Đơn vị thi công “bỏ qua” việc bố trí đèn báo hiệu, thiết bị phản quang, một số hố ga ở khu vực thi công sâu cả mét nhưng che chắn rất hời hợt.

Việc thi công chậm tiến độ và tập kết vật liệu ngổn ngang gây mất ATGT tại dự án đầu tư nâng cấp đường Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân (Hà Nội) khiến người dân không khỏi bức xúc.

Điều đáng nói, tình trạng này đã diễn ra trong thời gian dài.

Hà Nội: Dân bức xúc vì nửa km đường Vũ Trọng Phụng làm mãi chưa xong
Nhà thầu thi công mở rộng đường Vũ Trọng Phụng gây mất ATGT kéo dài nhưng chưa được xử lý triệt để

Phớt lờ quy định, bỏ mặc sự an toàn của người đi đường

Những ngày đầu tháng 8/2021, có mặt tại đường Vũ Trọng Phụng, PV Báo Giao thông chứng kiến dòng xe chật vật lưu thông trên đoạn đường ngổn ngang vật liệu, máy móc.

Những chiếc xe ô tô vừa đi vừa “nhún nhảy” mỗi lần qua các ổ voi. Người di chuyển bằng xe máy thì loạng choạng đánh lái để tránh đất đá vương vãi và các “sống trâu” để không bị trượt ngã.

Dọc hai bên đường, đội ngũ công nhân đang khẩn trương thi công đầm nền đường, lát đá vỉa hè và hạ ngầm cáp điện để đưa dự án đầu tư nâng cấp mở rộng tuyến đường Vũ Trọng Phụng cán đích sau nhiều lần “lụt” tiến độ.

Tìm hiểu của PV, dự án này được thi công trên chiều dài 434m, mặt cắt ngang rộng 20m với tổng mức đầu tư hơn 360 tỷ đồng. Dự án được khởi công tháng 4/2019 và dự kiến hoàn thành giữa năm 2020.

Thế nhưng, đến nay trên tuyến đường vẫn là một đại công trường lộn xộn, ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa ngập ngụa, nhếch nhác.

Dù dự án vừa thi công, vừa phục vụ các phương tiện lưu thông, song nhà thầu - Công ty CP Xây dựng nhà và phát triển hạ tầng Hà Nội lại phớt lờ các quy định đảm bảo ATGT đã được Bộ GTVT quy định tại Thông tư 50/2015.

Theo Thông tư 50, trong quá trình thi công, tổ chức, cá nhân phải bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn.

Thời gian thi công phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm.

Tổ chức, cá nhân khi thi công phải có biển hiệu ở hai đầu đoạn đường thi công ghi rõ tên của cơ quan quản lý dự án hoặc chủ quản; tên đơn vị thi công, lý trình thi công, địa chỉ văn phòng công trường, số điện thoại liên hệ và tên của người chỉ huy trưởng công trường.

Quy định là vậy nhưng quan sát của PV, vật liệu tập kết bên đường từ số nhà 21 đến số 69 Vũ Trọng Phụng vẫn tràn lan, vương vãi ra khắp mặt đường.

Đơn cử, lúc 8h40 ngày 4/8, chiếc xe tải BKS 29C-608.02 dù tiến hành đổ vật liệu trước số nhà 51 Vũ Trọng Phụng, song nhà thầu không hề bố trí người cảnh giới hướng dẫn phương tiện lưu thông.

Các phương tiện đi qua phải tự tránh nguy cơ va chạm. Các đống vật liệu tràn lan ra mặt đường, không một công nhân nào xuất hiện để vệ sinh mặt đường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.

Buổi tối, đơn vị thi công cũng “bỏ qua” việc bố trí đèn báo hiệu, thiết bị phản quang. Một số hố ga trong khu vực thi công phía dãy nhà số lẻ của tuyến đường dù miệng hố ga rộng từ 2 - 3m với chiều sâu khoảng 1m nhưng được che chắn rất hời hợt.

Đơn cử, hố ga trước số nhà 61 chỉ được đậy tạm bằng những tấm tôn rào chắn trước đó. Mép tôn sắc nhọn ngay sát mép đường không một tín hiệu cảnh báo khiến nguy cơ người đi đường thương tích, “sập hầm” luôn thường trực.

“Việc thi công, tập kết cẩu thả không chỉ làm tăng nguy cơ mất an toàn mà còn khiến người dân nơm nớp lo sợ sau mỗi trận mưa, đường ngập, nguy cơ sụt hố ga có thể đến bất cứ lúc nào”, chị Vân, một người dân sống gần tuyến đường nói.

Đầu tháng 11/2021 hoàn thành, đưa tuyến đường vào khai thác?

Hà Nội: Dân bức xúc vì nửa km đường Vũ Trọng Phụng làm mãi chưa xong
Người dân đi lại khó khăn qua đoạn đường Nguyễn Trọng Phụng đang thi công

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đinh Văn Hải, Giám đốc Ban QLDA quận Thanh Xuân thừa nhận, việc người dân phản ánh dự án thi công mất ATGT là đúng.

Thực tế, do thiếu bãi tập kết nên có nhiều thời điểm vật liệu phục vụ thi công chưa được gọn gàng. Ban QLDA đã chấn chỉnh nhà thầu nhiều lần cả về việc rào chắn và tập kết vật liệu, tạo sự thông thoáng cho người tham gia giao thông.

“Những ngày gần đây, để đảm bảo an toàn cho các phương tiện lưu thông, hàng ngày chủ đầu tư đều cắm chốt giám sát dự án nhắc nhở, chấn chỉnh nhà thầu”, ông Hải nói.

Cũng theo ông Hải, nguyên nhân chính khiến dự án chậm tiến độ là do trong phạm vi thực hiện dự án còn 3 chủ sử dụng đất (số nhà 71, 73, 75) với diện tích 96m2 chưa thu hồi được.

Diện tích đất này nằm trong chỉ giới mở đường Vũ Trọng Phụng nhưng lại không thuộc thẩm quyền UBND quận Thanh Xuân thu hồi mà thuộc thẩm quyền của Công ty CP Tu bổ di tích Trung ương - Vinaremon (chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng và nhà số 69 Vũ Trọng Phụng).

Theo báo cáo tại các buổi làm việc của Trung tâm Phát triển quỹ đất quận Thanh Xuân, Vinaremon cho biết, công tác GPMB vẫn chưa hoàn thành do người dân và chủ dự án chưa tìm được tiếng nói chung về mức giá đền bù.

“Tháng 6/2021, Ban QLDA Đầu tư xây dựng quận Thanh Xuân đã tiến hành đào hào kỹ thuật đấu nối hệ thống ngầm vòng qua 3 hộ dân.

Đến nay, toàn bộ hệ thống cột điện nổi đã được hạ xong và tập trung vào thi công cống ngầm thoát nước thải, nước mưa và cải tạo hệ thống ga thoát nước cũ ở giữa tuyến đường.

Dự kiến, đến cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11/2021 sẽ cơ bản xong các hạng mục, đưa tuyến đường vào khai thác”, ông Hải thông tin.

Trước lo ngại của PV về việc tuyến đường Vũ Trọng Phụng sẽ có nút thắt nếu không di dời được 3 hộ dân, đại diện Ban QLDA quận Thanh Xuân khẳng định, việc đi “đường vòng” chỉ là tạm thời.

“Quận Thanh Xuân cũng kiến nghị các cơ quan chức năng điều chỉnh 3 hộ dân này về dự án đường giao thông của quận để chúng tôi thực hiện thu hồi. Hiện, thành phố đã giao Sở TN&MT hướng dẫn quận các thủ tục tiếp theo”, ông Hải thông tin.

Liên quan công tác xử lý dự án thi công gây mất ATGT, đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, đội quản lý địa bàn đã nhiều lần nhắc nhở, chấn chỉnh nhà thầu. Thậm chí, mới đây đã thu hồi máy móc để bừa bãi mất ATGT.

“Chúng tôi đang yêu cầu đơn vị thi công đến để giải quyết nhưng do đang giãn cách xã hội họ chưa lên. Chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý nhà thầu vi phạm gây mất ATGT”, vị đại diện này khẳng định.

Chủ đầu tư, cơ quan chức năng buông lỏng?

Trao đổi với Báo Giao thông, GS.TS. cao cấp Nguyễn Thị Thu Thủy, Giảng viên Trường Đại học GTVT - người có nhiều năm nghiên cứu về tổ chức giao thông của Hà Nội cho rằng, thời gian qua có một số dự án trên địa bàn TP Hà Nội thi công gây mất an toàn. Trong đó, điển hình là dự án mở rộng đường Vũ Trọng Phụng.

“Đây là dự án tôi nắm rất rõ, bởi vì nhà tôi cũng ở trên địa bàn quận này. Không hiểu sao dự án mất an toàn nghiêm trọng vẫn tuần tự tái diễn mà vẫn được thi công bình thường. Tôi cho rằng có sự buông lỏng của chủ đầu tư. Công tác xử lý của lực lượng chức năng còn hạn chế. Liệu có hay không việc tiêu cực ở dự án này, Thanh tra thành phố cần khẩn trương vào cuộc xử lý nghiêm”, bà Thủy nói.