Sán ký sinh trong người vì... thịt "còn tái, còn hồng" mới ngon
Thấy có vật như đoạn dây trắng ở đồ lót và vẫn còn ngọ nguậy, Liên (tên nhân vật đã được thay đổi), 25 tuổi, sống tại Hà Nội hốt hoảng. Sau khi tìm kiếm thông tin trên mạng, cô phát hiện ra rằng vật đó có thể là sán.
Sau đó, Liên còn để ý thấy rằng một số lần đi đại tiện lại thấy vật thể lạ này ngọ nguậy ở trong phân nên vội đến viện thăm khám.
Tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ (trực thuộc Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương), Liên được làm xét nghiệm phân và phát hiện cả đốt sán và trứng sán dây.
Chia sẻ với bác sĩ, cô gái trẻ cho biết mình không có thói quen ăn gỏi hay đồ sống. Tuy nhiên, đi sâu vào khai thác, Liên mới tiết lộ rằng, phở bò tái chính là một trong những món ăn khoái khẩu của mình.
Bác sĩ chẩn đoán Liên bị nhiễm sán dây bò và chỉ định cho bệnh nhân dùng thuốc điều trị sán dây trưởng thành. Các bác sĩ đã thu lại con sán dây dài 6m sau khi cho cô uống thuốc xổ.
Tương tự như Liên, anh Quân (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi cũng đến Bệnh viện Đặng Văn Ngữ thăm khám vì xuất hiện các triệu chứng đau bụng âm ỉ vùng quanh rốn kèm theo cảm giác khó chịu ở vùng hậu môn.
Qua thăm khám và làm các xét nghiệm, anh Quân được bác sĩ chẩn đoán nhiễm sán dây trưởng thành.
"Tôi có thói quen hay ăn thịt tái vì có cảm giác thịt ngọt, ngon và bổ dưỡng hơn. Không riêng thịt bò mà thịt lợn khi luộc, tôi cũng để cho thịt vẫn còn giữ lại màu hồng bên trong", anh Quân chia sẻ.
Điều kiện sống cao hơn nhưng người nhiễm sán dây bò lại gia tăng
Theo PGS.TS Đỗ Trung Dũng, Trưởng khoa Ký sinh Trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, có 2 loại sán dây thường gặp đó là sán dây lợn và sán dây bò.
Bệnh sán dây trưởng thành phân bố rải rác nhiều nơi trên toàn quốc, tỷ lệ nhiễm dao động từ 0,5-12%. Trong đó, tỷ lệ nhiễm sán dây bò là chủ yếu chiếm 70-80%, sán dây lợn chiếm tỷ lệ thấp 10-20%.
Theo chuyên gia này, thời gian gần đây Bệnh viện Đặng Văn Ngữ tiếp nhận nhiều bệnh nhân tới khám các bệnh liên quan tới ký sinh trùng, dù hiện nay, điều kiện sống, vấn đề vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường đã được cải thiện hơn trước đây khá nhiều.
"Sán dây có thể sống nhiều năm trong cơ thể người và có thể tồn tại lên tới 25 năm. Chiều dài của sán dây bò trưởng thành lên tới 4-12m. Mỗi đốt già khi rụng ra ngoài có khoảng 50.000 trứng sán bên trong", PGS Dũng thông tin.
Phân tích về nguyên nhân nhiều người bị nhiễm sán, PGS Dũng chỉ rõ, thói quen ăn đồ sống, tái là một trong những thủ phạm chính.
"Những người nhiễm sán dây bò là do thói quen ăn thịt bò có nhiễm nang sán chưa được nấu chín. Ăn lẩu bò hoặc phở bò, nước lẩu không đủ sôi, thịt chưa chín kỹ cũng sẽ là nguyên nhân dẫn tới sán vào cơ thể.
Các món bò tái cuốn lá cải, bò tái chanh… đều không tiêu diệt được sán bởi nước chanh sẽ không giúp diệt ấu trùng sán bên trong thịt", PSG Dũng phân tích.
Sán dây bò nguy hiểm với sức khỏe
Theo PGS Dũng, khi vào cơ thể sán dây bám vào niêm mạc ruột, thường ở phần trên hỗng tràng. Tại đây sán hút các chất bổ dưỡng từ ruột và phát triển, chúng tồn tại lâu dài vì thân sán có khả năng đề kháng với các men tiêu protein có trong ruột non.
Sán dây bò chiếm thức ăn làm suy yếu cơ thể, đồng thời gây tổn thương tại ruột, viêm ruột…
Người bệnh nhiễm sán sẽ có triệu chứng như rối loạn tiêu hóa, đau bụng âm ỉ, kéo dài, đường ruột thường xuyên có cảm giác khó chịu, bứt rứt.
"Để phòng bệnh người dân không ăn thịt bò, thịt trâu sống hoặc tái, không ăn thịt đã nhiễm sán và nên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần", PGS Dũng nhấn mạnh.