Quá trình tranh tụng tại phiên phúc thẩm đã làm rõ, các tài liệu, chứng cứ trong vụ án này được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Nguyễn Năng Tĩnh, quyết định giữ nguyên tội danh, hình phạt 11 năm tù...
Sáng 20/4, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Nguyễn Năng Tĩnh phạm tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Quang cảnh phiên tòa xét xử phúc thẩm sáng 20/4 đối với đối tượng Nguyễn Năng Tĩnh.
Trước đó, ngày 5/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Năng Tĩnh (sinh ngày 4/10/1976, quê quán xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An; cư trú tại xóm 6, xã Nghi Phú, TP. Vinh; nguyên giáo viên Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An) về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Tại phiên tòa sơ thẩm, áp dụng các Điểm: a, b, c, Khoản 1, Điều 117; Điều 44, Điều 122 Bộ luật Hình sự, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh 11 năm tù; phạt quản chế bị cáo 5 năm kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.
Cho rằng mình bị oan, Nguyễn Năng Tĩnh đã làm đơn kháng cáo bản án phiên sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm sáng 20/4/2020, Hội đồng xét xử đã tiến hành xét hỏi bị cáo, xem xét, đánh giá những tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ án để làm sáng tỏ, đầy đủ các tình tiết về từng sự việc, từng tội của vụ án.
Quá trình tranh tụng tại phiên phúc thẩm đã làm rõ, các tài liệu, chứng cứ trong vụ án này được thu thập một cách khách quan, toàn diện, đúng trình tự quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh.
Hội đồng xét xử phiên phúc thẩm nhận định việc tòa án sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Năng Tĩnh về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật. Bị cáo là người có nhận thức, có hiểu biết, nhưng thể hiện coi thường pháp luật, chống đối Nhà nước, do đó việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với bị cáo là rất cần thiết. Nhằm trừng trị, cải tạo, giáo dục bị cáo cũng như phòng ngừa chung. Cấp sơ thẩm cũng đã đánh giá đúng tính chất đặc biệt nghiêm trọng của vụ án và xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ cho bị cáo.
Hội đồng xét xử phúc thẩm cũng nhận định, bản án của cấp sơ thẩm đã đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng ngừa loại tội phạm này trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, để mọi người được sống trong một xã hội yên bình, chung tay xây dựng đất nước ngày càng phát triển và cũng là lời cảnh báo các phần tử muốn lợi dụng quyền tự do dân chủ để hoạt động chống phá Nhà nước, phủ nhận những thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Nguyễn Năng Tĩnh và các luật sư cũng không có thêm các chứng cứ, tình tiết mới nhằm giảm nhẹ tội danh cho bị cáo.
Vì các lẽ trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo kêu oan của Nguyễn Năng Tĩnh, quyết định giữ nguyên tội danh, hình phạt 11 năm tù, phạt quản chế bị cáo 5 năm.