GS.TS Nguyễn Văn Kính cho rằng, sau khi tiêm phòng vắc xin vẫn có thể có nguy cơ mắc Covid-19 vì không có vắc xin nào bảo vệ an toàn được 100%.
Trong số các nhân viên y tế bị lây nhiễm trong đợt này, có 1 bác sĩ đã được tiêm vắc xin phòng Covid-19 song cũng chỉ mới tiêm một mũi. Trong khi đó phải tiêm đủ 2 mũi mới đạt được miễn dịch theo khuyến cáo của nhà sản xuất.
GS Nguyễn Văn Kính, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho hay, một điều cần lưu ý là dù có tiêm 2 mũi thì hiệu quả bảo vệ cũng chỉ là 87%, còn lại 13% chưa có miễn dịch. Điều đó đồng nghĩa dù tiêm đủ 2 mũi vẫn có nguy cơ mắc bệnh vì rơi vào nhóm 13% không sinh miễn dịch.
Theo GS Kính, hiện nay, cả hai cơ sở của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có gần 800 cán bộ y tế, riêng cơ sở 2 là hơn 300. Vì số lượng vắc xin có hạn nên cơ sở ưu tiên tiêm trước cho những người trực tiếp điều trị bệnh nhân Covid-19. Đến nay, toàn bộ nhân viên y tế tại cơ sở 2 đã được tiêm vắc xin, những trường hợp đã mắc bệnh thì sau 6 tháng sẽ được tiêm.
Ảnh minh hoạ
TS Kính khẳng định, không có vắc xin nào có khả năng bảo vệ 100%, tất cả các vắc xin đạt tỷ lệ trên 90% đã là điều lý tưởng. Theo tiêu chuẩn của WHO, chỉ đạt trên 50% là có thể sử dụng vắc xin đó để tiêm.
Hiện nay, những vắc xin đang được WHO khuyến cáo cũng như của Mỹ cấp phép sử dụng thì đều có hiệu quả từ 81 đến 97%, đặc biệt vắc xin Sputnik của Nga tuyên bố đạt đến 97%.
Để chặn dịch chỉ có cách tốt nhất là tiêm vắc xin, Việt Nam vẫn chưa đạt được miễn dịch cộng đồng vì tỷ lệ tiêm quá ít. GS Kính cho biết, muốn có miễn dịch cộng đồng do tiêm vắc xin thì ít nhất 2/3 dân số cần được tiêm đầy đủ các mũi.
GS.TS Nguyễn Văn Kính cho hay, hiện nay cả thế giới đang chăm chú quan tâm đến biến chủng kép của Ấn Độ là B.1.617.
Trước đây, biến chủng chưa kép là B.1.1.7 từ Anh đã thấy rõ mức độ lan tràn của nó rất nhanh, tăng cao hơn 70% so với chủng ban đầu. Chúng ta vẫn đang theo dõi việc vắc xin Covid-19 có ngăn chặn được hết tất cả các biến thể hay không, đây vẫn là một câu hỏi lớn, thách thức lớn cho ngành vắc xin.
Vắc xin Covid-19 cũng như các vắc xin khác trong quá trình triển khai có thể có phản ứng sau tiêm ở nhiều mức độ:
+ Rất phổ biến: sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38độ C; như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt, ớn lạnh.
+ Phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
+ Có thể có tai biến nặng, phản ứng phản vệ.
Về điều trị Covid-19, hiện nay chưa có thuốc gì đặc hiệu, vẫn phải theo dõi điều trị thật sớm các triệu chứng của bệnh nhân, nâng cao thể trạng. Khi bệnh nhân tổn thương phổi thì phải điều trị phổi bằng biện pháp oxy, nếu rối loạn đông máu thì có hướng điều trị phù hợp…, những điều này hiện đã có hướng dẫn cụ thể./.