Ngày 13/9/2022, UBND huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty cổ phần Xây dựng Thương mại và dịch vụ Thái Ngọc - chi nhánh Hà Tĩnh (trụ sở chính tại xã Hưng Lộc, TP Vinh, Nghệ An) về hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Từ ngày 30/11/2017, doanh nghiệp này đã được cấp phép khai thác đất tại khu vực này.

khoang-san-2-1-1-1663981474288-1663983796.jpg
Công an huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nổ súng trấn áp, bắt giữ 5 sà lan hút cát trái phép trên sông Lam (tháng 7/2022).

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, lợi dụng sự quản lý không chặt chẽ của chính quyền địa phương cũng như ban ngành chức năng, công ty đã khai thác vượt ra ngoài ranh giới khu vực được phép khai thác theo bề mặt là 1.560m2, tương đương với 0,156ha, tại tiểu khu 97, Khoảnh 1 (khu vực đất trống, không có rừng) thuộc khu vực Rú Nấy.

Ngoài xử phạt số tiền 120 triệu đồng, huyện Nghi Xuân còn buộc công ty trên phải cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn và nộp lại số lợi nhuận bất hợp pháp số tiền 13,042 triệu đồng có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Trước đó, vào đầu tháng 8/2022, tại 4 mỏ đất và mỏ đá trên địa bàn các huyện Hương Sơn và Hương Khê cũng đã xảy ra tình trạng khai thác không đúng thiết kế, khai thác vượt công suất cho phép, sử dụng khoáng sản đi kèm khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, không đảm bảo an toàn lao động và gây ô nhiễm môi trường. Các hành vi này diễn ra trong thời gian dài và chỉ được phát hiện, ngăn chặn kịp thời khi có đoàn công tác liên ngành do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) chủ trì, tiến hành kiểm tra đột xuất.

Sau khi làm rõ các sai phạm, Sở TN&MT đã quyết định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản đối với 4 doanh nghiệp tổng số tiền 282 triệu đồng và yêu cầu khẩn trường khắc phục các vi phạm. Cũng thời gian này, khi Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) có công văn gửi Sở TN&MT Hà Tĩnh yêu cầu làm rõ thông tin khai thác cát, sỏi, cuội trên sông Rào Nổ, xã Hòa Hải, huyện Hương Khê, thì cơ quan chức năng mới vào cuộc để xử lý điểm khai thác cát sỏi trái phép này. Nghiêm trọng hơn, đối với vụ việc này, chính quyền cấp xã đã tiếp tay để doanh nghiệp ngang nhiên đào xới lòng sông.

Cụ thể, mặc dù khu vực này nằm ngoài phương án thăm dò khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong Quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030 đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt nhưng để kịp về đích NTM năm 2022, UBND xã Hòa Hải đã phối hợp với một doanh nghiệp trên địa bàn là HTX Hòa Hải để xúc chuyển cát, sỏi, cuội tại các bãi bồi dọc sông Rào Nổ chở về để phục vụ xây dựng các công trình NTM. Xã Hòa Hải trả chi phí khai thác, sơ tuyển, vận chuyển 1m3 là 100.000 đồng. Khu vực này có diện tích khoảng 4.000m2, hoạt động khai thác diễn ra từ tháng 6/2022 và đến thời điểm bị phát hiện, đã khai thác khoảng 3.389m3 cát, sỏi, cuội.

Trước đó, tại huyện Đức Thọ, Công an huyện Đức Thọ liên tiếp bắt giữ nhiều vụ việc khai thác cát sỏi trái phép ở khu vực giáp ranh với tỉnh Nghệ An. Thậm chí, có vụ việc cơ quan Công an phải phục kích, nổ súng chỉ thiên để trấn áp.

Cụ thể, vào lúc 2h sáng 1/7/2022, tại khu vực sông Lam đoạn qua thôn Đại Châu, xã Tùng Châu, huyện Đức Thọ giáp ranh với huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An xuất hiện nhiều sà lan đang hút cát trái phép. Công an huyện Đức Thọ đã huy động 50 cán bộ chiến sĩ thuộc Công an huyện phối hợp với Phòng TN&MT huyện, Phòng PC08 Công an tỉnh Hà Tĩnh tăng cường 5 xuồng máy tiếp cận hiện trường vây bắt các sà lan đang hút cát trái phép trên sông.

Trong quá trình vây bắt, các đối tượng khai thác cát trái phép đã chống trả quyết liệt. Lực lượng chức năng đã phải nổ súng bắn chỉ thiên để trấn áp, bắt giữ 5 sà lan khai thác cát trái phép nói trên và tiến hành áp giải về tại âu thuyền xã Bùi La Nhân để tiến hành lập biên bản, đo đếm khối lượng cát trên sà lan. Các chủ phương tiện hút cát trái phép gồm: Nguyễn Khánh Ninh (SN 1971), Ngô Văn Tâm (SN 1989), Đoàn Thị Chương (SN 1985), Trương Thị Lâm (SN 1973), Cao Văn Hoan (SN 1980), đều trú ở xã Hưng Lam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Cũng tại khu vực này, trước đó khoảng 2 tháng, vào đêm 10/5, Công an huyện Đức Thọ cũng đã trấn áp, bắt quả tang 6 sà lan khi đang có hành vi khai thác cát trái phép.

Thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, nhất là trong các lĩnh vực như cát sỏi, đất đắp nền, khai thác đá. Bên cạnh sự nỗ lực, vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ban ngành chức năng của toàn tỉnh, thì trên địa bàn, một số địa phương vẫn còn tình trạng buông lỏng, "bảo kê", làm ngơ để cho các cá nhân, tổ chức ngang nhiên khai thác khoáng sản khi chưa được cấp phép. Điều này không chỉ tạo ra tiền lệ xấu, mà còn kéo theo nhiều hệ lụy về thất thoát tài nguyên khoáng sản, thất thu ngân sách Nhà nước, ô nhiễm môi trường, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo vệ sinh an toàn lao động.

Theo số liệu của Sở TN&MT, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý trên 100 vụ vi phạm các quy định về khai thác khoáng sản. Trong thời gian nói trên, đơn vị đã tổ chức 20 cuộc kiểm tra, thanh tra về lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó đã phát hiện, xử lý theo thẩm quyền đối 39 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt là hơn 1,9 tỷ đồng. Tham mưu UBND tỉnh xử lý theo thẩm quyền đối với 7 tổ chức có hành vi vi phạm với tổng số tiền xử phạt là trên 2 tỷ đồng./.