Lần đầu tiên thức đêm với ca trực từ 0 – 6 giờ ở chốt, các thầy, cô giáo dù rất mệt nhưng vẫn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để góp phần đẩy lùi dịch Covid-19 càng sớm càng tốt.
Ca trực lúc 0 giờ
Chốt phong tỏa số 9 nằm trên đường Quốc lộ 1A, đoạn giao với Bệnh viện Lao Nghệ An, được xem là một trong những điểm chốt “căng” nhất của thành phố Vinh, bởi nằm trên tuyến đường huyết mạch, lưu lượng người và phương tiện tham gia giao thông lớn. Nhóm trực tại đây có 9 thầy đến từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn TP Vinh.
Là một trong hơn 130 giáo viên (GV), nhân viên ngành Giáo dục tình nguyện tăng cường cho chốt phong tỏa ở các cửa ngõ ra vào thành phố Vinh, thầy Lê An (SN 1988), GV Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) nhớ lại: Cảm xúc lúc đó háo hức, tự hào. Háo hức ở đây không phải là vui mừng, mà là nóng lòng, chờ đợi được góp một phần sức mình phòng chống dịch Covid-19. Ca trực đầu tiên của tôi từ 0 – 6 giờ ngày 24/6. Lần đầu tiên thức đêm ở chốt rất mệt nhưng tôi cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Cũng theo thầy Lê An, trước đây, qua các kênh truyền thông, thấy phần nào sự vất vả của lực lượng công an, quân đội, y tế. Nhưng khi đi vào thực tế cùng tuyến đầu, mới càng thấu hiểu sự nhọc nhằn của lực lượng chức năng. “Chúng tôi được ở trong mái che, nhưng chiến sĩ công an phải đứng ngoài kiểm soát người và phương tiện, dưới cái nắng gay gắt...”, thầy An kể.
Thầy Trần Văn Linh, GV dạy Toán Trường THCS Hà Huy Tập – Trưởng nhóm cho hay: “Chúng tôi hướng dẫn người dân khai báo y tế, đo thân nhiệt và kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19. Qua 2 ngày thực hiện nhiệm vụ, khó khăn nhất là người dân chưa nắm được rõ tinh thần của Chỉ thị 16. Chúng tôi phải phối hợp với đội tình nguyện, công an để phổ biến lại cho người dân. Lúc này, “nghiệp vụ sư phạm” giúp ích, tăng sức thuyết phục, đạt hiệu quả tuyên truyền tốt hơn”.
Tuy nhiên, nhiệm vụ không phải lúc nào cũng suôn sẻ. “Một người đàn ông ở xã Nghi Phú, xin đi qua chốt để đến xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc). Khi không nêu được lý do, lực lượng chức năng vừa giải thích, vừa nghiêm khắc yêu cầu quay về, người này chửi bới, xúc phạm lại công an. Trường hợp khác, một xe tải không biết cố tình hay mất lái mà đâm thẳng vào barie trong vùng phong tỏa. Những trường hợp này, thẩm quyền xử lý là của chiến sĩ công an nhưng cũng khiến những người trực chốt thấy lo lắng”, thầy Linh nhớ lại.
Nhóm giáo dục hỗ trợ lực lượng chức năng hướng dẫn người dân khai báo y tế, kiểm tra giấy xét nghiệm Covid-19.
Mong cuộc sống sớm trở lại bình thường
Gửi con về quê “tránh dịch”, vợ đi làm, thầy Đặng Xuân Quý (GV Trường THCS Lê Mao, TP Vinh) xung phong tăng cường trực tại điểm chốt. “Gia đình lo lắng nhưng vẫn ủng hộ và dặn dò “cẩn thận”. Tôi biết, khi tăng cường tại chốt, mình sẽ tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ nhiễm bệnh cao. Vì thế, trước hết phải thực hiện quy định phòng dịch, giữ an toàn cho bản thân và cho cả gia đình, những người xung quanh”, thầy Quý nói.
Thầy Quý trực tại chốt số 6 khu vực ranh giới giữa xã Hưng Chính (TP Vinh) với thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên) cùng nhóm giáo dục có 8 thầy giáo, luân phiên nhau từ 2 - 3 người/ca, mỗi ca kéo dài 6 tiếng. Các chiến sĩ công an kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện ra vào. Những trường hợp được qua chốt, thầy cô sẽ hướng dẫn khai báo y tế, đo thân nhiệt...
Làm việc giữa trưa nắng, nhưng thầy Quý không cho đó là vất vả, bởi “công việc của chúng tôi chỉ mang tính chất hỗ trợ, không quá nặng nhọc. Vất vả hơn vẫn là lực lượng chức năng. Tôi cũng không biết mình sẽ thực hiện nhiệm vụ đến lúc nào, nhưng anh em xác định khi nào thành phố hết lệnh phong tỏa mới nghỉ”, thầy Quý bày tỏ.
Từ ngày 23/6, Phòng GD&ĐT TP Vinh điều gần 100 giáo viên tăng cường cho lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ tại 13 chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào thành phố. Đồng thời, tiếp tục huy động thêm người để luân phiên, hỗ trợ các xã, phường phòng chống dịch Covid-19. Trước đó, UBND thành phố Vinh quyết định biệt phái 30 nhân viên y tế học đường đến hỗ trợ phòng y tế.
Cô Lê Thị Thanh Hà – nhân viên y tế Trường Tiểu học Hà Huy Tập 2 tham gia trực chốt tại cầu Bến Thủy 1 (bắc qua sông Lam) từ ngày đầu TP Vinh thực hiện giãn cách xã hội. Đây là cửa ngõ nối hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, phương tiện giao thông nhiều. Đặc biệt, người dân sinh sống 2 bên bờ sông Lam có nhu cầu qua lại, làm việc lớn. Lúc đó, chưa có giáo viên tăng cường, nên nhiệm vụ của cô Hà càng vất vả hơn.
“Tôi và một cô của Trường Tiểu học Trường Thi cùng trực nhưng khối lượng công việc vẫn quá tải. Không chỉ đo thân nhiệt, cho người dân ghi tờ khai y tế, chúng tôi còn kiểm tra, phân tích lịch sử dịch tễ để hướng dẫn trường hợp nghi ngờ test nhanh Covid-19 hoặc khuyến cáo hình thức cách ly tại nhà, địa phương phù hợp. Mỗi ngày trực hai ca: Ngày thì nắng nóng, đêm thì căng thẳng. Nhưng so với lực lượng tuyến đầu trong ngành, liên tục mặc đồ bảo hộ thực hiện lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân... vất vả của tôi chưa là gì”, cô Hà chia sẻ.
Chồng đi công tác xa, con trai đang học lớp 12 chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT, cô Hà đành để con ở nhà tự lo liệu. “Thậm chí đi trực về, tôi mệt quá, cháu nấu cơm nhắc mẹ ăn đi rồi hãy ngủ bù. Mẹ làm ngành Y, con cái cũng tự lập từ nhỏ, và quen với việc mẹ đi làm bất kể ngày đêm… Mẹ con cùng cố gắng, chỉ mong dịch bệnh qua đi, cuộc sống trở lại bình thường”, cô Lê Thị Thanh Hà tâm sự.
Những ngày qua, nhóm giáo viên nữ Trường THPT Hà Huy Tập 2 (TP Vinh, Nghệ An) luân phiên đến phụ nấu cơm miễn phí cho tuyến đầu chống dịch. Cô Trần Thị Mận – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Một nhà hàng trên địa bàn nhận nấu cơm miễn phí. GV nhà trường phụ giúp những công việc như: Nhặt rau, cắt rửa thực phẩm, chia cơm và thức ăn vào từng suất. Sau đó, nhóm thanh niên phụ trách ship cơm đến lực lượng chức năng đang làm nhiệm vụ. Tất cả đồng lòng, chung sức đẩy lùi dịch Covid-19.