Cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Giao thông vận tải sớm thúc đẩy tiến trình di chuyển hoặc dỡ bỏ trạm thu phí cầu Bến Thuỷ 1, đáp ứng yêu cầu phát triển chung và hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân trong vùng.
Sau đó, chuyển cầu Bến Thuỷ 1 thành cầu nội thị và bàn giao cho địa phương quản lý và đầu tư nâng cấp cầu Bến Thủy 1 trở thành cầu cảnh quan để tạo điểm nhấn kết nối đô thị hai bên bờ sông Lam.
DỪNG THU DỰ ÁN VÀO THÁNG 11/2037
Trả lời nội dung kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh, Bộ Giao thông vận tải cho biết dự án đầu tư xây dựng đường tránh Quốc lộ 1A qua thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An theo phương thức Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao (BOT) được đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2005 và sử dụng trạm thu phí qua cầu Bến Thủy 1 để thu phí hoàn vốn cho dự án.
"Hiện nay, các bên đang thực hiện nghĩa vụ theo quy định của hợp đồng đã ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải và nhà đầu tư thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án là 23 năm 3 tháng, dự kiến dừng thu, bàn giao vào tháng 11/2037", Bộ Giao thông vận tải thông tin. |
Dự án tuyến tránh thành phố Vinh, Nghệ An và dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh do Tập đoàn Cienco 4 đầu tư theo hình thức BOT.
Đường tránh Vinh có chiều dài 25,8km từ Bắc thị trấn Quán Hành (Km 448+800) đến cầu Bến Thủy cũ (Km 467+056, quốc lộ 1) được đầu tư vào năm 2003 với tổng mức đầu tư 378 tỷ đồng.
Bộ Giao thông vận tải chấp thuận để nhà đầu tư sử dụng trạm thu phí Bến Thủy cũ (nay là trạm Bến Thủy 1) để thu phí hoàn vốn thay vì xây trạm thu phí mới trên tuyến tránh Vinh.
Tháng 9/2012, khi dự án xây dựng cầu Bến Thủy 2 hoàn thành và kết nối vào tuyến tránh Vinh, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải thống nhất cho phép nhà đầu tư xây dựng trạm thu phí phụ trên đường đầu cầu Bến Thủy 2 (thu phí từ ngày 15/11/2012) để cùng trạm Bến Thủy 1 hoàn vốn cho dự án đầu tư công trình tuyến tránh Vinh.
Nhà đầu tư này cũng được giao mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Nam Bến Thủy - tránh thành phố Hà Tĩnh dài 35,1km, tổng mức đầu tư 2.434 tỷ đồng, được thu phí cùng các trạm Bến Thủy 1 và 2.
Trạm thu phí ở cầu Bến Thủy 1 không đặt trên tuyến đường BOT nhưng ô tô của người dân địa phương qua lại bị thu phí khiến người dân khu vực này từng bức xúc nhiều năm.
Vì vậy, người dân tiếp tục giữ kiến nghị di dời trạm thu phí Bến Thủy 1 để không chỉ một bộ phận cư dân quanh cầu mà toàn bộ phương tiện qua lại cầu Bến Thủy 1 không phải trả những khoản phí bất hợp lý.
Tuy nhiên, nhà đầu tư cho rằng việc di chuyển trạm sẽ phát sinh thêm khoản đầu tư trên 100 tỷ đồng, trong khi điều kiện nguồn vốn đang khó khăn.
CHUYỂN CẦU BẾN THUỶ THÀNH CẦU NỘI THỊ SAU KHI HOÀN VỐN
Trước những bất cập của người dân và để hạn chế ảnh hưởng đối với người dân trong khu vực trạm thu phí, trong quá trình xây dựng thông tư thu phí cho trạm cầu Bến Thủy 1, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện miễn giảm phí đối với các phương tiện vận tải theo quy định tại Điều 5 Thông tư 159/2013/TT-BTC ngày 14/11/2013 của Bộ Tài chính.
Đồng thời miễn giảm các xe nhóm 4, nhóm 5, bởi đây là nhóm các phương tiện vận tải ảnh hưởng lớn tới giá cả vận tải.
Bộ Giao thông vận tải cũng chỉ đạo nhà đầu tư bán vé tháng, vé quý để các phương tiện cơ giới có quyền đi lại nhiều lần nhưng chỉ phải trả phí một lần trong ngày, từ đó, hạn chế tối đa tới tác động tăng chi phí vận tải và việc lưu thông các phương tiện trong khu vực.
Bộ Giao thông vận tải ghi nhận kiến nghị của cử tri tỉnh Hà Tĩnh và sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định chuyển cầu Bến Thủy 1 thành cầu nội thị và bàn giao cho địa phương quản lý sau khi hoàn thành công tác thu phí hoàn vốn của dự án.
Theo Anh Tú - vneconomy.vn