Một nhà khoa học Pháp từng giành Nobel Y học cho rằng virus SARS-CoV-2 là một loại vaccine chống HIV được tạo ra trong phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Một giả thuyết đang được lan truyền rất mạnh trong dư luận các nước phương Tây về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2, được một nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Y học của Pháp, Luc Montagnier đưa ra, đó là virus SARS-CoV-2 là một loại vaccine chống HIV được tạo ra trong phòng thí nghiệm Vũ Hán.
Luc Montagnier - nhà khoa học từng đoạt giải Nobel Y học của Pháp.
Giả thuyết này được Giáo sư Luc Montagnier đưa ra lần đầu tiên trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên trang web chuyên về y học “Tại sao Bác sỹ” (Pourquoi Docteur) ngày 16/4 và sau đó là trong buổi trả lời trên kênh truyền hình Pháp Cnews ngày 17/4.
Theo Giáo sư Luc Montagnier, ông và đồng sự của mình, là một nhà toán học đã nghiên cứu các đoạn gen được giải mã của virus SARS-CoV-2 và phát hiện trong đó có một đoạn gen mã hoá thông tin (ARN) của virus HIV.
Do đó, Giáo sư này cho rằng virus SARS-CoV-2 không phải có nguồn gốc tự nhiên, và cũng không phải xuất phát ban đầu từ chợ hải sản ở thành phố Vũ Hán như thông tin ban đầu. Giả thuyết được Giáo sư Luc Montagnier đưa ra là các nhà sinh học phân tử tại phòng thí nghiệm Vũ Hán đã cấy đoạn gen của virus HIV vào virus corona, với mục đích mà theo ông là có thể để tạo ra một loại vaccine ngăn ngừa bệnh AIDS và, do một sự cố công nghiệp, virus này đã bị phát tán ra ngoài.
Trong các bài phỏng vấn, Giáo sư này cũng nhắc đến chi tiết là có một nhóm nghiên cứu Ấn Độ đã giải mã bộ gen hoàn chỉnh của virus SARS-CoV-2, trong đó có đoạn gen của virus HIV, nhưng không thể công bố do bị sức ép. Nhưng Giáo sư Luc Montagnier không nói đích danh đó là nhóm nghiên cứu nào.
Ngay lập tức, giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 được Giáo sư Luc Montagnier đưa ra đã ngay lập tức lan truyền với tốc độ chóng mặt trên các mạng xã hội Pháp và các nước phương Tây, đặc biệt trong bối cảnh cuộc chiến truyền thông giữa Trung Quốc và phương Tây đang ngày càng gay gắt quanh đại dịch Covid-19.
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như một số hãng truyền thông Mỹ đã lan truyền các đồn đoàn rằng virus SARS-CoV-2 là “v.ũ kh.í” của Trung Quốc, lọt ra từ một phòng thí nghiệm cấp P4 ở Vũ Hán và đ.e d.oạ sẽ tiến hành điều tra.
“Con cừu đen” của giới khoa học
Tuy nhiên, giả thuyết về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 vừa được Giáo sư Luc Montagnier cần phải được xem xét hết sức thận trọng, vì nhiều lí do song trước hết do tiểu sử khoa học rất gây tranh cãi của Giáo sư này.
Giáo sư Luc Montagnier, 88 tuổi, là một nhà virus học nổi tiếng người Pháp, nhiều năm là lãnh đạo Viện Pasteur Paris và từng giành giải Nobel Y học năm 2008 nhờ khám phá về virus HIV gây ra bệnh AIDS mà ông tiến hành từ những năm 80 cùng đồng sự là Francoise Barré- Sinoussi.
Tuy nhiên, sau khi giành giải thưởng uy tín nhất thế giới trong lĩnh vực khoa học, danh tiếng của GS Luc Montagnier liên tục đi xuống vì vô số các phát ngôn và quan điểm gây tranh cãi về khoa học.
Năm 2009, một năm sau khi đoạt giải Nobel Y học, GS Luc Montagnier xuất hiện trong một phim tài liệu được đánh giá là phản khoa học mang tựa đề “House of Numbers: Anatomy of an Epidemic” (Ngôi nhà của những con số: gi.ải ph.ẫu một dịch bệnh), trong đó ông tuyên bố “chúng ta có thể nhiễm virus HIV nhiều lần mà không trở thành mãn tính, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ tự xử lý được virus HIV trong vài tuần nếu bạn có hệ miễn dịch tốt”.
Dựa trên quan điểm này, GS Luc Montagnier cho rằng sở dĩ người dân châu Phi nhiễm HIV nhiều là do chế độ ăn uống không cân bằng, dẫn đến thiếu hụt oxy, nên hệ miễn dịch của người dân châu Phi hoạt động không tốt, dễ bị virus HIV xâm nhập và tấn công lâu dài. Do đó, GS Montagnier chủ trương không cần phát triển vaccine ngừa AIDS mà chỉ cần dựa vào các biện pháp dinh dưỡng và vệ sinh.
Quan điểm chống vaccine này được GS Luc Montagnier đẩy lên đỉnh điểm vào ngày 7/11/2017, khi xuất hiện tại nhà hát Mathurins ở Paris bên cạnh GS Henri Joyeux, người bị Hiệp hội bác sỹ Pháp gạch tên vì chống vaccine. GS Montagnier hôm đó cảnh báo “toàn bộ người dân Pháp và thế giới rằng, mặc dù vaccine ra đời với ý tốt, nhưng vaccine đang đ.ầu đ.ộc toàn bộ các thế hệ sau này”. Đây được xem là lời tuyên chiến với tất cả các nghiên cứu khoa học đã chứng minh rằng vaccine là không thể thiếu trong việc bảo vệ s.inh m.ạng của hàng trăm triệu trẻ em trên toàn cầu.
10 ngày sau, 17/11/2017, hơn 100 nhà khoa học, viện sĩ, bác sỹ Pháp ký tên chung trong một bức thư lên án Giáo sư Luc Montagnier, tuyên bố họ “không chấp nhận một người đồng nghiệp sử dụng giải Nobel để đi tuyên truyền, bên ngoài lĩnh vực hiểu biết của mình, những thông điệp ng.uy h.iểm cho sức khoẻ cộng đồng, bất chấp các quy tắc đạo đức cần có của khoa học và ngành y”.
Ngoài quan điểm chống vaccine, GS Luc Montagnier còn gây tranh cãi trong nhiều lĩnh vực khác. Năm 2010, ông tuyên bố trên một tạp chí Mỹ, ủng hộ lý thuyết “ký ức của nước” do Jacques Benvenite đưa ra. GS Luc Montagnier còn tuyên bố có thể tái tạo các đoạn ADN từ nước tinh khiết và các tín hiệu điện từ được mã hoá và có thể gửi tất cả qua thư.
Những phản ứng trái chiều
Ngay sau khi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 được GS Luc Montagnier đưa ra, giới khoa học Pháp đã phản ứng và cho rằng đây là giả thuyết không đáng tin cậy.
Nhà nghiên cứu virus của Viện Pasteur Paris, Étienne Simon-Lorière tuyên bố trên hãng thông tấn Pháp, AFP rằng “giả thuyết này không có chút ý nghĩa nào” vì những đoạn gen mà GS Luc Montagnier nói đến “chỉ là các chi tiết nhỏ, được tìm thấy ở các loại virus khác cùng họ với SARS-CoV-2, tức là các virus corona trong tự nhiên. Đó chỉ là các mẩu gen giống như hàng loạt các đoạn gen trong vật chất di truyền của vi khuẩn, virus và cây cối”.
“Nó giống như việc có một chữ trong quyển sách này giống một chữ trong quyển sách khác, liệu khi đó có thể nói sách này sao chép sách kia không? Đúng là vô cùng lệch lạc” - Étienne Simon-Lorière nhận định.
Alexis Verger, nhà sinh vật học phân tử của Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp – CNRS thì cho rằng, riêng tiểu sử khoa học đầy tranh cãi của GS Luc Montagnier đã là không đáng tin.
Về thông tin liên quan đến một nhóm nghiên cứu Ấn Độ mà GS Luc Montagnier nhắc đến, từ ngày 9/3/2020, mục “Những người giải mã” (Les Décodeurs) chuyên chống tin giả của báo Le Monde của Pháp, đã có bài phân tích về thông tin này.
Theo đó, một nhóm nghiên cứu đến từ hai trường Đại học lớn ở thủ đô New Dehli, Ấn Độ đã xuất bản một bài trên trang BioRxiv, đề cập đến “sự giống nhau kỳ lạ, rất khó ngẫu nhiên” trong các đoạn amino axit trong protein của virus SARS-CoV-2 với virus HIV-1, thủ phạm chính gây bệnh AIDS.
Nhưng bài báo đó sớm bị nhóm tác giả gỡ bỏ khi giới khoa học phản biện rằng các đoạn amino axit đó là quá bình thường ở nhiều loại virus.
Thông tin về nhóm nghiên cứu Ấn Độ.
Trang BioRxiv sau đó cũng đã phải đăng thông báo rằng tất cả các bài nghiên cứu đăng trên trang chưa được thẩm định, và đây chỉ là các báo cáo sơ lược, chưa phải kết luận, cũng không được xem như thông tin đã kiểm chứng.
Thực ra, nguồn gốc của các giả thuyết rằng virus SARS-CoV-2 là sản phẩm được tái tạo từ virus corona và virus HIV, lại được nói nhiều vì một bài phỏng vấn một bác sỹ của bệnh viện trường Đại học Trung Nam ở Vũ Hán hôm 29/2.
Khi đó, trả lời tờ Global Times, bác sỹ Peng Zhiyong, Trưởng khoa hồi sức cấp cứu, mô tả các tác động của virus SARS-CoV-2 lên cơ thể người bệnh như là “kết hợp giữa bệnh SARS (2003) và bệnh AIDS”, vì nhìn từ khía cạnh bệnh lý thì có viêm phổi (giống SARS), có suy giảm hệ miễn dịch (giống AIDS), suy giảm bạch cầu.
Nhưng đây chỉ đơn thuần là nói về triệu chứng bệnh. Chi tiết này đến ngày 20/02 được Tạp chí Y học The Lancet khẳng định lại, khi cho thấy 85% bệnh nhân Covid-19 trong các khoa hồi sức cấp cứu ở Vũ Hán bị suy giảm bạch cầu.