Đất thải từ công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu Bắc Thạch Hà, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) được xác định là tài sản, phải qua đấu giá. Vậy nhưng, sự buông lỏng quản lý đã tiếp tay cho một số cá nhân sử dụng khi chưa được phép, làm thất thoát tài sản.
Mới đây, tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII, trả lời câu hỏi của đại biểu, ông Hà Văn Trọng- Giám đốc Sở Tài chính Hà Tĩnh khẳng định, sau khi họp bàn với Sở TN&MT xác định, lượng đất thải từ công trình cải tạo và nâng cấp hệ thống kênh tưới, tiêu Bắc Thạch Hà là tài sản, do đó phải qua đấu giá mới được phép sử dụng. Vì vậy, Sở đang phối hợp với các đơn vị có liên quan để hoàn thiện thủ tục đưa ra đấu giá.
Đất phong hóa thi công tuyến kênh được đưa lên phương tiện vận tải
Theo đó, đất thải từ quá trình nạo vét lòng kênh phải được vận chuyển về tập kết tại các bãi thải theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, một lượng đất thải này lại đang được đem bán, sử dụng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Có mặt tại tuyến nhánh số 1 của dự án thuộc địa phận xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà - Nơi có khối lượng đất sét rất lớn, giá trị. Thay vì việc chấp hành quy định đưa đất thải nạo vét lòng hồ về bãi thãi thì có rất nhiều phương tiện tham gia vận chuyển đi nơi khác, bán cho người dân theo nhu cầu…?
Theo quy định phải được vận chuyển về đỗ tại bãi thãi
Việc làm trái quy định này được cán bộ phụ trách kỹ thuật của Công ty Cổ phần Dũng Đàn - một trong những đơn vị đang thi công hệ thống kênh nằm trền địa bàn xã Thạch Ngọc thừa nhận, đất đang được đem phục vụ người dân san lấp nền nhà, vườn và công trình của xã. Đồng thời, khẳng định đã được sự cho phép của UBND xã Thạch Ngọc...?.
Phản ánh của người dân còn cho hay, xe tải cơi nới thành thùng có trọng tải lớn, chở đất không được che đậy cẩn thận chạy từ công trình ra làm rơi vãi gây ô nhiễm, đe dọa đến nhiều công trình đường giao thông nông thôn. Đáng nói, những hoạt động trên diễn ra công khai, không gặp cản trở nào.
Nhưng các phương tiện đã mang đi sử dụng mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép
Đưa vấn đề trao đổi, ông Nguyễn Hồng Thanh – Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Ngọc, huyện Thạch Hà cho biết : “Đất thải từ nạo vét lòng kênh đang được tập kết đúng nơi quy định, địa phương có trách nhiệm quản lý, giám sát hoạt động diễn ra trên địa bàn. Cụ thể, phải chở về bãi thải, không có bất kỳ một xe đất nào được lọt ra ngoài”.
Mặc dù vậy, khi phóng viên cung cấp thông tin đất lấy trực tiếp từ công trình, không tập kết về bãi mà được đem đổ cho người dân trên địa bàn xã Thạch Ngọc với một xe đất 200 ngàn đồng. Ông Thanh giải thích, đất đó Công ty CP Dũng Đàn lấy từ phía bên kia kênh (thuộc xã Việt Tiến).
Tự ý đem bán cho người dân chưa qua đấu giá?
Liên quan đến việc xử lý khối lượng đất thải từ nạo vét kênh, ông Trần Việt Hà - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết, khối lượng đất thải rất lớn, trong đó có chứa một lượng lớn đất sét (trên 100 nghìn m3), giá trị khoảng 15 tỷ đồng. Việc đưa khối lượng lớn đất sét về các bãi đổ thải lớn khiến cho công tác quản lý an ninh trật tự, môi trường trên địa bàn đã, đang tiềm ẩn những khó khăn, hệ lụy.
Phương tiện chở quá khổ đe dọa đến công trình giao thông nông thôn
Được biết, trong số đất tập kết tại các bãi thải nói trên có hơn 110.000 m3 đất sét đủ điều kiện làm gạch, ngói. Thực trạng đó, UBND huyện Thạch Hà đã có văn bản kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan thẩm định, sớm có phương án xử lý.
Quá trình tìm hiểu sự việc, phóng viên còn thu nhận được nhiều phản ánh về việc đã có một khối lượng lớn đất sét từ nạo vét kênh đã được tiêu thụ tại một số nhà máy gạch trong thời gian qua. Sự việc khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng đang có dấu hiệu buông lỏng quản lý?.
Hoạt động đang diễn ra không những gây thất thoát tài nguyê, ô nhiễm môi trường mà còn gây bất ổn tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Do vậy, cần phải được quan tâm, xử lý kịp thời
Dự án nhằm cải tạo, nâng cao năng lực tiêu thoát lũ, giảm ngập lụt cho vùng Bắc Thạch Hà (Hà Tĩnh) có tổng nguồn vốn bố trí 155,4 tỷ đồng. Trong đó, gần 59,2 tỷ đồng là nguồn vốn ODA và hơn 85 tỷ là nguồn đối ứng trong nước. Dự án được triển khai nhằm nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn trên 4.100 ha đất canh tác, trên 10.000 hộ dân, hơn 36.000 nhân khẩu khu vực; xây dựng cơ sở hạ tầng cho 6 xã và 3 xã hưởng lợi trực tiếp tại khu vực Bắc Thạch Hà.