Tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, những cán bộ quản giáo, những gười thầy vẫn cần mẫn, miệt mài truyền đạt cho những phạm nhân bài học làm người tử tế. Những ngày đầu nhập trại, những phạm nhân “sừng sỏ”, “vang bóng một thời” hầu hết đều không chịu hợp tác, tiếp thu kiến thức của cán bộ quản giáo truyền đạt. Nhờ sự quan tâm của Ban giám thị, hội đồng cán bộ, quản giáo của trại giam, đến nay các phạm nhân đã có thể hàng ngày trau dồi kiến thức về cuộc sống, pháp luật cũng như những thành thạo một số nghề cơ bản với hy vọng sau khi chấp hành án xong án phạt tù sẽ áp dụng những kiến thức đã học để khi trở về đời sống có ích với gia đình và xã hội.
Cùng với các phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại Trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh, hàng ngày, phạm nhân Nguyễn Văn Hoạt luôn nhận được sự quan tâm, động viên chia sẻ của cán bộ quản giáo, ban giám thị trại giam. Với phạm nhân Hoạt, do những phút giây suy nghĩ bồng bột, lỡ lầm trong quá khứ mà đã phạm tội và phải trả giá với mức án 36 tháng tù giam. Ăn năn, hối cải với những lỗi lầm của mình, trong thời gian chấp hành án tại Trại Tạm giam Công an tỉnh, phạm nhân Hoạt đã nỗ lực cải tạo, phấn đấu tốt, mong muốn được làm lại cuộc đời.
Thắp sáng niềm tin cho những người lầm lỗi, khơi dậy trong họ cái thiện, dạy cho họ biết lao động và trân quý giá trị của lao động là chuyện không hề đơn giản. Đòi hỏi những cán bộ chiến sỹ quản giáo ở đây không chỉ có tinh thần trách nhiệm mà còn cả lòng nhân ái, bao dung. Bởi chỉ có tấm lòng mới lay động được tấm lòng, mới cảm hóa và đánh thức lòng lương thiện trong mỗi phạm nhân, những người đã từng một thời lầm lỗi.
Tâm sự với phóng viên, Thượng úy Nguyễn Phương Thảo, cán bộ quản giáo Trại Tạm giam chia sẻ: Làm nghề quản giáo vất vả, căng thẳng là vậy nhưng niềm vui của chúng tôi cũng thật giản đơn và thầm lặng. Đó là ánh mắt thân thiện của can, phạm nhân, hoặc can, phạm nhân do mình quản lý, giáo dục nhận ra lầm lỗi, ăn năn hối cải, hay khi được gọi là “thầy” thay cho từ “cán bộ” và khi một phạm nhân được ra khỏi trại tạm giam, tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, đó chính là những bông hoa mà phạm nhân tặng cho những người thầy quản giáo của mình”.
Trên hành trình về con đường lương thiện của những người đã từng một thời lầm lỗi, luôn có sự quan tâm giáo dục, động viên, hướng dẫn của các cán bộ quản giáo. Với sự cố gắng xây dựng môi trường học tập, giáo dục, lao động, dạy nghề, cải tạo đổi mới phát triển, nghiêm minh, nhân văn, tình thương, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo ban Giám thị, hội đồng cán bộ ở Trại giam Công an tỉnh. Nhờ đó, các phạm nhân ở trại luôn có gắng cải tạo, học tập, rèn luyện thật tốt để được sự khoan hồng của pháp luật được giảm án được trở về đời, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Thượng tá Đặng Văn Hướng, Phó Giám thị Trại Tạm giam cho biết: “Để cảm hóa các đối tượng phạm pháp, định hướng họ tìm lại con người thật, bản chất tốt đẹp, hướng thiện, mỗi cán bộ quản giáo phải luôn cố gắng, nỗ lực, đồng hành cùng phạm nhân. Khi có phạm nhân ra khỏi trại giam tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội, những người “thầy” như chúng tôi lại coi như mình đã được nhận một lẵng hoa đẹp”.
Công việc của người quản giáo không chỉ đơn thuần là quản lý, giam giữ phạm nhân mà nhiệm vụ quan trọng hơn đó là giáo dục, cảm hóa, làm thức tỉnh lương tâm, giúp phạm nhân tìm lại được những suy nghĩ tích cực để yên tâm cải tạo, biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động sớm được trở về với gia đình và xã hội. Dù không đứng trên bục giảng với bảng đen, phấn trắng nhưng Ban giám thị và những cán bộ quản giáo giống như những giáo viên, bởi công việc của họ hằng ngày gắn với những "học trò đặc biệt." Đó là “nghề” của người thầy không giáo án, người thầy mang quân hàm đỏ./.