Không riêng xứ Nghệ mà bất kỳ địa phương nào cũng vậy, cần ủng hộ, khuyến khích việc chỉnh âm chỉnh giọng và học hỏi nhau để cùng hội nhập, còn khi về nhà, về quê cứ 'giở nguyên bài' ra - thú vị quá đi chứ! Tại sao không?
Cách đây không lâu, trên một số tờ báo có nhiều bài viết trao đổi qua lại về việc có nên pha giọng nói xứ Nghệ không? Hầu hết các bài viết nghiêm túc và trách nhiệm đều chứng minh là không nên. Người viết ủng hộ quan điểm này!
Không riêng gì ở Việt Nam - mà ở các nước khác cũng vậy, cùng một ngôn ngữ nhưng mỗi một địa phương lại có âm giọng khác nhau (phương ngữ).
Bảng từ điển tiếng Nghệ khiến các nàng dâu Bắc "khóc ròng".
Điều thú vị là nếu một người nước ngoài nói giọng Sài Gòn thì người nghe biết ngay rằng thầy dạy tiếng Việt cho họ là người Sài Gòn. Tương tự như vậy, có rất nhiều người nước ngoài nói tiếng Việt bằng giọng Hà Nội, giọng Huế, giọng Nghệ An, giọng Quảng Nam… thì người nghe biết ngay rằng họ sống ở các địa phương đó và được các thầy dạy tiếng Việt dạy cho họ tại địa phương đó.
Người viết bài này đã đi khắp các vùng miền trong cả nước. Đặc biệt, từ thuở ấu thơ đã sống và trải nghiệm ở hầu hết các địa phương của Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ nên có những phát hiện thú vị sau đây:
Thứ nhất, thị trấn Kỳ Anh của Hà Tĩnh và thị trấn Thái Hòa của huyện Nghĩa Đàn - Nghệ An nói dễ nghe nhất. Vì sao vậy? Câu trả lời là trong suốt thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ, có nhiều đơn vị bộ đội đóng quân ở hai địa phương này. Việc sửa giọng, chỉnh giọng hoặc pha giọng phù hợp với ngôn ngữ phổ thông, là để cho bộ đội dễ nghe, tiện trong việc giao tiếp hằng ngày. Lâu dần thành quen, có thể nói cư dân 2 huyện Kỳ Anh và Nghĩa Đàn nói dễ nghe hơn các huyện khác trừ Diễn Châu và Quỳnh Lưu - 2 huyện phía Bắc Nghệ An.
Thứ hai, vốn là cái nôi của cư dân Việt cổ - nên xứ Nghệ có một tầng trầm tích ngôn ngữ đặc biệt mà không nơi nào có được. Đó là việc người Nghệ có thể nói bất kỳ một phương ngữ nào khác trên lãnh thổ Việt Nam. Người pha hoặc chỉnh giọng nhanh thì chỉ cần sau vài tháng là có thể nói giống đến 90%. Còn người chậm hơn thì cũng chỉ cần dăm bảy tháng là có thể nói giống phương ngữ của địa phương khác trên 80%. Nói chung là… không cần phải phiên dịch!
Thứ ba, điều ít ai biết là không riêng gì Nghệ Tĩnh - mà suốt một dải từ Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An đều rất có năng khiếu học ngoại ngữ. Kỹ thuật phát âm rất chuẩn - nhất là phát âm tiếng Pháp…
Từ thời phong kiến rồi đến thời thuộc Pháp, ông đồ xứ Nghệ đã đi dạy học khắp nơi trong cả nước. Đi đến đâu các cụ cũng phải chỉnh, sửa và pha giọng sao cho dễ nghe, để dạy học trò thành tài, trong đó có rất nhiều nhà ngôn ngữ học. Một trong những người thành công nhất trong việc chỉnh, sửa, pha giọng Nghệ An với giọng phổ thông là đại thi hào Nguyễn Du.
Gần đây, chúng ta thấy những giáo sư xứ Nghệ nổi tiếng dạy ở các trường đại học trong và ngoài nước như cố PGS Văn Như Cương, GS.TS Lê Hoài An, GS.TS Lê Hoài Phương, cố PGS Lê Bá Hán, PGS Lê Quang Hưng… Những nhà giáo này được rất nhiều thế hệ sinh viên ngưỡng mộ bởi tri thức và trí tuệ, đạo đức của họ. Tuy nhiên, nếu họ vẫn "bê nguyên bản" phương ngữ cha sinh mẹ đẻ và nói rặt tiếng Nghệ, thì làm sao mà truyền tải được tri thức cho học trò?
Ví dụ điển hình cho thấy sự khác biệt ngôn ngữ các vùng miền. (Nguồn: Từ điển tiếng Hà Nội - nghệ An - tiếng Sài Gòn)
Việc giữ gìn bản sắc quê hương là điều rất tốt. Tuy nhiên, thời đại ngày nay là thời đại hội nhập sâu rộng. Ngoài việc hội nhập quốc tế thì việc hội nhập để phổ thông hóa trong cả nước là một việc đương nhiên. Nếu không, sẽ tốn thì giờ giải thích, tốn thì giờ bàn luận và gây ảnh hưởng không cần thiết đến những người xung quanh. Không riêng xứ Nghệ mà bất kỳ địa phương nào cũng vậy.
Cần ủng hộ, khuyến khích việc chỉnh âm chỉnh giọng và học hỏi nhau để cùng hội nhập là tốt nhất. Còn khi về nhà, về quê - cứ "giở nguyên bài" ra. Tại sao không?
(Theo Khampha.vn)
(Theo Khampha.vn)