Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) vừa tiếp nhận 4 người trong một gia đình ở xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) trong tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ, nôn mửa. Theo chẩn đoán ban đầu bị ngộ độc khí CO.
Người nhà các bệnh nhân cho biết, do vợ vừa sinh con nên tối 15/12 người chồng đốt than hoa bỏ vào nồi đất rồi đặt trong phòng ngủ rộng khoảng 15m2 để sưởi ấm.
Sáng hôm sau, khi tỉnh giấc, hai vợ chồng cùng con gái 6 tuổi phát hiện đau đầu, ý thức lơ mơ, bé sơ sinh liên tục khóc. Họ liên lạc cho người thân đến hỗ trợ đưa cả gia đình tới bệnh viện. Sau khi được các bác sĩ cấp cứu cả 4 bệnh nhân đều tỉnh táo.
Lãnh đạo Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà cho biết rất may các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO ở giai đoạn nhẹ, kịp nhận biết được tình trạng cơ thể để tới bệnh viện chữa trị kịp thời. Nhiều trường hợp nếu hít phải khí CO trong thời gian dài sẽ bất tỉnh, ảnh hưởng tính mạng.
Tại Hà Tĩnh, hai hôm nay trời trở rét, nền nhiệt dao động ở mức 13-17 độ C.
Đốt than, củi hoặc dùng bếp gas sẽ sản sinh ra lượng lớn khí carbon monoxide (CO), một loại khí độc được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng". Khí CO không màu, không mùi, không vị, do đó con người không thể tự nhận ra cho đến khi có triệu chứng sớm của ngộ độc CO như đau đầu, buồn nôn, khó thở, đau ngực, lú lẫn.
Bác sĩ khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc khí CO, người dân tuyệt đối không đốt than, củi và dùng gas đun nấu, sưởi ấm trong phòng kín. Thay vì sử dụng than, củi, gas để sưởi ấm trong phòng, người dân có thể sử dụng nhiều biện pháp giữ ấm khác như dùng đèn sưởi, quạt sưởi bằng điện; mặc đủ ấm, sử dụng chăn đệm, che chắn để tránh gió lùa...
Khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, cần nhanh chóng mở các cửa, khẩn trương đưa nạn nhân ra khỏi khu vực nhiễm độc và đưa nạn nhân đến cấp cứu ở cơ sở y tế gần nhất để được xử trí và điều trị kịp thời, vì khi ngộ độc mức độ CO trên 60% thì tỷ lệ hôn mê và tử vong cao.
Bạn đang đọc bài viết