1-1636426007.jpg

Tàu thuyền tại cảng cá Cửa Sót những ngày này khá thưa thớt.

Ghi nhận tại Cửa Sót (Thạch Kim, Lộc Hà) – cảng cá lớn nhất Hà Tĩnh, không khí mua bán khá trầm lắng. Tàu thuyền cập cảng thưa thớt, sản lượng các loại hải sản ít, chủ yếu là ruốc biển.

Vừa cập cảng Cửa Sót (Lộc Hà) sau một đêm dài ra khơi, ông Nguyễn Văn Thành (trú tại xã Thạch Hải, Thạch Hà) đã mệt mỏi lại càng buồn bã hơn vì giá ruốc biển xuống thấp trong khi giá dầu ở mức cao. Chuyến đi này của gia đình ông chỉ đánh được hơn 4 tạ ruốc biển, bán được 2,4 triệu đồng, trong khi đó riêng chi phí tiền dầu đã “ngốn” gần 2 triệu đồng.

“Thuyền của tôi có công suất 36 CV, 1 chuyến đi hết khoảng 100 lít dầu, tương đương gần 2 triệu đồng. Nếu đánh bắt được khoảng 4 tạ ruốc thì coi như lỗ vốn vì ngoài tiền dầu còn phải bù vào các chi phí phát sinh khác như sửa chữa ngư cụ, khấu hao tàu thuyền, tiền công cho lao động... Cũng do giá dầu tăng cao “thu không đủ bù chi” nên một số bạn thuyền đã tạm nghỉ việc đánh bắt” - ông Thành than thở.

2-1636426028.jpg

Ngư dân gặp khó khăn do giá dầu tăng cao.

Với những tàu, thuyền cỡ lớn, gánh nặng chi phí xăng dầu rõ rệt hơn. Ông Nguyễn Hữu Thanh (thị trấn Thạch Hà, huyện Thạch Hà) chia sẻ, mấy tháng gần đây là mùa mưa bão, biển động nên thuyền ít ra khơi. Khi thời tiết thuận lợi hơn chút ít thì gặp “bão giá” xăng dầu nên ngư dân đã khó nay lại càng khó.

“Thuyền chúng tôi công suất 380 CV, bình thường mỗi chuyến đi cần 5 - 6 người để đánh bắt nhưng những ngày gần đây không thuê được nhân công do mỗi chuyến biển gần như không có lãi. Trong khi đó, giá nhiều loại hải sản cũng gần như ở mức chạm”đáy“. Riêng với con ruốc, năm ngoái có khi lên đến 15 - 20 nghìn đồng/kg hay như mấy tháng trước còn bán được gần 10 nghìn đồng/kg thì nay giá chỉ còn khoảng 5 - 6 nghìn đồng/kg” - ông Thanh cho hay.

4-1636426057.jpg

Trong khi giá dầu lên cao thì giá các loại hải sản lại xuống thấp.

Ông Thanh nhẩm tính: “Thuyền chúng tôi chạy từ sáng đến tối hết gần 5 triệu tiền dầu (250 lít) nhưng cá, tôm mùa này cũng khan hiếm, sản lượng đánh bắt mỗi ngày thường không quá 1 tấn ruốc nên chỉ vừa đủ trang trải chi phí, ngày nào may mắn mới kiếm được 200 - 300 nghìn đồng/người.

Như chuyến này, 3 bố con chúng tôi đi từ 10 giờ tối đến sáng, chỉ đánh được 6 tạ ruốc (giá trị 3,6 triệu đồng), trong khi tiền dầu đã hết hơn 3 triệu đồng. Nếu tình hình này kéo dài, nguy cơ phải để tàu nằm bờ là điều khó tránh khỏi”.

Ông Lê Tiến Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá Thạch Kim (Lộc Hà) cho hay, lâu nay, ngư trường đánh bắt hải sản ở Hà Tĩnh vốn không thuận lợi như trước, giá cả xuống thấp, nay giá dầu tăng cao nên bà con ngư dân càng khó khăn hơn nhiều. Qua theo dõi của nghiệp đoàn, gần 50% tàu, thuyền loại công suất lớn không ra khơi thời gian này.

6-1636426089.jpg

Thời điểm này, ngư dân đang đối mặt với rất nhiều khó khăn.

Không chỉ tại cảng cá Cửa Sót, việc dầu tăng giá đã ảnh hưởng đến hầu hết đời sống ngư dân và hoạt động khai thác hải sản tại Hà Tĩnh. Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản (Sở NN&PTNT) Hà Tĩnh Nguyễn Tông Thắng cho biết: "Hiện toàn tỉnh có 3.560 tàu cá với hơn 15.000 lao động và 35.000 lao động hoạt động trong lĩnh vực hậu cần nghề cá. Ghi nhận tại thời điểm đầu tháng 11 năm 2021, sản lượng hoạt động khai thác thuỷ hải sản tại Hà Tĩnh giảm khoảng 20%.

Hiện Chi cục Thuỷ sản vẫn đang cùng đồng hành, hỗ trợ, động viên ngư dân tiếp tục bám biển và đặc biệt là triển khai các giải pháp bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản. Trong thời gian tới, giá xăng dầu không có xu hướng giảm, chúng tôi sẽ có đề xuất lên các cấp để hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân tiếp tục bám biển."

Chiều 26/10, liên Bộ Công thương - Tài chính có điều chỉnh giá xăng dầu. Theo đó, sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán dầu diesel (nhiên liệu các ngư dân thường dùng cho tàu cá) phổ biến trên thị trường là 18.710 đồng/lít. Đây là mức giá cao nhất trong 7 năm gần đây./.