Những ngày hè học sinh không đến trường, công việc chuyên môn thôi bận rộn, dù không phải tham gia khoá tập huấn nào để triển khai Chương trình GDPT mới theo yêu cầu của nhà trường, nhưng thầy Hoàng Văn Hỷ, giáo viên trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) vẫn vào Hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) để nghiên cứu các modul bồi dưỡng. Ngoài học lại những modul của môn Tự nhiên và Xã hội đang phụ trách, thầy còn tự bồi dưỡng cả modul của những môn học khác như Toán, Công nghệ thông tin, Khoa học, Lịch sử và Địa lý.
Thầy cô cũng tự học online
Thầy Hỷ cho biết, chỉ còn gần 1 tháng nữa, Chương trình GDPT mới sẽ chính thức áp dụng với khối lớp 2 và lớp 6. Trong chương trình mới không chỉ thay đổi nhiều về nội dung giảng dạy, mà còn đặt ra những yêu cầu mới về mặt phương pháp giảng dạy với giáo viên. Để đáp ứng những yêu cầu mới, chính bản thân mỗi giáo viên cũng không khỏi lo lắng. Với mục tiêu, chuyển áp lực thành động lực, thầy Hỷ vẫn ngày đêm tự bồi dưỡng chuyên môn bằng hình thức trực tuyến.
Nam giáo viên cho biết, việc tự bồi dưỡng nhiều môn học khác bởi học liệu trên Hệ thống bồi dưỡng trực tuyến qua các bản word, video, infographic cung cấp nhiều kiến thức thú vị mới, thiết thực, bổ ích với công việc giảng dạy ở trường. Đối với hoạt động tự bồi dưỡng này, thầy Hỷ cho rằng, để đạt hiệu quả thì quan trọng nhất là người giáo viên phải “chịu khó đọc”, nghiên cứu tài liệu nhiều lần để hiểu kỹ, ngấm sâu những nội dung được truyền tải trong đó.
“Bồi dưỡng tập trung, nhiều vấn đề giảng viên có thể giải đáp sâu giúp học viên hiểu rõ, nhưng lại không thể truyền tải hết các nội dung như khi giáo viên tự bồi dưỡng qua mạng theo mô hình bồi dưỡng mới của Bộ GD-ĐT. Càng tự học, tôi càng vỡ vạc ra nhiều điều, thấy nhiều cái hay mà nếu mình không nghiên cứu, tự bồi dưỡng thì không nắm bắt được để sau đó truyền tải cho học sinh”, thầy Hỷ nói.
Thầy Hoàng Văn Hỷ cho rằng, nếu đủ điều kiện để tất cả giáo viên được bồi dưỡng tập trung thì rất tốt. Tuy nhiên, trong điều kiện dịch bệnh, hạn chế tập trung đông người, hơn nữa để tạo điều kiện cho những giáo viên vùng sâu vùng xa ít phải di chuyển, vất vả tốn kém, thì tập huấn giáo viên trực tuyến mang lại nhiều thuận lợi hơn.
Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Thọ, nơi thầy Hỷ đang công tác có hơn 20 giáo viên, trong đó duy nhất Hiệu phó nhà trường là cán bộ quản lý được bồi dưỡng theo diện cốt cán, còn lại đều là đại trà, tự bồi dưỡng qua mạng. Để hoạt động này đạt hiệu quả, các thầy cô trong trường đã nghĩ ra sáng kiến là tổ chức tự bồi dưỡng theo nhóm. Theo đó, các giáo viên sẽ tập trung ở phòng hội đồng để cùng học trực tuyến rồi trao đổi, thảo luận, cùng tháo gỡ cho nhau những nội dung còn vướng mắc. Những vấn đề nào chưa thông suốt, giáo viên có thể vào LMS hoặc gọi điện thoại, trao đổi zalo để nhờ giáo viên cốt cán phụ trách trợ giúp.
“Ngày hè, điện lưới ở Mường Tè hay bị mất. Nhiều lần, chúng tôi đang tự bồi dưỡng sôi nổi tại trường thì bị ngắt quãng, thế là mấy thầy cô phải đôn đáo cho chạy máy nổ để giáo viên có thể vào mạng học online tiếp”, thầy Hỷ kể.
Sau một năm tự bồi dưỡng qua mạng, đặc biệt là việc đổi mới trong sinh hoạt chuyên môn hỗ trợ đắc lực cho tự bồi dưỡng của giáo viên, đến nay các thầy cô của trường tiểu học nơi huyện biên giới Mường Tè đã tự tin triển khai Chương trình GDPT mới. Những e dè, lo lắng dần vơi bớt khi triển khai một chương trình mới.
Bồi dưỡng thông qua sinh hoạt chuyên môn
Tại trường Tiểu học số 2 Thị trấn Tuần Giáo (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) công tác tự bồi dưỡng của 16 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cũng diễn ra sôi nổi trong suốt năm học vừa qua. Các nhóm tự bồi dưỡng theo từng môn học được lập ra để hỗ trợ đắc lực cho nhau. Giờ ra chơi hay đầu giờ chưa lên lớp, các giáo viên trong nhóm lại “chụm đầu” thảo luận, tìm cách gỡ khó những vấn đề đồng nghiệp gặp phải trong quá trình tự bồi dưỡng hoặc vận dụng vào thực tế dạy học.
“Tâm huyết, nhiệt tình, muốn học hỏi” là những điều mà cô Huỳnh Thị Hương, giáo viên của trường cho là quan trọng nhất để hoạt động tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên đạt hiệu quả. Nhưng bên cạnh đó, sự hỗ trợ của đồng nghiệp, đặc biệt là thông qua sinh hoạt chuyên môn, dự giờ lên lớp cũng góp phần đắc lực vào việc tạo chất lượng cho hoạt động này.
“Chúng tôi sinh hoạt chuyên môn thường xuyên, thực hiện theo 4 bước nghiên cứu bài học. Công tác dự giờ, thăm lớp cũng thực hiện đều đặn. Qua đó, những bài học, tiết dạy được phân tích, mổ xẻ kỹ lưỡng, tiết dự giờ được nhận xét, góp ý kỹ càng theo hướng làm thế nào để bài giảng/giờ dạy hay hơn, học sinh hứng thú hơn…”, cô Vũ Thị Xuân Hương - giáo viên của một trường học khác tại huyện vùng cao biên giới Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) nói.
Cô Hương cho biết, các đồng nghiệp khác ở trường Tiểu học Chăn Nưa nơi cô công tác đều hứng thú với cách sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học này. Việc dự giờ, thăm lớp nếu trước đây thầy cô còn ngại ngùng, lo lắng, thì nay tự tin, thoải mái hơn khi sẽ được góp ý để tiết dạy trở nên hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của Chương trình GDPT mới.
Năm nay, thay vì phải vượt gần 100km lên thành phố hoặc vượt đường núi khó đi, hay sạt lở, để lên huyện bồi dưỡng tập trung, cô Hương và đồng nghiệp được ở nhà vì bồi dưỡng đã thực hiện qua mạng. Thời gian rảnh, nữ giáo viên lại vào hệ thống học online để xem lại những nội dung đã học, đặc biệt là video tiết dạy, để hiểu rõ, thấm nhuần các vấn đề trong này./.