Theo thống kê, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh có khoảng 58 hộ dân với 210 người ở vùng có nguy cơ sạt lở đất sẽ được sơ tán trước khi cơn bão số 9 đổ bộ vào đất liền.
Chiều 26-10, bà con ngư dân các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh, Hà Tĩnh tất bật chằng néo nhà cửa, đưa tàu thuyền vào các khu trú bão khi hay tin cơn bão số 9 đang di chuyển nhanh vào đất liền.
Ở các khu dân cư nằm sâu trong đất liền của huyện Cẩm Xuyên, Thạch Hà - nơi vừa trải qua mưa lũ lịch sử, bà con cũng lo lắng một đợt mưa lớn trút xuống. Nhiều gia đình vừa dọn dẹp nhà cửa, vừa di dời đồ đạc lên cao.
"Lũ vừa rút, nhà cửa còn bừa bộn vì mưa lũ làm bùn non tràn vào nhà. Hai ngày qua, gia đình tôi vừa dọn nhà vừa lo mưa sẽ tiếp diễn những ngày tới từ cơn bão số 9, có thể gây ngập lụt nữa", bà Trần Thị Trang - 53 tuổi, ngụ xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, lo lắng.
Ông Võ Tá Bình - trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lộc Hà cho hay, trước diễn biến của cơn bão số 9, huyện đã yêu cầu các địa phương thông tin kịp thời đến tận thôn xóm, người dân chủ động chằng néo nhà cửa, đưa lương thực, nước uống, thuốc men và các dụng cụ, nhu yếu phẩm đến các vị trí an toàn.
Đặc biệt, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân tại các vùng xung yếu, thấp trũng ven sông, ven biển, ven núi, trên các lồng bè nuôi trồng thủy hải sản đến nơi an toàn.
Đoạn kè biển ở xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà bị sạt lở nghiêm trọng có chiều dài khoảng 45m do tác động của sóng lớn từ các đợt mưa lũ đã được gia cố tạm thời bằng rọ đá và bao cát.
Huyện Kỳ Anh cũng lên phương án sơ tán 58 hộ/210 người ở khu vực sạt lở đất tại các xã Kỳ Thượng, Kỳ Trung, Kỳ Sơn, Kỳ Tân, Kỳ Lạc và xã Lâm Hợp.
"Những hộ dân này ở chân núi, có nguy cơ sạt lở đất. Để đảm bảo an toàn, những hộ dân này sẽ được di dời về các trụ sở UBND xã hoặc trường học", lãnh đạo huyện Kỳ Anh thông tin.
Trong công điện của UBND tỉnh Hà Tĩnh đặc biệt lưu ý, thời gian qua, mưa, lũ kéo dài trong nhiều ngày, đất đã bão hòa nước nên nguy cơ bị sạt lở là rất cao, yêu cầu các địa phương tiến hành kiểm tra ngay; đặc biệt phải rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.
"Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có tình huống xảy ra", công điện yêu cầu.
Đến chiều 26-10, có hơn 7.300 tàu thuyền của ngư dân Hà Tĩnh và Nghệ An đã vào bờ tránh cơn bão số 9./.