Dân chấp nhận đi nhờ... nhà vệ sinh nhà hàng xóm, cán bộ y tế sợ tốn quần áo bảo hộ
Từ ngày 17/11, Hà Nội chính thức cho phép F1 đủ điều kiện tại các quận huyện được phép cách ly tại nhà (trừ 4 quận nội thành).
Qua mấy ngày triển khai việc thực hiện cách ly F1 tại nhà, theo phản ánh của cán bộ y tế một số quận huyện, y tế cơ sở vốn đã quá tải, trở nên quá tải hơn.
Trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Phòng Y tế Nam Từ Liêm cho biết, hiện địa phương đang thực hiện cách ly tại nhà cho 198 trường hợp. Việc cho phép F1 cách ly ở nhà đối với địa phương bên cạnh những việc thuận lợi cho các ca F1 thì địa phương cũng gặp không ít khó khăn.
Đối với gia đình F1 các điều kiện phải hoàn toàn riêng biệt (phòng ở riêng, vệ sinh riêng)…“Với những tiêu chí này có gia đình đủ nhưng có gia đình không đủ. Ví dụ nhà có 2 phòng nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh, thì có thể người trong nhà không thuộc F1 vẫn ở một phòng nhưng đi vệ sinh sẽ phải… đi nhờ nhà hàng xóm. Còn nhà vệ sinh của nhà chỉ được dành riêng cho F1.
Nhiều gia đình đang rơi vào tình trạng như thế. Người nhà chấp nhận khắc phục khó khăn, phải sang hàng xóm đi nhờ, để đảm bảo F1 có một phòng riêng và một nhà vệ sinh riêng để sử dụng”, vị này cho hay.
Khó khăn đối với nhân viên y tế, từ khi triển khai thực hiện F1 tại nhà, F0 không triệu chứng tại trạm y tế lưu động, nhân viên tuyến cơ sở quá tải chồng quá tải.
“Một núi việc”, ông Tuấn nói, bởi theo ông để đảm bảo đủ điều kiện cho người F1 cách ly tại nhà thì địa phương phải tổ chức đoàn đi thẩm định. Một trong thành phần của đoàn là cán bộ y tế, mà cán bộ y tế cơ sở bây giờ việc quá nhiều (xét nghiệm, truy vết, tiêm chủng… giờ thêm cả thẩm định các hộ gia đình). Việc tổ chức đi như thế rất mất thời gian với nhiều thủ tục hành chính: kiểm tra, lập biên bản, xác nhận… rất nhiều thủ tục hành chính mà cán bộ y tế phường phải giải quyết”, ông Tuấn thông tin.
Chung tâm trạng này, ông Trương Kỳ Phong, Giám đốc TTYT Quận Hà Đông cho biết, nhân lực ngành y tế thì có hạn nhưng theo quy định, ngày thứ 7 phải lấy mẫu các trường hợp F1 cách ly tại nhà.
“Riêng việc đi thẩm định từng nhà đã mất rất nhiều thời gian, giờ thêm việc đi từng nhà F1 lấy mẫu xét nghiệm ở ngày thứ 7. Tốn công, tốn sức đã đành điều chúng tôi băn khoăn nhất là trang phục bảo hộ.
Chúng tôi đang không biết làm như thế nào. Nhân viên y tế không thể mặc một bộ quần áo bảo hộ đi từ nhà này sang nhà khác. Mỗi nhà phải mất một bộ quần áo để lấy mẫu. Giả sử một phường 70 F1 thì ít nhất phải mất 70 bộ quần áo bảo hộ để nhân viên y tế đến lấy mẫu xét nghiệm. Trang phục bảo hộ dùng nhiều, rất tốn kém mà mua sắm vướng quá nhiều thủ tục”, ông Phong cho hay.
Giám đốc TTYT Quận Hà Đông kiến nghị, có đơn vị nào đứng ra làm thủ tục đấu thầu các trang thiết bị, bảo hộ y tế đưa về cơ sở giống như cung cấp vắc xin, y tế chỉ làm chuyên môn. Tránh liên quan đến việc mua sắm.
Địa phương không dám nhận đơn của F1
Ngoài những người được phép cách ly tại nhà ngay từ ban đầu, hiện Hà Nội cũng cho phép những người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà 7 ngày tiếp theo.
Nhóm này đang trở thành “nỗi ám ảnh” của y tế tuyến cơ sở. Được biết tại có quận, tính đến chiều 23/11, có 74 trường hợp có nguyện vọng muốn được về nhà cách ly.
Một cán bộ quận đề nghị giấu tên cho biết, việc thực hiện được thủ tục về địa phương cũng đang gặp nhiều khó khăn cho cán bộ y tế cơ sở. Theo đó, yêu cầu bắt buộc người đang thực hiện cách ly muốn về nhà tiếp tục cách ly phải viết đơn. Đưa về địa phương thành lập tổ thẩm định đến nhà kiểm tra. Thẩm định xong phê duyệt đơn, Chủ tịch phường ký xác nhận rồi chuyển đơn đến cơ sở cách ly tập trung...
“Nhiều động tác quá. Nhưng hiện nay đơn đó về địa phương không ai dám cầm, không dám ký cả”, vị lãnh đạo này cho biết.
Vì người viết đơn F1 phải viết họ tỳ tay vào đó, nếu người khác cầm đơn ấy rất dễ bị lây nhiễm. Đơn được để trung túi nilon, lãnh đạo địa phương muốn ký xác nhận phải bỏ ra ký thẳng vào, nguy cơ lây nhiễm cao. Mà khử khuẩn xong mới ký thì nát, nhoè hết đơn.
“F1 ký sẵn gửi qua Zalo rồi người nhà in ra mang nộp cho phường thì lại không đúng thể thức văn bản (không có chữ ký tươi). Riêng khâu xác nhận đơn tưởng đơn giản mà thực tế cũng không thể xác nhận được”, vị này cho hay.
Riêng để xong các thủ tục hành chính (đơn xác nhận, thẩm định, ra quyết định tiếp nhận cách ly tại nhà…) nếu đầy đủ các bước thì mất ít nhất 3 ngày. Mà như vậy xét nghiệm của F1 lấy ngày thứ 7 cách ly tại khu tập trung lại không còn giá trị (quá 72h) buộc phải làm lại.
“Lằng nhằng lắm,chúng tôi chóng hết cả mặt trong khi công dân thì đang doạ kiện. Họ bảo hết 7 ngày mà không được về là do các cán bộ địa phương chưa làm hết trách nhiệm. Tại sao giữ người ta lại?. Nhưng hiện các thủ tục hành chính rất phức tạp như thế.
Nói thì đơn giản, ở trên tưởng nhanh, dễ nhưng ở cơ sở rất khổ, dồn lại một cái thúng làm anh em lục đục ở trong đấy bế tắc không có đường ra. Anh em khổ quá, nói nhau mà như muốn khóc tất cả”, vị này cho hay.
Ông kiến nghị, cần bỏ bớt thủ tục F1 viết đơn thay vào đó nếu hết 7 ngày họ xét nghiệm âm tính thì điện thoại về địa phương. Địa phương thẩm tra, xác nhận đủ điều kiện cách ly tại nhà thế là đủ điều kiện ban hành quyết định cho họ về.
Hướng dẫn thực hiện cách ly tại nhà
Những nhóm F1 được cách ly tại nhà bao gồm:
- Những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định (F1);
- Người ở cùng nhà với (F1) được cách ly cùng với (F1) tại nhà;
- Người trực tiếp chăm sóc, hỗ trợ (F1) được cách ly cùng với (F1) tại nhà.
- Những người đang cách ly tập trung đủ 7 ngày, có kết quả xét nghiệm PCR ngày thứ 7 âm tính với SARS-CoV-2 được chuyển về cách ly tại nhà.
Quy trình thực hiện:
Theo quy định, khi F1 có nguyện vọng được cách ly y tế tại nhà phải có Đơn đăng ký gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn (qua Trạm Y tế) tại nơi cư trú.
Trạm Y tế xã, phường, thị trấn sau khi tiếp nhận Đơn đăng ký gửi danh sách về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã, phường, thị trấn.
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn nơi tiếp nhận cử Tổ thẩm định xuống xác minh, đánh giá, đảm bảo yêu cầu về cơ sở vật chất nơi cách ly y tế mà (F1) đăng ký. Tổ thẩm định bao gồm các đơn vị sau: Đại diện cán bộ Ủy ban nhân dân, Công an, cán bộ y tế Trạm Y tế của xã, phường, thị trấn; đại diện Tổ dân phố, thôn xóm/Tổ Covid cộng đồng.
Tổ thẩm định tiến hành xác minh, đánh giá điều kiện cách ly y tế tại nhà mà người tiếp xúc gần (F1) đăng ký.
Biên bản thẩm định được Tổ thẩm định gửi về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch xã, phường, thị trấn để cấp “Giấy xác nhận đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo cách ly y tế tại nhà”.
Ban Chỉ đạo phòng chống dịch xã, phường, thị trấn ban hành Quyết định cách ly y tế tại nhà đối với các trường hợp (F1)./.