Báo cáo về tình hình điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện tại của Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho biết, trong số các bệnh nhân đang điều trị có 33 bệnh nhân tiến triển nặng lên và 13 ca tiên lượng rất nặng.
 
Việt Nam hiện đang điều trị cho 1.121 bệnh nhân Covid-19 tại 53 cơ sở y tế từ tuyến huyện, tỉnh đến trung ương, bệnh viện dã chiến, trong số này có 46 bệnh nhân Covid-19 tiên lượng nặng và rất nặng.
 
Hiện có 2 bệnh nhân đang được can thiệp ECMO, một trường hợp điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) và một tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh.
 
Có 9 trường hợp khác tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang thở máy xâm nhập, 4 người được sử dụng phương pháp thở không xâm nhập và 23 bệnh nhân dùng oxy gọng kính.
 
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện đang tiếp nhận nhiều bệnh nhân Covid-19 nhất cả nước với trên 330 bệnh nhân. Trong số này có 73% bệnh nhân diễn tiến ổn định, không thay đổi, 13 ca tiên lượng rất nặng, trong đó có 1 ca đang phải thở ECMO là bệnh nhân 3019, nam, 54 tuổi, quê Thái Bình.
 
 
Các bác sĩ BV Bệnh Nhiệt đới trung ương điều trị cho bệnh nhân Covid-19.
 
Trường hợp này tăng huyết áp nhiều năm không điều trị thường xuyên, sỏi thận 2 bên, suy thận mạn, từng mổ lấy sỏi thận trái, nội soi tán sỏi niệu quản, dẫn lưu thận…
 
Trước khi phát hiện mắc Covid-19, bệnh nhân từng có 1,5 tháng điều trị tại Bệnh viện Việt Đức.
 
Bệnh nhân này có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2 vào ngày 4/5, từ ngày 5/5 đến nay phải can thiệp ECMO, lọc máu. Bệnh nhân tiên lượng do suy đa tạng, tổn thương phổi, tổn thương tim.
 
Theo GS Nguyễn Gia Bình – Tổ trưởng tổ điều trị Covid-19 nặng, Tiểu Ban điều trị Covid-19 cho biết, đến nay so với giai đoạn dịch ở Hải Dương ông nhận thấy số ca nặng tăng.
 
Điều này có thể là do chủng virus mới cũng có thể do yếu tố cơ địa. Ví dụ với bệnh nhân ECMO đang ở BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương thì tiên lượng rất khó vì bệnh nhân xơ gan giai đoạn cuối, dù điều trị ECMO nhưng vẫn rất khó khăn.
 
GS Bình cho biết, đợt dịch này có khoảng 60% bệnh nhân mắc Covid-19 không có triệu chứng hoặc chỉ hắt hơi, sổ mũi nhẹ, 37 % có lâm sàng nhẹ sốt, ho, khó thở. Hiện nay chưa rõ có thể đánh giá chủng virus mới này có độc lực cao hơn chủng cũ hay không nhưng GS Bình cho rằng chúng ta không nên chủ quan.
 
Nếu chủng mới tốc độ lây lan nhanh gặp phải người có bệnh lý nền nào đó hoặc yếu tố cơ địa thì rất nguy hiểm, bất cứ ai cũng có thể diễn tiến nặng. Virus SARS-CoV-2 có thể tấn công vào phổi, tim, thận, mạch máu gây tắc mạch, đột quỵ.
 
So với các đợt dịch Việt Nam trải qua thì GS Bình cho biết đợt dịch xảy ra ở Đà Nẵng công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 hiện gặp nhiều khó khăn hơn giai đoạn trước.
 
Rất nhiều bệnh nhân nặng, tuổi cao, có bệnh mãn tính kèm theo như suy tim, đái tháo đường, suy thận, chạy thận chu kỳ, ung thư... Các chuyên gia từ Bệnh viện Bạch Mai, Chợ Rẫy đã hỗ trợ cho Đà Nẵng, nhưng những ca tử vong là bất khả kháng, các y bác sĩ không thể làm gì khác được vì dịch xảy ra ở bệnh viện.
 
Vì vậy, GS Bình cho rằng, lần này chúng ta cần bảo vệ các khoa trọng yếu, khoa có nhiều bệnh nhân nặng ở các bệnh viện, chỉ có như thế hệ thống điều trị mới không quá tải, có đủ nguồn lực cứu những bệnh nhân nặng khác.
 
Đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 3812 bệnh nhân, hiện đã điều trị khỏi Covid-19 cho 2.657 trường hợp.
 
Trong số các bệnh nhân đang điều trị có 92 ca âm tính với SARS-CoV-2, trong đó lần 1 là 49 bệnh nhân; Lần 2 là 25 bệnh nhân và Lần 3 là 18 bệnh nhân.
 
Trong khi đó, 35 trường hợp đã tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 cùng các bệnh lý nền.
 
Trong tuần qua, Tiểu ban Điều trị và các chuyên gia đầu ngành đã tiến hành 2 lần hội chẩn quốc gia trực tuyến điều trị một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 có diễn biến nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và BVĐK khu vực An Giang./.