Mặc dù không có chủ trương của chính quyền địa phương cũng như cấp quản lý nhưng Ban quản lý chợ Kỳ Tây (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) vẫn tự ý cơi nới thêm nhiều ki ốt để cho thuê trái quy định.
 
Nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Kỳ Tây (xã Kỳ Tây, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) phản ánh về việc BQL chợ Kỳ Tây tự ý cơi nới, xây dựng thêm nhiều ki ốt để cho thuê ảnh hưởng đến quy hoạch, không gian của chợ. Bên cạnh đó sẽ gây ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống cháy nổ (PCCN) khi gặp sự cố.
 
Ghi nhận tại khu vực chợ trời của chợ Kỳ Tây có dãy 05 ki ốt liền kề, được ngăn cách nhau bằng tường gạch, xung quanh được ốp tôn kín. Các ki ốt nằm theo hướng vòng cung, lối đi khá nhỏ.
 
Một tiểu thương buôn bán tại chợ cho biết, dãy ki ốt này được xây dựng sau khi có chợ mới. Ban đầu đây là khu vực chợ trời, thoáng đãng nhưng không hiểu sao BQL chợ lại xây thêm. Mỗi ki ốt này được cho thuê với giá từ 50 triệu đồng/ki ốt/thời hạn 49 năm.
 
“BQL chợ xây thêm ki ốt không biết có chủ trương nào cho phép không nhưng trên thực tế gây ảnh hưởng đến quy hoạch, người dân có thêm ki ốt nhưng cũng đối mặt với sự mất an toàn khi xảy ra sự cố như chập điện hay hỏa hoạn…”, một tiểu thương khác nói.
 
Để làm rõ hơn việc BQL chợ Kỳ Tây xây dựng thêm dãy ki ốt này, phóng viên đã đăng ký làm việc với ông Nguyễn Hồng Thắng – Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây. Ông Thắng cho biết: Chợ Kỳ Tây có diện tích gần 1.500m2, xây dựng từ năm 2016 với hơn 20 ki ốt. Giá ki ốt cho thuê dao động từ 50 triệu đến 200 triệu đồng, thời hạn sử dụng 49 năm. Về dãy ki ốt được BQL chợ cơi nới thì không có trong quy hoạch, không có thiết kế. 
 
 
Những ki ốt này được cho thuê lại với giá từ 50 triệu đồng/ki ốt/thời hạn 49 năm
 
“Trong quy hoạch, thiết kế chợ không có dãy ki ốt đó, nhưng thời điểm đó phía BQL chợ có trao đổi với đồng chí Kỳ chủ tịch xã cũ và được đồng ý cho xây dựng dãy ốt này để người dân vào buôn bán theo nhu cầu. Nội dung trao đổi cụ thể thế nào tôi cũng không rõ lắm”, ông Nguyễn Hồng Thắng nói và cho biết thêm chợ hoạt động theo hình thức xã hội hóa, do HTX Toản Loan đóng trên địa bàn quản lý.
 
Với lý do mới lên giữ chức chủ tịch xã nên ông Thắng không nắm rõ được cụ thể về thiết kế chợ cũng như cụ thể chợ có bao nhiêu ki ốt. Hồ sơ về chợ, xã cũng không có họ thuê đất của tỉnh rồi làm.
 
Mặc dù lên nắm quyền hơn 1 năm nay, nhưng khi phóng viên yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan đến chợ thì ông Thắng khẳng định ở xã không hề có bất cứ hồ sơ nào liên quan đến chợ. “Hồ sơ do bên BQL chợ họ nắm giữ, chứ ở xã không hề có hồ sơ nào ở đây, các chú liên hệ với BQL chợ mà tiếp cận”, ông Thắng cho biết. Vừa nói chuyện ông Thắng cũng dùng điện thoại để liên hệ với đại diện BQL chợ Kỳ Tây nhưng có vẻ bên phía chợ cũng không hề hợp tác?
 
Phóng viên liên hệ với lãnh đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì được biết, phòng không quản lý hồ sơ mà do cấp xã quản lý, vì đây là chợ cấp ba, Phòng chỉ thẩm định hồ sơ trước khi xây dựng chứ sau khi đi vào hoạt động thì do xã và BQL chợ nắm giữ.
 

 
Cảnh nhếch nhác tại chợ Kỳ Tây
 
Trong quá trình tác nghiệp tại chợ Kỳ Tây, hình ảnh nhếch nhác, rác thải vung vựa khắp nơi là điều dễ dàng bắt gặp khi bước vào phía trong của chợ. Về vấn đề này ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết thêm, hàng tuần bên phía chợ có hợp đồng thu gom rác thải với một đơn vị dưới thị xã, một tuần rác được vận chuyển đến nơi xử lý một lần, còn nước thải thì theo hệ thống mương đổ ra ngoài ruộng./.