Người mà chúng tôi đang nói tới là ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc HTX Chăn nuôi Hợp Lực (thị trấn Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Ông được giới chăn nuôi lợn ở địa phương mệnh danh là nuôi lợn giỏi nhất đất Cẩm Xuyên, được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 nông dân Việt Nam xuất sắc nhất cả nước năm 2016. Cùng với việc quản lý 1 hợp tác xã có 7 thành viên, bản thân ông Cảnh cũng đang sở hữu trang trại chăn nuôi lợn rộng 7ha ở thị trấn Cẩm Xuyên.
Điều lạ là quanh nhà ông, các hộ nuôi lợn khác đều trải qua nhiều đận thua lỗ liểng xiểng vì bão giá, rồi phải treo chuồng, bỏ nghề vì dịch tả lợn châu Phi, còn trại nhà ông vẫn bình an vô sự, có lợn bán đều đều.
Hiện ông Cảnh có tổng đàn lợn nái 400 con và nuôi khoảng 1.400-1.600 con lợn thịt mỗi lứa. Số đầu lợn giảm so với trước khi có dịch bệnh, song bình quân mỗi tháng ông Cảnh vẫn xuất bán cho các thương lái 400 - 500 con lợn thịt.
Có những đợt giá lợn hơi tăng cao chóng mặt, lên trên 90.000 đồng/kg, rồi 95.000 - 98.000 đồng/kg, ông Cảnh tiết lộ mỗi con lợn bán ra có thể thu lãi cả chỉ vàng.
Ông Phạm Văn Cảnh - Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Hợp Lực bên trong trang trại chăn nuôi lợn được đầu tư khép kín, hệ thống máng ăn, máng uống, quạt thông gió hiện đại. Ảnh: P.T
Bươn chải gần 10 năm ở trời Âu, gom tiền tỷ về quê nuôi lợn
Ngồi trò chuyện với chúng tôi, song thi thoảng điện thoại của ông Phạm Văn Cảnh lại đổ chuông. Khi thì là cuộc gọi từ các thương lái hỏi mua lợn thịt, khi là trao đổi công việc với thành viên HTX, chốc chốc lại có cuộc gọi hỏi mua lợn giống, tư vấn cách phòng trị dịch tả lợn châu Phi... Tôi tò mò hỏi: "Giá lợn hơi tăng cao đã hơn nửa năm nay, hẳn là ông gỡ được hết mấy sổ đỏ hồi bão giá năm 2017 rồi chứ?".
Ông cười vui vẻ: "Gỡ được ngon lành rồi chứ! Hồi bão giá năm 2017, trại của tôi và các thành viên HTX đều bay mất hàng tỷ đồng. Chưa kịp hoàn hồn thì lại bị dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi càn quét. Chúng tôi lâm vào cảnh khốn khổ, bi đát, bất lực không sao tả hết được. Chúng tôi sống sót qua 3 trận bão đó đã là một kì tích, và vẫn phải bám trụ vào nghề nuôi lợn để tìm cơ hội gỡ gạc".
Theo ông Cảnh, thật may mắn là từ tháng 11/2019 đến nay, giá lợn hơi bắt đầu tăng và sau đó liên tục giữ mức cao, có thời điểm tăng vượt 95.000 đồng/kg nên ai có lợn bán đều lãi đậm.
"Hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải mua con giống về nuôi tôi không dám bình luận, nhưng trại nào giữ được nái, tự chủ được lợn giống chắc chắn có lãi cao. Riêng gia đình tôi, với đàn lợn nái hơn 400 con, lợn thịt hơn 1.400 - 1.600 con/lứa, trung bình mỗi tháng xuất bán khoảng 500 con lợn thịt, thu lãi ít nhất 4 triệu đồng mỗi con. Nhờ vậy tôi đã chuộc lại được sổ đỏ cầm cố ở ngân hàng, có vốn để xây thêm chuồng, mua thêm lợn nái" - ông Cảnh tự hào nói.
Tuy nhiên, những ai quen ông Cảnh, đều biết rằng thắng lợi đó của ông không phải do may mắn, ngẫu nhiên mà có.
Ông Phạm Văn Cảnh giới thiệu về khu chuồng nuôi lợn thịt đang chuẩn bị đạt trọng lượng xuất bán.
Ông kể, năm 1996, vợ chồng ông quyết định để đứa con trai 3 tuổi ở nhà cho bố mẹ chăm sóc nuôi nấng để đi xuất khẩu lao động, với quyết tâm kiếm tiền đổi đời. Ông đi làm công nhân ở Nga, còn vợ ông đi giúp việc ở Đài Loan. Thời đó, ông làm thuê cho một công ty cơ khí, ngoài ra còn bán hàng thêm. Có những tháng thu nhập rất cao, tính ra bỏ túi được vài ngàn USD - con số mà những người nông dân lam lũ quê ông khi đó chỉ thấy trong mơ...
Thế nhưng đêm đêm, ông vẫn đau đáu khao khát trở về quê hương lập nghiệp, được sống hạnh phúc bên vợ con, gia đình. Ông vạch sẵn trong đầu với số tiền tích luỹ được mình sẽ mua được bao nhiêu đất, có đất rồi sẽ nuôi con gì, trồng cây gì...
"Làm nông nghiệp, đặc biệt là nuôi lợn không thể tránh được rủi ro, thất bại, nhưng kiên trì và đam mê, không ngừng học hỏi, áp dụng kỹ thuật công nghệ thì chắc chắn sẽ có ngày gặt hái thành quả. Lựa chọn của tôi và HTX là đương đầu với rủi ro và kiên trì đến cùng".
Sau 7 năm chật vật kiếm từng đồng ở trời Âu, còn vợ ông cũng gần 10 năm bươn chải tằn tiện trên đất Đài Loan, vợ chồng ông quyết định không tha hương nữa, về quê làm ăn. Với số tiền tích cóp được khoảng 1 tỷ đồng, ông đi mua 4ha đất, còn lại thuê máy xúc đào ao, bắt tay xây dựng trang trại.
Ban đầu, ông Cảnh thử nghiệm nuôi 3.500 con ếch, kết hợp nuôi vài trăm con ba ba. Nhưng ngay lứa đầu đã bị mưa lũ cuốn trôi sạch tất cả, ông mất trắng gần 200 triệu đồng.
"Số tiền đó bấy giờ rất lớn, vợ tôi khóc hết nước mắt vì đó là bao nhiêu công sức bươn chải của hai vợ chồng ở xứ người. Tôi không thể cho phép mình bỏ cuộc, bèn xoay sở nuôi vài nghìn con gà và vịt để tái đàn nhanh, rồi thả cá, nuôi 5 con lợn nái, 50 con lợn thịt, 10 con bò… Thử nghiệm nhiều mô hình, cuối cùng tôi nhận thấy có duyên với con lợn nhất" - ông Cảnh cho hay.
Ông Cảnh cho biết, để đảm bảo an toàn dịch bệnh, trang trại luôn được vệ sinh sạch sẽ, thức ăn mua của hãng sản xuất có uy tín. Ảnh: P.T
Suýt gục ngã vì "bão giá"
Như nhiều nông dân khác, ban đầu vợ chồng ông chăn nuôi quy mô nhỏ. Khi đã có chút của ăn của để, ông bắt đầu nghĩ tới việc xây dựng trang trại lớn. Năm 2012, cơ hội đến khi tỉnh Hà Tĩnh có chính sách ưu tiên phát triển chăn nuôi quy mô trang trại, vậy là ông vận động 6 thành viên khác cùng thành lập HTX để liên kết nuôi 1.200 con lợn/lứa cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P.
Với mô hình nuôi gia công, hầu như lứa nào HTX cũng có lãi vì được công ty đầu tư con giống, thức ăn, bao tiêu đầu ra, các thành viên góp đất, chuồng trại và bỏ công chăm sóc lợn.
"Liên kết nuôi lợn cùng doanh nghiệp, nhàn hơn và ít bị rủi ro nhưng lại phụ thuộc theo yêu cầu của họ. Trong khi chuồng trại mình có, đất đai mình có, kinh nghiệm đã tích luỹ được, tại sao cứ đi làm thuê mãi? Nghĩ thế, sau 2 năm nuôi gia công cho C.P, tôi đã quyết định làm ăn độc lập, đồng thời mạnh dạn để HTX tự chủ mọi quy trình chăn nuôi, tự chủ cả về đầu vào, đầu ra. Lời ăn lỗ chịu.
Lợn nhà ông tự làm giống, chăm chút từ khi lọt lòng, bú mẹ cho tới khi được 110-120kg mới xuất bán. Con nào cũng trơn lông đỏ da, khoẻ đẹp, tỷ lệ thịt nạc cao nên thương lái rất thích mua.
Với giá lợn hơi trung bình trên 85.000 đồng/kg như hiện nay, tính ra mỗi con lợn xuất bán ông có doanh thu khoảng 9 triệu đồng. Trừ mọi chi phí thức ăn, nhân công, vaccine, khử trùng, hao hụt..., ông thu lãi ít nhất 4 triệu đồng/con lợn.
Với quy mô 400-500 con lợn nái và hàng nghìn con lợn thịt mỗi lứa, doanh thu chúng tôi đạt được cao hơn nhiều so với nuôi gia công.
Cứ thế HTX ngày càng lớn mạnh, khẳng định được uy tín trên thị trường và có nhiều bạn hàng. Vào những đợt lợn hơi khan hiếm như vừa rồi, thương lái ở tận Bắc Ninh, Bắc Giang cũng gọi điện vào cho tôi nài nỉ bán cho họ 1 chuồng"- ông Cảnh tâm sự.
Tôi hỏi, năm 2017, người chăn nuôi lợn cả nước lâm cảnh "bão giá" vì cung vượt cầu, phải giải cứu thịt lợn, các doanh nghiệp lớn cũng thua lỗ hàng chục tỷ đồng, vậy ông làm thế nào để tồn tại?
Ông Cảnh trầm ngâm nhớ lại: "Giá lợn hơi bắt đầu xuống dốc từ tháng 10/2016, do trước đó nghề nuôi lợn liên tục có lãi, thị trường Trung Quốc thu mua mạnh nên người người nuôi lợn. Đùng một cái, thương lái Trung Quốc không mua nữa khiến ngành chăn nuôi lợn lâm vào khủng hoảng, HTX chúng tôi không tránh khỏi biến cố đó. Năm 2017, có thời điểm giá lợn hơi thấp tới mức thê thảm, chỉ còn 18.000 - 20.000 đồng/kg. Tình hình sản kinh doanh của HTX rất chật vật".
Thời điểm đó, chuồng nuôi của HTX vẫn có khoảng 400 nái, 2.400 con lợn thịt/lứa, chưa kể mỗi tháng xuất bán 600 con giống. Tuy nhiên khi cung vượt cầu, thịt lợn ế ẩm thì thương lái ngừng mua lợn thịt, người chăn nuôi ngừng mua lợn giống. Không thể tiêu thụ toàn bộ số lợn giống, HTX phải nuôi thịt, 1 năm trời lỗ gần chục tỷ đồng.
Gắng gượng, tìm đủ mọi cách tiêu thụ lợn thịt, giảm quy mô đàn nái, cuối cùng HTX và trang trại của ông Cảnh cũng trụ được qua "bão giá". Đến đầu năm 2018, giá lợn hơi bắt đầu nhích lên, ai cũng mừng. Thế nhưng "mùa xuân" chưa được bao lâu thì gặp dịch lở mồm long móng, tiếp đó là dịch tả lợn châu Phi, những người chăn nuôi lợn như ông Cảnh tưởng như "gục ngã" vì bị 2 cơn bão tấn công cùng lúc...
Ông Cảnh nhớ lại thời điểm suýt phá sản, lâm cảnh lao đao vì bão giá, bão dịch bệnh tấn công...
Để có tiền mua thức ăn, phòng bệnh cho đàn lợn, ông Cảnh đã phải cầm cố 3 cuốn sổ đỏ của gia đình để vay vốn ngân hàng.
"Khó khăn 5, 7 phần, mình phải nỗ lực 9, 10 lần mới xứng đáng với những vất vả đã đánh đổi. Giai đoạn giá lợn hơi xuống dốc không phanh, để đảm bảo an toàn, nhiều cơ sở, HTX chăn nuôi ở Hà Tĩnh đã nhượng lại hạ tầng cho doanh nghiệp nước ngoài rồi hưởng phần trăm lợi nhuận, nhưng tôi thuyết phục các thành viên không đi theo con đường đó. Lựa chọn của tôi và HTX vẫn là đương đầu rủi ro và kiên trì đến cùng" - ông Cảnh kể lại.
Hiện doanh thu của HTX chăn nuôi Hợp Lực ước tính đạt khoảng 9 tỷ đồng/tháng, trừ chi phí còn lãi khoảng 1,5 tỷ đồng.
Ngay từ tháng 2/2019, khi nghe tin dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở Thái Bình và Hưng Yên, ông Cảnh đã quán triệt tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tăng cường đầu tư cho công tác khử trùng, diệt khuẩn. Nếu trước đây 1 tuần ông mới phun thuốc khử trùng trang trại 1 lần, thì nay tăng lên 2-3 lần/tuần, thậm chí có đợt ngày nào cũng phun.
Quanh trang trại, ông phủ trắng vôi bột, vệ sinh hàng ngày để không cho ruồi muỗi, chuột bọ chui lọt. Vì thế mà trong khi lợn ở nhiều trại trên địa bàn chết la liệt thì lợn của gia đình ông và HTX vẫn không hề hấn gì.
Ông Cảnh chia sẻ: "Thời điểm bão dịch tả lợn châu Phi càn quét mạnh nhất là tháng 7/2019, tôi vẫn xuất bán gần 400 con lợn, tháng 8 xuất gần 500 con. Giá lợn hơi đợt tháng 7 chỉ đạt 35.000 đồng/kg nhưng sang tháng 8 đã tăng lên 41.000 đồng/kg. Lúc đó nhiều hộ nuôi lợn liêu xiêu, phá sản vì dịch bệnh nhưng rất may là trại của tôi hoạt động sản xuất bình thường".
Ông Phạm Văn Cảnh trò chuyện cùng PV Dân Việt. Ảnh: Thu Hà
Chiến thắng trong "bão dịch"
"Sau gần 20 năm chăn nuôi, tôi nhận thấy cái đáng sợ nhất không phải là giá lợn giảm, mà chính là dịch bệnh. Nếu chẳng may bị dịch bệnh hỏi thăm thì có thể mất trắng, lâm cảnh nợ nần chỉ sau 1 đêm. Chưa bao giờ chúng tôi gặp thứ bệnh dịch khó đỡ như dịch tả lợn châu Phi, bởi tốc độ lây lan nhanh, gây chết hàng loạt và nguy hiểm hơn cả dịch tai xanh, dịch lở mồm long móng. Điều nguy hại nữa là cho đến giờ, dịch bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị, chưa có vaccine phòng ngừa mà chỉ có thể phòng chống" – ông Cảnh chia sẻ.
Theo đó, mọi khâu sản xuất trong trang trại, ông Cảnh đều quán triệt nguyên tắc tuân thủ lịch tiêm vaccine, thực hiện cách ly, khử trùng, "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Thức ăn chăn nuôi được ông mua của các hãng lớn có uy tín, cập nhật ngày sản xuất mới nhất. Thức ăn khi đưa vào trại được vận chuyển bằng xe riêng, kiểm tra phun khử trùng toàn bộ.
Ông Phạm Văn Cảnh giới thiệu về bức ảnh lưu niệm chụp năm 2016, khi ông vinh dự được Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là 1 trong 63 nông dân xuất sắc nhất cả nước năm 2016. Ảnh: P.T
Khu chăn nuôi được chia thành các ô chuồng riêng, gồm khu vực nuôi lợn thịt, khu nuôi lợn nái, khu nuôi lợn sữa. Công nhân chăm sóc lợn nái thì chỉ chuyên sâu lợn nái, không đi qua chuồng lợn thịt; lợn sữa...
Bên cạnh nuôi lợn, ông Phạm Văn Cảnh cho biết đang chuẩn bị thả nuôi thêm lươn, cá chạch, đặc biệt là đã thử nghiệm nuôi thành công con rạm.
"Ở Cẩm Xuyên hiện chưa có ai nuôi được con rạm. Rạm cùng loài với cua nhưng nhỏ hơn cua đồng, vỏ mỏng hơn, có giá trị dinh dưỡng cao, được người sành ăn ưa chuộng hơn cua đồng vì nhiều gạch, thịt ngọt và béo, vỏ lại mềm.
Trên thị trường, cá chạch, lươn hay con rạm đều có giá bán rất cao, có lúc vài trăm ngàn đồng/kg vì chưa có nhiều người nuôi được. Có bao nhiêu thương lái cũng mua hết, trong khi trang trại của tôi có diện tích ao hồ lớn, rất thuận lợi để phát triển và khai thác giá trị kinh tế từ những đối tượng này" - ông Cảnh khẳng định.
"Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, tôi đã thuê riêng 1 mảnh đất bên ngoài trại để đưa lợn thịt ra đó. Xe thu mua của thương lái sẽ xem hàng, cân lợn bên ngoài chứ không được phép vào chuồng nuôi. Bên cạnh đó tôi cũng không bán lợn cho khách hàng nhỏ lẻ, chỉ bán cho khách mua từ 50 con trở lên" - ông Cảnh cho biết.
"Chúng tôi hạn chế tối đa người lạ ra vào trang trại. Hồi dịch tả lợn châu Phi đang căng thẳng, rất nhiều trại bị thiệt hại, riêng trại của tôi không chết con nào, thấy vậy lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã giới thiệu cho đoàn khách của Trung ương đến thăm, chia sẻ kinh nghiệm. Hôm đó đoàn khách đến mấy xe ô tô, khiến tôi rất khó xử. Cuối cùng vì sự an toàn của trang trại, tôi quyết định từ chối đưa khách vào chuồng lợn thăm quan mà chỉ ngắm lợn qua… camera.
Rất vui là về sau, câu chuyện phòng chống dịch bệnh với tinh thần "chống dịch như chống giặc" đó của tôi lại trở thành bài học hay được lãnh đạo tỉnh chia sẻ cho nhiều trang trại khác" – ông Cảnh vui vẻ cho biết.
Ông Cảnh cho biết làm nông nghiệp, đặc biệt là nuôi lợn không thể tránh được rủi ro, thất bại, nhưng kiên trì và đam mê thì chắc chắn sẽ có ngày gặt hái thành quả. Ảnh: Minh Huệ
Hiện, đội ngũ công nhân, cán bộ kỹ thuật trong trại của ông Cảnh có 16 người. Công nhân được sinh hoạt trong khu vực riêng, được "bao" từ ăn ngủ cho tới dầu gội đầu, sữa tắm, tăng lương theo định kỳ.
"Tôi thuê hẳn 1 người chuyên nấu ăn cho công nhân trong trại, thực đơn thay đổi thường xuyên. Hiện chỉ có thịt bò, hải sản phải mua bên ngoài, còn trong trang trại đã tự túc được thịt lợn, gà vịt, cá các loại cũng sẵn dưới ao... Công nhân muốn ăn trái cây, chỉ cần ra vườn hái, gần như không thiếu thứ gì. Khi công nhân về quê, tôi cũng yêu cầu phải cách li đủ thời gian, tắm khử trùng nhiều lần mới được vào trại làm việc" - ông Cảnh cho hay.
Những lúc rảnh rỗi, ông Cảnh lại dành thời gian chăm sóc hoa, cây cảnh, làm đẹp khuôn viên trang trại. Ảnh: P.T
Về kế hoạch sắp tới, ông Cảnh tiết lộ đang đầu tư thuê thêm 4ha đất để biến trang trại của mình thành "pháo đài", với vành đai là hệ thống cây xanh, ao hồ để cách ly với khu dân cư.
"Tôi đã đặt hàng mua 400 con lợn bố mẹ và hậu bị của Tập đoàn De Heus để mở rộng trang trại của mình, đồng thời HTX chăn nuôi Hợp Lực cũng đang triển khai xây dựng nhà hàng kết hợp siêu thị mini bán thực phẩm sạch, trong đó thịt lợn là chủ đạo. Ngoài ra, HTX sẽ sản xuất thêm các sản phẩm thịt chế biến như giò chả, rau sạch… để tối đa lợi nhuận, giúp tăng thu nhập cho các thành viên HTX" - ông Cảnh thông tin.
"Nuôi lợn không thể tránh được rủi ro, thất bại, nhưng kiên trì và đam mê thì chắc chắn sẽ có ngày gặt hái thành quả. Trong sản xuất kinh doanh, ai cũng hướng tới lợi nhuận đầu tiên, nhưng việc bảo vệ môi trường, không xả thải bừa bãi cũng là trách nhiệm với gia đình, cộng đồng.
Do đó HTX Hợp Lực đã chi hàng tỉ đồng cho hệ thống hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải khép kín, thuê thêm đất không cho nước thải ra ngoài khuôn viên" - ông Phạm Văn Cảnh khẳng định.