Phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Duy Ngụ (xã Tân Lộc, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) cho biết năm 1997, ông được UBND xã Tân Lộc cấp một lâm bạ diện tích gần 20ha tại vùng Trẹm Đó - Trại Cô thuộc khu vực Khe Hao, xã Tân Lộc.
Đến năm 1999, diện tích đất rừng này được chia thành 4 thửa, cấp 4 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Ngụ và 3 người anh em của ông với tổng diện tích gần 20ha.
Sau khi được giao đất, ông cùng 3 hộ dân làm trang trại, canh tác trên diện tích khoảng 5ha, một số diện tích trồng keo, tràm.
Từ năm 2004 - 2007, 3 người anh em của ông Ngụ không có điều kiện chăn nuôi, sản xuất nên giao toàn bộ cho ông Ngụ chăm sóc, sản xuất. 3 năm sau ông Ngụ cũng dừng làm trang trại, hằng năm chỉ đến thăm trại và kiểm tra cây rừng đã trồng.
Tháng 9-2018, ông Ngụ cùng 3 hộ dân lên làm đường để chuẩn bị khai thác cây thì được một số người thông báo diện tích đất của ông đã được cấp cho đơn vị khác.
"Chúng tôi hết sức bất ngờ bởi GCNQSDĐ chúng tôi còn giữ trong tay, tại sao chính quyền giao cho đơn vị khác mà chúng tôi không được thông báo, cũng không được đền bù tài sản trên đất" - ông Ngụ nói.
Tìm hiểu thêm sự việc, ông Ngụ mới biết diện tích 15ha đất rừng của ông đã được chính quyền cấp chồng lấn cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh. Thời điểm cấp GCNQSDĐ cho đơn vị này là vào năm 2002, nghĩa là việc cấp GCNQSDĐ cho đơn vị này sau thời điểm cấp giấy cho 4 hộ dân gần 4 năm.
Không tìm thấy hồ sơ cấp đất?
Suốt 4 năm qua, ông Ngụ đại diện cho các hộ dân gửi đơn kiến nghị đến chính quyền các cấp ở tỉnh Hà Tĩnh đề nghị trả lại đất như trong GCNQSDĐ song đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Tại một số cuộc làm việc, phía đại diện Ban quản lý rừng phòng hộ Hồng Lĩnh cho rằng nếu cơ quan chức năng xác định được việc cấp GCNQSDĐ cho 4 hộ dân là đúng quy định và xác định được vị trí rừng trên thực tế thì đơn vị thống nhất trả lại đất cho 4 hộ dân, còn với tài sản trên đất các hộ dân thực hiện đền bù theo quy định.
Ông Trần Quốc Tuấn - phó Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Lộc Hà - cho hay để xử lý việc này phải chờ hướng dẫn của cấp tỉnh. Trước đây UBND huyện Can Lộc là đơn vị cấp GCNQSDĐ cho 4 hộ dân nhưng hiện hồ sơ cấp đất không tìm thấy, tại huyện Lộc Hà cũng không có hồ sơ lưu trữ việc cấp đất khi xã Tân Lộc chuyển về huyện này.
"Vụ việc liên quan đến tài sản trên đất vì trước đây có dự án dùng vốn nhà nước trồng rừng trên khu vực này, vì vậy dù các bên có thỏa thuận trả lại đất cho nhau thì việc kiểm kê, định giá tài sản để đền bù cũng hết sức phức tạp" - ông Tuấn nói.
Ngày 22-2, trong văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo kết quả tham mưu xử lý đơn thư của 4 hộ dân, Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng bản chất vụ việc là tranh chấp giữa quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất giữa người sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp GCNQSDĐ, theo luật định thì thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp này thuộc về quyền của tòa án.
Do đó, sở đề nghị UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo UBND huyện Lộc Hà hướng dẫn các hộ dân nộp đơn đến cơ quan tòa án để được xem xét, giải quyết./.