Việt Nam là một trong những nước có thị trường viễn thông, CNTT phát triển nhanh trên thế giới. Sau khi thị trường viễn thông toàn cầu bắt đầu mở cửa và chuyển sang giai đoạn mới từ độc quyền sang cạnh tranh thì viễn thông đã có bước phát triển vượt bậc về công nghệ, mạng lưới, dịch vụ.
Từ đơn mạng, đơn dịch vụ chuyển sang mạng băng rộng có khả năng truyền đồng thời một lúc thoại, dữ liệu, hình ảnh di động, cố định, hướng viễn thông phát triển theo xu thế hội tụ về công nghệ, mạng lưới và cung cấp đa dịch vụ cho người sử dụng.
Ông Đặng Văn Đức – Trưởng phòng Bưu chính - Viễn thông (Sở TT&TT Hà Tĩnh) cho biết, cùng với sự phát triển lớn mạnh của viễn thông, CNTT cả nước, những năm qua, các đơn vị viễn thông: Viễn thông Hà Tĩnh, Viettel Hà Tĩnh, Mobiphone trên địa bàn Hà Tĩnh đã tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông khá đồng bộ. Cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông của các cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã đáp ứng cơ bản về mạng lưới truyền dẫn, Internet, hệ thống mạng nội bộ (LAN).
Trên địa bàn tỉnh hiện có 11 tuyến cáp quang liên tỉnh, hàng ngàn tuyến cáp quang nội tỉnh với tổng chiều dài hơn 21.000 km kéo đến tận trung tâm xã và hầu hết các thôn (còn 26 thôn tại 7 huyện chưa có cáp quang).
Mật độ thuê bao di động đạt xấp xỉ 94 thuê bao/100 dân (khoảng 1.212.847 thuê bao), trong đó có khoảng 754.157 thuê bao di động sử dụng smartphone có sử dụng data (đạt 58,4% người sử dụng). Thuê bao điện thoại cố định có 6.460 và 142.928 thuê bao Internet băng rộng cố định.
“Hà Tĩnh hiện có trên 3.100 trạm thu phát sóng di động (BTS) 2G, 3G, 4G. Trong đó, vùng phủ sóng 2G/3G đạt gần 99%; vùng phủ sóng 4G đạt 95% địa bàn dân cư. Tuy nhiên, số lượng trạm BTS này trong tương lai gần sẽ không đáp ứng nhu cầu phủ sóng. Khi xã hội phát triển số lượng người dùng tăng cao, số lượng thiết bị kết nối nhiều thì buộc số lượng trạm BTS phải tăng theo để đảm bảo chất lượng mạng lưới phục vụ cho người dân, doanh nghiệp, xã hội. Vì vậy, việc phát triển mạng lưới các trạm phát sóng thông tin di động BTS nhằm mở rộng diện phủ sóng cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ là hết sức cần thiết” – ông Đức cho hay.
Trước nhu cầu sử dụng công nghệ thông tin ngày càng cao, các đơn vị viễn thông trên địa bàn như VNPT Hà Tĩnh, Viettel Hà Tĩnh đã, đang xây dựng kế hoạch đầu tư, phát triển hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu.
“Thời gian tới, 3 nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobiphone sẽ phối hợp cùng nhau xây dựng các trạm phát sóng BTS dùng chung. Cùng với đó, các nhà mạng sẽ đầu tư, nâng cấp hạ tầng băng rộng cố định và băng rộng di động để đáp ứng nhu cầu sử dụng” – ông Trần Danh Việt – Giám đốc Viễn thông Hà Tĩnh cho hay.
Hà Tĩnh đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phủ sóng mạng di động 4G và mạng Internet cáp quang đến 100% địa bàn dân cư toàn tỉnh; triển khai mạng di động 5G đạt tối thiểu 50% địa bàn dân cư toàn tỉnh. Đặc biệt, công nghệ 5G kết nối vạn vật sẽ làm tăng tốc độ đường truyền, triển khai nhiều giải pháp tự động hóa, chuyển đổi số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, du lịch, tài nguyên và môi trường, quy hoạch đô thị, giao thông vận tải và logistics…
Việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông đồng bộ, hiện đại, kết nối với quốc gia là một trong những nội dung quan trọng nhằm bảo đảm điều kiện xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế số và xã hội số. Đây là một trong những nội dung, giải pháp trọng tâm trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn nông thôn mới, giai đoạn 2021 - 2025”./.