Trước thềm năm học mới, Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.
Năm học mới chưa từng có trong tiền lệ
P.V: Thưa ông, với tình hình dịch bệnh phức tạp như hiện nay thì năm học 2021 – 2022 của Nghệ An có gì thay đổi so với những năm học trước?
GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Do tình hình dịch Covid – 19 trên cả nước nói chung và Nghệ An nói riêng còn nhiều diễn biến phức tạp nên kế hoạch và khung thời gian năm học 2021 – 2022 có nhiều thay đổi so với kế hoạch ban đầu.
Cụ thể, trước đây theo kế hoạch, học sinh toàn tỉnh Nghệ An sẽ tựu trường vào ngày 1/9, nhưng đến thời điểm này ngành Giáo dục Nghệ An quyết định sẽ không tựu trường. Lễ khai giảng cũng sẽ không được tổ chức như mọi năm mà sẽ chỉ tổ chức ở 1 điểm duy nhất tại Trường THPT chuyên Phan Bội Châu với hình thức đơn giản, ngắn gọn và được truyền hình trực tiếp qua sóng truyền hình tới tất cả giáo viên, học sinh trong toàn tỉnh.
Mặc dù đây là việc chưa có tiền lệ nhưng chúng tôi mong rằng, việc tổ chức khai giảng qua sóng truyền hình sẽ tạo điều kiện cho tất cả học sinh trong toàn tỉnh được dự một lễ khai giảng trang trọng, ý nghĩa tạo niềm vui, động lực để bước vào năm học mới.
Ngay sau lễ khai giảng, toàn tỉnh sẽ tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả các bậc học từ ngày 6/9. Riêng với giáo dục mầm non, tạm thời chưa tổ chức dạy và học. Thời gian tới, khi dịch bệnh đã ổn định, các trường mầm non sẽ tổ chức cho trẻ tựu trường và đồng thời tổ chức ngày hội đến trường cho trẻ.
P.V: Như vậy, trong hoàn cảnh hiện nay, việc tổ chức dạy học trực tiếp là không khả thi và chắc chắn sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khi phải tập trung đông người. Tuy nhiên, việc chuyển sang dạy học trực tuyến cũng đang còn nhiều băn khoăn. Về phía ngành Giáo dục Nghệ An sẽ có chỉ đạo như thế nào để việc tổ chức được hiệu quả?
GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Việc dạy học trực tuyến cho học sinh từ khối lớp 1 đến lớp 12 là phương án tối ưu nhất hiện nay và trước đó Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã tổ chức từ năm học trước. Hiện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã làm việc với các nhà mạng để hoàn thiện hệ thống LMS – Trung tâm Điều hành giáo dục thông minh và điều này sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện cho Giáo dục Nghệ An thực hiện tốt dạy học trực tuyến và đảm bảo chất lượng. Để dạy học trực tuyến thì điều quan trọng là phải có máy chủ với băng thông rộng, đảm bảo được đường truyền ổn định. Tuy nhiên, Nghệ An là tỉnh rộng với số lượng học sinh rất lớn. Vì thế, chúng tôi đã có kế hoạch chia khung giờ học giữa các bậc học để hạn chế nghẽn mạng và đảm bảo đường truyền có chất lượng.
So với dạy học trực tiếp thì việc dạy học trực tuyến chắc chắn sẽ có rất nhiều khó khăn và thực tế chỉ hỗ trợ các thầy, cô giáo và nhà trường trong hoàn cảnh chống dịch với những kiến thức ở phần tinh giản và những phần học sinh tự học có sự hướng dẫn của giáo viên. Những kiến thức đòi hỏi cơ bản, cốt lõi, trọng tâm và tiên quyết để các học sinh có thể học lên lớp trên sẽ triển khai khi dịch lắng xuống và học sinh có thể đến trường dạy học trực tiếp để đảm bảo chất lượng.
Một trong những vấn đề nan giải nhất hiện nay trong dạy học trực tuyến đó là vấn đề phương tiện, thiết bị. Hiện nay, với các huyện miền xuôi qua năm học vừa rồi đã vừa hoàn thiện, vừa bổ sung và hiện đã có khoảng 90% học sinh có thể học trực tuyến. Riêng các huyện miền núi, ước tính có thể có 60% học sinh có thể theo học.
Chúng tôi chỉ đạo các phòng Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường phải nắm bắt tình hình, đặc điểm hoàn cảnh của học sinh và của gia đình các cháu để có phương án hỗ trợ. Riêng với giáo dục miền núi sẽ phối hợp giữa trực tuyến và trực tiếp. Đối với các bản vùng sâu, vùng xa không có dịch, giáo viên phải nhận nhiệm vụ từ tổ trưởng chuyên môn, từ nhà trường và về giao việc cho học sinh. Trong bối cảnh hiện nay, có thể ngành sẽ huy động thêm đội ngũ giáo viên mầm non chưa đến trường để hỗ trợ cho các giáo viên tiểu học, THCS để đi lại giữa các điểm trường chuyển phiếu bài tập cho học sinh.
Với học sinh lớp 1 và lớp 2 do các cháu đang nhỏ tuổi nên việc học trực tuyến sẽ có những bất cập. Trước thực tế này, Sở đã giao Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Vinh và một số huyện, thị khác tổ chức các bài giảng mẫu và tạo thành hệ thống học liệu để học sinh lớp 1 trong toàn tỉnh được tham gia học. Chúng tôi cũng chủ trương triển khai những bài học đơn giản để các em làm quen với việc đi học từ việc cầm bút, cách ngồi, cách phát âm...
Chúng tôi cũng xác định thời điểm này, việc học không thể nóng vội. Khi dịch đã ổn định chúng ta có thể tăng thời gian học ở trường, kể cả học ngày 2 buổi hoặc học thêm vào thứ Bảy, Chủ nhật. Đây sẽ là thời gian vàng để bổ sung những lượng kiến thức còn thiếu hụt. Phụ huynh cũng không cần phải quá lo lắng, vì chúng ta xác định việc dạy và học sẽ làm từng bước, chậm nhưng chắc.
Nỗ lực vì học sinh thân yêu
P.V: Thưa ông, năm học 2021 – 2022 ngành Giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện lộ trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và tiếp tục thực hiện việc thay sách giáo khoa với học sinh lớp 2 và lớp 6. Vậy, bước vào năm học mới, ngành Giáo dục Nghệ An đã có sự chuẩn bị như thế nào?
GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Để thực hiện chương trình đổi mới giáo dục, Nghệ An cũng đã rất bài bản trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên và là tỉnh đi đầu trong cả nước. Tỉnh cũng dành nhiều kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, đặc biệt là cho chương trình lớp 1, lớp 2, lớp 6 và đã chủ động cấp cho các thành, thị để chuẩn bị cho năm học mới. Hiện đa số cơ sở giáo dục tiểu học có đủ phòng học để dạy học 2 buổi/ngày; các trang thiết bị được mua sắm bổ sung, nhất là các thiết bị công nghệ mới để góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.
P.V: Năm học 2021 – 2022 dự báo sẽ là một năm khó khăn của ngành Giáo dục. Trong khi đó, ngành Giáo dục Nghệ An đưa ra phương hướng và cam kết nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo, đặc biệt đối với học sinh thực hiện chương trình giáo dục, đào tạo mới và học sinh các vùng miền núi, dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn. Vậy trong năm học này, ngành sẽ có giải pháp nào để thực hiện mục tiêu đề ra?
GS.TS.NGƯT Thái Văn Thành: Trong năm học tới, chúng tôi đã đưa ra 4 giải pháp đột phá và 7 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, chú trọng đến việc phát triển đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; ưu tiên tập trung nguồn lực, chủ động triển khai nhanh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo; tạo bước đột phá trong đổi mới quản trị nhà trường, xây dựng mô hình đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo, phù hợp với đặc điểm vùng, miền trên địa bàn tỉnh; nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ưu tiên phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn.
Trong đó, sẽ xây dựng cơ chế cam kết đảm bảo chất lượng giáo dục và đào tạo của từng cấp học, bậc học, từng cơ sở theo chuẩn phát triển phẩm chất, năng lực người học.
Để hoạt động giáo dục có hiệu quả và đi vào chiều sâu, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục quy hoạch lại mạng lưới trường lớp, dồn dịch các điểm trường đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ưu tiên xây dựng các trường PTDT bán trú; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và các đối tượng chính sách. Đồng thời, đảm bảo nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và thực hiện hiệu quả mục tiêu giáo dục từng cấp học, bậc học.
Với rất nhiều nhiệm vụ khó khăn và nặng nề và tiếp tục phải thực hiện nhiệm vụ “kép”, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên ở nhà trường, cộng đồng vừa đảm bảo tiến độ và chất lượng giáo dục và nhà trường. Do đó, chúng tôi mong đội ngũ giáo viên tỉnh nhà tiếp tục nỗ lực; hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh hiện nay phải đem hết nhiệt huyết, tận tâm, tận lực, tận tụy, tâm huyết, trách nhiệm tất cả vì học sinh thân yêu và giáo dục học sinh bằng tất cả tình cảm của mình để chúng ta vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học.
P.V: Xin cảm ơn ông!