Đan xen quản lý hàng hải và đường thủy
Công ty TNHH MTV Thạnh Thới có hơn chục phà chở khách pha sông biển cấp VR-SB, tàu biển cấp hạn chế III hoạt động trên tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Phú Quốc (Kiên Giang).
Tàu SB của công ty thường xuyên xuôi ngược vào sâu các tuyến đường thủy vùng ĐBSCL để thu gom nông sản, vận chuyển hàng hóa; còn phà biển định kỳ phải vào nội thủy TP Hà Tiên để lên đà sửa chữa.
Các phương tiện trên chủ yếu hoạt động tại các bến thủy tại Hà Tiên, Phú Quốc và nằm trong vùng nước hàng hải do Cảng vụ Hàng hải Kiên Giang quản lý.
Theo quy định, khi phương tiện rời, cập bến phải làm thủ tục cảng vụ. Tuy nhiên, phức tạp ở chỗ cảng vụ hàng hải không quản lý các bến này nên cũng không thể cấp phép cho phương tiện rời, cập bến.
“Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, Bộ GTVT đã giao các cảng vụ hàng hải tổ chức quản lý cảng, bến thủy và cấp phép cho phương tiện thủy vào, rời bến thủy nằm trong vùng nước cảng biển. Tuy vậy, mỗi khi phương tiện vào, rời bến thủy lại phải gửi hồ sơ đề nghị cho Cảng vụ ĐTNĐ Kiên Giang (thuộc Sở GTVT địa phương) cấp phép cho từng trường hợp nên rất mất thời gian, thủ tục giấy tờ”, ông Nguyễn Ngọc Thới, Giám đốc Công ty Thạnh Thới cho biết.
Cũng theo ông Thới, những năm gần đây nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa và du lịch đến một số xã đảo tại Hà Tiên tăng cao, song không có tuyến vận tải được công bố nên gây khó khăn cho vận tải.
“Xã đảo Tiên Hải thuộc TP Hà Tiên, nằm giữa TP Hà Tiên và đảo Phú Quốc, với khoảng cách 12-13 hải lý đến mỗi đảo. Do không có tuyến vận tải nối xã Tiên Hải với Phú Quốc nên khách du lịch đến xã đảo này muốn đi tiếp đến Phú Quốc phải quay trở lại TP Hà Tiên”, ông Thới cho biết thêm.
Tại Quảng Ninh, xã đảo Thanh Lân (huyện Cô Tô) nằm cách đảo chính Cô Tô chỉ khoảng 18km, song tuyến vận tải từ bờ ra đảo đến nay mới đến Cô Tô, khiến người dân, khách du lịch phải trung chuyển bằng đò từ Cô Tô để đến Thanh Lân.
“Một số xã đảo thuộc huyện Vân Đồn có lưu lượng phương tiện thủy, tàu cá hoạt động ngày càng nhiều, song chưa có tuyến vận tải được công bố nên chưa được tổ chức quản lý, gây nguy cơ mất ATGT đường thủy”, ông Phạm Văn Phả, Trưởng Chi hội Quản lý bảo trì đường thủy nội địa phía Bắc (Hội Vận tải thủy nội địa VN) cho biết thêm.
Bên cạnh đó, trên một số tuyến đường thủy tại Quảng Ninh có sự đan xen, cắt khúc luồng hàng hải nên báo hiệu trên tuyến không thuận lợi cho phương tiện thủy.
Về cấp phép phương tiện, tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu… công tác quản lý cảng, bến thủy tại các vùng nước hàng hải thuộc một số tuyến từ bờ ra đảo cũng do cảng vụ ĐTNĐ địa phương thực hiện.
Đề xuất phân cấp cho địa phương
Theo Cục ĐTNĐ Việt Nam, hiện có hơn 300 cảng, bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển và hầu hết do cảng vụ hàng hải, cảng vụ địa phương quản lý.
Còn đại diện Cục Hàng hải VN cho biết, toàn quốc có 29 tuyến vận tải thủy từ bờ ra đảo thuộc 12 tỉnh, thành phố được Bộ GTVT công bố theo Thông tư số 16/2013 và Thông tư số 36/2019 và giao cho cục quản lý.
“Cảng vụ hàng hải chỉ quản lý, cấp phép phương tiện vào, rời cảng, bến thủy thuộc các tuyến từ bờ ra đảo trong danh mục được Bộ GTVT công bố và giao cho Cục Hàng hải VN quản lý. Còn việc cấp phép tại các cảng, bến thủy trong vùng nước cảng biển nhưng không thuộc các tuyến trên do các Cảng vụ ĐTNĐ Trung ương hoặc địa phương thực hiện”, Cục Hàng hải VN cho biết nguyên nhân dẫn đến thực tế trên.
Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), ngoài 29 tuyến trên, thực tế có nhiều tuyến từ bờ ra đảo khác do Cục ĐTNĐ Việt Nam hoặc địa phương quản lý.
Tuy nhiên, vấn đề phát sinh là có sự đan xen quản lý đối với bến thủy hoạt động trong vùng nước cảng biển.
“Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và tránh chồng chéo trong quản lý, Bộ GTVT giao cho cảng vụ hàng hải tổ chức quản lý, cấp phép phương tiện thủy ra, vào bến. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có hai cơ quan hàng hải và thủy nội địa cùng quản lý”, đại diện Vụ Vận tải thông tin.
Bên cạnh đó, thực tế cũng xuất hiện nhu cầu vận tải trên một từ bờ ra đảo khác, song lại chưa có danh mục tuyến được công bố nên chưa thể tổ chức vận tải. Nguyên nhân do phải sửa đổi, bổ sung thông tư và quy trình cần có thời gian.
Nhằm giải quyết vấn đề trên, Vụ Vận tải cho biết, đang xây dựng đề án phân cấp quản lý vận tải, trong đó đề xuất chuyển việc công bố tuyến từ bờ ra đảo cho UBND cấp tỉnh thực hiện, với yêu cầu phương tiện hoạt động trên các tuyến trên tối thiểu là tàu biển cấp hạn chế III.
Đối với việc quản lý bến thủy, Nghị định số 08/2021 của Chính phủ về quản lý hoạt động đường thủy nội địa quy định, từ 1/1/2024, Cảng vụ ĐTNĐ Trung ương sẽ quản lý cảng, bến thủy trong vùng nước cảng biển nối với đường thủy quốc gia, Cảng vụ ĐTNĐ địa phương quản lý vùng nước cảng biển nối với đường thủy địa phương.
Theo ông Phạm Văn Phả, Trưởng Chi hội Quản lý bảo trì đường thủy nội địa phía Bắc, việc tổ chức quản lý vận tải được thực hiện theo nguyên tắc cấp nào công bố tuyến vận tải sẽ tổ chức quản lý.
Do đó, việc phân cấp quản lý cho địa phương giúp giảm bớt đầu mối quản lý nên sẽ tạo thuận lợi hơn cho hoạt động vận tải.
Cần thêm hướng dẫn quản lý
Theo Công ty TNHH MTV Thạnh Thới, việc đề xuất chuyển cho địa phương công bố, quản lý tuyến vận tải từ bờ ra đảo với yêu cầu “phương tiện hoạt động trên tuyến tối thiểu là tàu biển cấp hạn chế III” thể hiện được sự phân cấp, ủy quyền để nâng cao hiệu quả quản lý vận tải trong lĩnh vực hàng hải.
Tuy nhiên, thực tế có những đảo thuộc quần đảo (như An Thới, Hải Tặc, Hòn Nghệ, Bến Tre…) có nhu cầu đi lại từ đất liền ra đảo, nhưng chưa đủ điều kiện đón tiếp tàu biển cấp III, cũng cần có sự hướng dẫn quản lý để tránh xảy ra chồng chéo quản lý giữa hàng hải và đường thủy.