a-1656143713.jpg
Tuyến đê biển Nghi Xuân bị bỏ dở sau khi hoàn thành giai đoạn 1.

Nguy cơ tai nạn ở tuyến đê “cụt”

Nhiều năm qua, các phương tiện qua lại tại tuyến đê biển thuộc xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) đều phải quay đầu vì tuyến đường bỗng nhiên bị “cụt”.

Ông Nguyễn Văn Hòa (xã Cương Gián) cho hay, gia đình ông ở gần khu vực này nhiều lần chứng kiến các phương tiện như xe máy, ô tô… buộc phải quay đầu khi đi đến đoạn đê bị “cụt” do thi công dang dở.

“Người địa phương thì hầu như ai cũng biết đoạn này không thể lưu thông được. Nhưng các phương tiện nơi khác đến không quen đường. Mỗi khi đến đây phải phanh gấp, quay đầu di chuyển theo hướng khác. Nguy hiểm nhất là, khu vực này không có hệ thống đèn chiếu sáng, buổi tối đi lại rất dễ xảy ra tai nạn”, ông Hòa lo lắng.

“Để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện qua lại, người dân đã phải cắm biển để cảnh báo cho các phương tiện. Khi dự án được khởi công, chúng tôi rất vui mừng vì công trình không chỉ thuận lợi cho việc đi lại mà còn giúp người dân an tâm hơn và mỗi mùa mưa bão.

Thế nhưng, hơn 1 năm qua, dự án vẫn còn bỏ dở khiến người dân rất thắc mắc. Tôi hy vọng dự án sớm tiếp tục được triển khai để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân sinh sống tại đây”, anh Nguyễn Văn Hậu (thôn Song Hải) bày tỏ.

Được biết, công trình đê biển Nghi Xuân đã được hoàn thành giai đoạn 1 đấu nối từ đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng đến thôn Song Nam (xã Cương Gián). Tuy nhiên, đoạn từ thôn Song Hải đến xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân) vẫn chưa được triển khai.

Hơn một năm qua, dự án bị bỏ dở khiến đoạn đê biến thành tuyến đê cụt, gây nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông. Các phương tiện khi tới khu vực này buộc phải rẽ trái xuống tỉnh lộ 547 cách đê khoảng 2km.

Trên tuyến đê, ngoài tấm biển cấm xe trọng tải trên 10 tấn và bản chỉ tên công trình thì không hề có biển cảnh báo về tuyến đê cụt.

Ông Hoàng Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, công trình đê biển bàn giao cho địa phương quản lý khoảng 1 năm nay.

Công trình rất thiết yếu, phục vụ nhu cầu giao thông, sinh hoạt, phát triển kinh tế, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão. Hiện, giai đoạn 1 đã làm xong, còn đoạn nối từ thôn Song Nam đến xã Cổ Đạm vẫn chưa triển khai. Nguyên nhân ngừng triển khai địa phương không nắm rõ.

Dự án trăm tỷ dang dở vì thiếu vốn

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo GD&TĐ, công trình trên thuộc dự án tuyến đê biển huyện Nghi Xuân nối từ xã Cương Gián đến xã Cổ Đạm (huyện Nghi Xuân) có chiều dài khoảng 10km. Công trình do UBND huyện Nghi Xuân làm chủ đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 370 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn huy động hợp pháp khác.

Dự án nhằm bảo vệ an toàn tính mạng con người vùng ven biển khi dân số tập trung tại đây khá đông, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế, giao thông cho người dân vùng ven biển.

Dự án được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đoạn từ Km32+693,87 - Km37+411,66 có số vốn đầu tư 155 tỷ đồng và giai đoạn 2 đoạn từ Km27+00 - Km32+693,87 với vốn đầu tư 215 tỷ đồng.

Trong đó giai đoạn 1 đấu nối từ đường ven biển Xuân Hội - Thạch Khê - Vũng Áng đến thôn Song Nam (xã Cương Gián) đã được triển khai xây dựng vào năm 2019 và đưa vào sử dụng năm 2020.

Tuy nhiên, sau khi hoàn thành giai đoạn 1 công trình ngừng thi công nên giai đoạn 2 (nối từ xã Cổ Đạm đến thôn Song Hải, xã Cương Gián) vẫn chưa được thực hiện. Điều này đã khiến khu vực đấu nối bị cụt gây bất tiện cho người dân và phương tiện qua lại.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Tấn, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Nghi Xuân cho biết, dự án mới hoàn thành đưa vào sử dụng khoảng 5km tại giai đoạn 1.

Hiện, giai đoạn 2 chỉ mới có quy hoạch, phương án, còn thời hạn để thực hiện dự án thì chưa có. Cũng theo ông Tấn, nguyên nhân công trình dang dở là vì đang đợi… vốn.

“UBND huyện đã gửi văn bản lên tỉnh đề nghị bố trí vốn thực hiện giai đoạn 2. Tuy nhiên, việc này còn phụ thuộc vào kế hoạch đầu tư công, khi nào có kế hoạch vốn mới triển khai được.

Chúng tôi cũng rất mong muốn dự án sớm triển khai để phát huy hết tác dụng công trình, đồng thời tránh gây lãng phí cho phần đã hoàn thành xây dựng”, ông Tấn thông tin./.