Theo đó, từ tháng 10/2021 đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các địa phương tập trung rà soát cụ thể danh sách các tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Từ đó, vận động và hướng dẫn ngư dân cung cấp thông tin về tàu cá, tiến hành đăng ký, đăng kiểm, trên cơ sở đó đã cấp 956 cấp giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân.
Như vậy, tính đến thời điểm này, toàn tỉnh đã có hơn 1.700/3.581 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) đối với Việt Nam.
Ông Bùi Đình Hải – Chuyên viên phòng Khai thác thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho biết: Thời gian tới, ngành chuyên môn sẽ tiếp tục cử các đoàn công tác trực tiếp xuống làm việc với các địa phương. Đồng thời, đề nghị lực lượng bộ đội Biên phòng cùng với Văn phòng Đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát tàu cá ra vào các cửa lạch, cảng cá, nhất là đối với những tàu thuyền chưa có giấy phép khai thác thủy sản.
Đặc biệt, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở bằng nhiều hình thức để ngư dân hiểu rõ những tàu cá không có hoặc hết hạn giấy phép khai thác thủy sản nhưng vẫn lén lút hoạt động là vi phạm Luật Thủy sản 2017 và các khuyến nghị của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).
Căn cứ Điều 23, Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản có hiệu lực từ ngày 05/7/2019, thực hiện phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng tàu cá có chiều dài từ 6m – dưới 15m khai thác thủy sản trong vùng biển Việt Nam không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn./.