Đợt dịch Covid-19 lần này bùng phát ở nước ta khiến hàng triệu doanh nghiệp, người lao động rơi vào cảnh “kiệt quệ”. Gói hỗ trợ mới 26.000 tỷ đồng được Chính phủ đưa ra để hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Nhiều người kỳ vọng chính sách hỗ trợ lần này sẽ tiếp sức cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp nhanh chóng vượt qua khó khăn khôi phục sản xuất.
Tuy nhiên, để tránh những bất cập mà các gói hỗ trợ đã từng triển khai trước đây vướng phải, gói hỗ trợ lần này nên thay đổi cách tiếp cận thế nào để triển khai một cách kịp thời và hiệu quả nhất? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Lê Duy Bình, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Giám đốc điều hành Economica Vietnam về nội dung này.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người dân đều “kiệt sức” vì đại dịch Covid-19, việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid- 19 có ý nghĩa như thế nào?
Ông Lê Duy Bình: Gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng là minh chứng thể hiện đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam, đó là chúng ta gắn các vấn đề xã hội với phát triển kinh tế. Đó là đặc trưng của nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Và chúng ta thấy rằng định hướng hỗ trợ về xã hội này, ngoài mục đích có tính nhân văn về mặt xã hội, cho mục đích an sinh xã hội bản thân nó cũng có ý nghĩa về mặt kinh tế.
Với 26.000 tỷ đồng này, tương đương khoảng hơn 1 tỷ USD, nếu chúng ta giải ngân hết và giải ngân hiệu quả, đúng mục tiêu trong năm nay thì gói kích cầu này sẽ làm tăng tổng cầu của nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2021. Điều đó, ngoài ý nghĩa về mặt xã hội nó còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Như vậy, tôi nghĩ đây là khoản đầu tư đúng, khoản chi đúng. Nếu chúng ta thực hiện tốt khoản chi này từ nguồn ngân sách Nhà nước.
PV: Nhiều người băn khoăn quá trình triển khai gói hỗ trợ mới khi nhìn từ thực tế triển khai gói 62.000 tỷ đồng trong một năm qua, nhưng đến nay mới chỉ giải ngân được hơn 22%. Các doanh nghiệp gần như không tiếp cận được gói hỗ trợ này, thưa ông?
Ông Lê Duy Bình: Tôi nghĩ việc thiết kế gói 62.000 tỷ đồng cũng để lại cho chúng ta rất nhiều bài học mà chúng ta nên rút kinh nghiệm cho gói 26.000 tỷ đồng đang đề xuất này. Chúng ta có thể thấy gói 62.000 tỷ đồng được thiết kế trong bối cảnh gấp gáp, rất khó khăn, chưa có tiền lệ vì vậy không tránh khỏi những hạn chế.
Việc đầu tiên đối với gói 26.000 tỷ đồng là chúng ta phải xác định rõ ràng nguồn tiền mà các địa phương, các bộ ngành có thể tiếp cận ngay được để có thể giải ngân. Thứ 2 là thủ tục sẽ phải xác định đơn giản hơn. Đây là gói hỗ trợ mang tính chất khẩn cấp và khi chúng ta thực hiện mang tính khẩn cấp như vậy thì phải bỏ quan những thủ tục hành chính nhiêu khê, rườm rà và không cần thiết. Kể cả đối với doanh nghiệp và người lao động.
Chúng ta không thể đòi hỏi người lao động tự do chứng minh họ đã mất việc phải có hợp đồng lao động để được hưởng gói hỗ trợ. Tất cả các thủ tục hành chính được áp dụng đối với khu vực doanh nghiệp, điều kiện ngặt nghèo chúng ta phải loại bỏ. Những thiết kế mang tính chất không phù hợp với nguyên tắc thương mại, không phù hợp với hành chính hóa, với quyết định cho vay.... thì cần loại bỏ. Tôi nghĩ điều đó sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả giải ngân của gói hỗ trợ này.
PV: Vậy ông có nghĩ gói hỗ trợ lần này sẽ khắc phục được những điểm nghẽn của gói hỗ trợ lần trước không?
Ông Lê Duy Bình: Chúng tôi hy vọng, với sự quyết tâm mạnh mẽ của hệ thống chính trị cũng như quyết tâm thay đổi cách làm, với mục tiêu tất cả vì người lao động, tất cả vì những người chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bệnh dịch này thì chúng ta có thể thay đổi được cách làm trước đây và có thể cải thiện được tốc độ giải ngân cao hơn so với gói hỗ trợ trước. Sự cải thiện này nó sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho người lao động trong khu vực phi chính thức, cho người lao động tự do, lao động mất việc do bệnh dịch gây ra. Điều này sẽ hỗ trợ chúng ta trong việc duy trì lực lượng lao động và hỗ trợ cho nguồn lực vô cùng quý báu cho quá trình phát triển kinh tế của chúng ta trong những tháng cuối năm và trong những năm tới.
PV: Vậy theo ông, chúng ta phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu mỗi địa phương, người đứng đầu các bộ ngành liên quan như thế nào trong quá trình triển khai, cũng như phải huy động sự tham gia giám sát của các tổ chức xã hội và người dân như thế nào trong thực hiện gói hỗ trợ này?
Ông Lê Duy Bình: Đây là yếu tố hết sức quan trọng, mang tính chất quyết định đối với tốc độ giải ngân của gói 26.000 tỷ đồng này. Trách nhiệm của các địa phương, của các bộ ngành chịu trách nhiệm trực tiếp giải ngân gói hỗ trợ này, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chúng ta cần gắn trách nhiệm và đánh giá kết quả thực hiện công việc cuối năm của các bộ ngành, của các địa phương, của người đứng đầu các đơn vị này vào kết quả của giải ngân mà phần vốn đã được giao. Đây phải là tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện công việc thì chúng ta mới mong tốc độ giải ngân gói hỗ trợ mới tăng lên được.
Chỉ khi làm như vậy thì các đơn vị được giao mới có nỗ lực cao nhất, có tinh thần trách nhiệm cao nhất để tìm ra biện pháp, cách thức sáng tạo để có thể mang được nguồn vốn này đến tay người lao động, những người mà hiện nay đang rất cần nguồn hỗ trợ đối với cuộc sống của họ hiện nay./.
PV: Xin cảm ơn ông!./.