"Đắp chiếu" sau 6 năm hoạt động
Năm 2009, nhà máy nước sạch Phúc Giang tọa lạc tại thôn Phúc Giang, xã Vĩnh Lộc (nay là Khánh Vĩnh Yên, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) được đầu tư xây dựng với nguồn vốn 6 tỷ đồng.
Đến năm 2011, công trình được hoàn thiện và đưa vào hoạt động, cung cấp nước sạch cho khoảng 500 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu tại 4 thôn: Đại Bản, Phúc Giang, Thượng Triều và Hạ Triều (xã Khánh Vĩnh Yên). Tuy nhiên khi hoạt động được một thời gian, nhà máy bị hư hỏng và bỏ hoang nhiều năm nay khiến hàng ngàn người dân sống trong cảnh thiếu nước sạch.
Ông Phạm Văn Dục (69 tuổi, trú tại thôn Hạ Triều) cho biết, khi nhà máy đi vào hoạt động, người dân địa phương vui mừng vì có nguồn nước sạch để sử dụng. Bởi toàn bộ khu vực thôn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn, đặc biệt vào mùa khô thiếu nước nghiêm trọng. Thời điểm lắp đặt đường ống nước, để sử dụng mỗi hộ dân đóng 1,5 triệu đồng. Nhưng sử dụng được khoảng 6 năm, nhà máy nước bị hư hỏng đường ống và đóng cửa ngừng hoạt động từ năm 2019 đến nay.
Chỉ tay vào những thùng đựng nước mưa đặt giữa sân nhà, ông Dục nói: “Gia đình tôi phải sử dụng nước mưa và nước giếng khoan để sinh hoạt. Cứ mỗi trận mưa lại đặt thùng để hứng nước, có những lúc đến mùa nắng hết nước lại phải gánh xô đi xin”.
Để có nước sử dụng, ông Dục lắp đặt 1 bể inox đựng nước mưa để nấu ăn, còn bể đựng nước giếng khoan để tắm rửa, giặt quần áo. “Đối với giếng khoan, vì vùng đất bị nhiễm phèn nên dù lọc qua nhiều lần vẫn không hết mùi và vẫn còn màu vàng.”, ông Dục nói.
Gia đình bà Trần Thị Lam (80 tuổi, trú thôn Phúc Giang) cách nhà máy nước chỉ vài chục mét. Mấy năm nay kể từ khi nhà máy ngừng hoạt động, nhà bà Lam phải sử dụng nước mưa, nước nhiễm phèn.
“Bây giờ tôi ở một mình, con cháu đi làm xa không ở nhà, một mình tôi không có điều kiện đào giếng khoan mà nước lại sạch thì mấy năm nay không có để dùng nên phải sử dụng 2 bể hứng nước mưa, dùng tiết kiệm thì cũng đủ”, bà Lam nói.
Hàng nghìn người dân khát nước sạch
Theo ghi nhận của Tiền Phong, do nhà máy nước ngừng hoạt động nhiều năm nên một số hạng mục bên trong đã xuống cấp, nền nhà xuất hiện nhiều vết nứt lớn, máy móc bỏ không, cỏ dại mọc um tùm, các hệ thống dẫn nước đã hư hỏng.
Nhiều năm nay không có nước sạch sinh hoạt, hầu hết các hộ dân ở đây đã đào giếng khoan và xây dựng thêm bể hứng nước mưa để tích trữ nước. Dù biết nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nhưng người dân vẫn phải dùng vì không còn cách nào khác.
“Nếu tưới trực tiếp bằng nước giếng khoan, cây sẽ chết. Thế nên khi bơm nước lên phải chuyển qua bể lọc 2 tầng mới sử dụng để sinh hoạt. Đối với ăn uống thì hầu như sử dụng nước mưa. Người dân giờ chỉ mong sớm có nhà máy nước để cuộc sống đỡ cực hơn”, một người dân khác chia sẻ.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Khánh Vĩnh Yên (huyện Can Lộc) cho biết, nhà máy nước Phúc Giang ngừng hoạt động khoảng 3 năm nay. Trong thời gian nhà máy đóng cửa, hàng trăm hộ dân phải sử dụng nước mưa, nước giếng khoan để sinh hoạt. Hiện nay, tỉnh đã về khảo sát và có phương án nâng cấp, xây dựng nhà máy mới tại vị trí thôn Phúc Giang với kinh phí đầu tư khoảng 30 tỷ đồng.
“Đã có phương án nhưng đợi nguồn của tỉnh để triển khai. Trước đây, nhà máy chỉ phục vụ cho Vĩnh Lộc (cũ) nhưng nay sẽ xây dựng nhà máy lớn hơn để phục vụ cho toàn xã với nguồn vốn dự toán khoảng 30 tỷ đồng. Đối với nhà máy cũ chỉ tận dụng được bể chứa, một số đường ống và nhà quản lý, còn lại sẽ được cải tiến để phục vụ cho 2.500 hộ dân”, ông Hùng cho hay./.