Bố qua đời 3 năm vì bệnh tật, một mình mẹ ngược xuôi nuôi 2 chị em khôn lớn thì bỗng nhiên đổ bệnh u đa xương. Thương mẹ quằn quại với từng cơn đau nhưng 2 con thơ chỉ biết nhìn nhau bất lực.
 
Nhận được đơn thư cầu cứu đẫm nước mắt của em Bùi Thị Hằng (học sinh lớp 9, trường THCS Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên), chúng tôi tìm về thôn Bắc Thàn thăm gia đình hoàn cảnh éo le của 3 mẹ con chị Hoàng Thị Bình (SN 1971, trú thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh).


 
Ngôi nhà tình nghĩa của mẹ con chị Bình được chính quyền và người dân hỗ trợ xây nên.
 
Trong căn nhà tình nghĩa được chính quyền và người dân hỗ trợ xây nên, trên chiếc giường nhỏ nơi góc tường, chị Bình đang rên rỉ với từng cơn đau. Hai đứa con vừa xoa bóp vừa cho mẹ uống thuốc. Lâu lâu chị em Hằng lại quay mặt đi chỗ khác, gạt đi những giọt nước mắt.
 
Ngồi bên cạnh chiếc giường của mẹ, Hằng kể: "Mẹ cháu vừa trở về nhà vì hết tiền nằm viện, mấy ngày nay mẹ đau liên tục. Hai chị em cháu phải thường xuyên túc trực. Bình thường cháu hoặc em ở với mẹ để người còn lại đi trong làng tìm việc làm thêm, kiếm cái ăn cho cả nhà nhưng đợt này do dịch bệnh nên cả 2 đều ở nhà chăm mẹ".
 
 
Do hết tiền nằm viện nên chị Bình phải về nhà để các con chăm sóc.
 
Khi những cơn đau tạm dứt, chị Bình nghẹn ngào kể về hoàn cảnh éo le của gia đình và những thiệt thòi của 2 đứa con gái học rất giỏi nhưng trước biến cố của gia đình lo rằng tương lai các cháu sẽ mịt mờ.
 
Chị Bình sinh ra trong gia đình thuần nông, cuộc sống khó khăn từ nhỏ. Năm 2004, chị lấy chồng ở cùng xã rồi lần lượt sinh hạ 2 cháu gái Bùi Thị Hằng (SN 2005) và Bùi Thị Châu (SN 2007).


 
Chị Bình gắng chống chọi với từng cơn đau kể về hoàn cảnh bi đát của gia đình.
 
Nhìn 2 con lớn lên xinh xắn, khỏe mạnh và đặc biệt là học rất giỏi nên dù hoàn cảnh khó khăn và sức khỏe cả 2 vợ chồng không được như người ta nhưng họ không quản ngày đêm lao động nuôi chị em Hằng nên người với hy vọng các cháu có một tương lai tươi sáng.
 
Khi tất cả đang cố gắng thì cách đây 3 năm, anh Bùi Vĩnh Phùng - chồng chị đổ bệnh qua đời để lại 2 đứa con thơ cho một mình chị nuôi nấng.
 
Chưa mãn tang chồng, nhưng vì hoàn cảnh quá khó khăn, với lại ở mảnh đất nơi này chị Bình không thể kiếm nổi một công việc đủ trang trải cho cuộc sống của 3 mẹ con nên chị quyết định gửi con cho mẹ già (năm nay đã 83 tuổi) để sang nước ngoài lao động.


 
Bên giường bệnh của mẹ cũng là góc học tập của chị em Hằng.
 
Tưởng rằng cuộc sống thoát ly nơi xứ người sẽ mang lại niềm hy vọng thay đổi cuộc sống cho cả gia đình. Nhưng tai hoạ lại 1 lần nữa ập đến, khi đang lao động ở nước ngoài, thỉnh thoảng chị Bình bị đau ê ẩm khắp người, tưởng là do lao động mệt nhọc nên sau những trận đau chị vẫn cố trở lại công việc.
 
Cách đây 6 tháng, khi không thể gượng dậy sau từng cơn đau, chị phải chấp nhận trở về quê với món nợ khi ra đi chưa thể trả hết. Sau khi về quê, qua thăm khám, các bác sĩ cho biết chị mắc bệnh u đa xương.
 
Bố mất, mẹ bạo bệnh, cuộc sống của 2 chị em Hằng và Châu lâm vào những chuỗi ngày cơ cực. Các em đành phải quên đi những ước mơ tươi đẹp của tuổi học trò để lo thuốc thang cho mẹ, cái ăn từng ngày.


 
Từ ngày mẹ đổ cơn bạo bệnh, Hằng và Châu dần quên đi ước mơ tươi đẹp của tuổi học trò để lo cho cái ăn hàng ngày và thuốc thang cầm cự cho mẹ.
 
"Bình thường chúng cháu đi bắt ốc, bắt cua, mùa cấy gặt thì ai thuê gì chúng cháu làm nấy. Em Châu còn nhỏ nhưng cấy gặt rất giỏi nên có việc là người trong làng gọi em ấy đi để kiếm thêm đồng tiền thuốc cho mẹ và từng bữa ăn cả nhà. Dù chúng cháu cố gắng nhưng cái ăn còn chưa đủ, nhìn mẹ quằn quại với từng cơn đau không có tiền đi viện chị em cháu chỉ biết ôm nhau động viên trong bất lực", Hằng ngậm ngùi.
 
Hằng cũng cho hay, vì hoàn cảnh nội ngoại đều khó khăn, neo người nên từ khi mẹ đổ bệnh các em phải bữa học bữa nghỉ để thay nhau chăm mẹ. Việc học hành của các em cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.


 
Những dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt của em Châu với nỗi lo về bệnh tật của mẹ.
 
Nghe chị nói, Châu bật khóc nức nở, vốn đã mất đi người bố, giờ thêm nỗi lo không biết mẹ của các em còn có thể chống chọi bệnh tật thêm bao lâu nữa. Sợ một ngày không xa, mẹ các em sẽ theo bố về thế giới bên kia, để lại chị em Châu côi cút.
 
“Dù phải bữa học bữa nghỉ học ở nhà chăm mẹ cũng được, bài vở cháu sẽ tự học thêm. Chúng cháu đã mất bố rồi, cầu xin ông trời đừng mang mẹ cháu đi nữa, mong mọi người cứu mẹ cháu với!”, dòng nước mắt cầu cứu lăn dài trên gò má em Châu.


 
Châu lo rằng một ngày không xa, các em sẽ mất đi tình yêu thương còn lại...
 
Bà Lê Thị Ngợi - hàng xóm sang thăm chị Bình cho biết, gia đình chị Bình từ trước đến nay rất khó khăn. Vợ chồng đều tu chí làm ăn nhưng công việc không ổn định nên không thể khá lên được, nay tai hoạ lần lượt ập đến với họ xóm làng ai cũng thương tình.
 
"Có lẽ trong xã này không gia đình nào khổ như nhà chị Bình. Nay chị bệnh tật, mỗi lần đi chợ thương chị Bình, chúng tôi cứ vận động người góp vài ba ngàn hỗ trợ thêm cho chị ấy đi viện. Tuy nhiên, sự giúp đỡ có hạn của chúng tôi chẳng thấm vào đâu, nay chẳng còn đồng nào chị lại phải về nhà phó mặc số phận cho ông trời", bà Ngợi nói.


 
Do dịch bệnh không kiếm được việc làm thêm, chị em Châu phải vét những hạt gạo cuối cùng để nấu cháo cho mẹ.


 
Dù không muốn nuốt nhưng vì thương con, chị Bình gượng dậy ăn vài thìa cháo để chống chọi với từng cơn đau. Thương các cháu không biết tương lai về đâu khi chị chỉ biết phó mặc số phận cho ông trời.
 
Bà Ngợi cũng ngậm ngùi cho hay, thương chị Bình bệnh tật đã đành, nhưng xót xa hơn là nhìn các cháu nhỏ con chị Bình vốn học giỏi xóm làng ai nấy đều ngưỡng mộ giờ phải chấp nhận bữa học bữa nghỉ để mò cua bắt ốc, làm mướn đủ thứ… Tương lai phía trước của các cháu không biết rồi sẽ đi về đâu?!
 
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Hoàng Thị Bình
 
Địa chỉ: Thôn Bắc Thành, xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh.
 
Số ĐT: 0945 563 122