cho đồng ruộng Hồng Lộc. Tuy nhiên, do không phát huy hiệu quả nên chỉ được một vài năm thì đơn vị này bỏ không sử dụng nữa.

Khi có dự án ngọt hóa sông Nghèn, xã đã đầu tư 250 triệu đồng (năm 2012) để sửa chữa một số hạng mục và tái sử dụng lại công trình bỏ hoang này nhằm đưa nước về đồng ruộng. Tuy nhiên, vì tận dụng lại, công trình ngày một xuống cấp nên hiệu quả tưới không cao./.