Quyết định 11 nêu rõ, các đối tượng phải báo cáo là tổ chức tài chính; tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan được quy định tại khoản 1, 2 điều 4 luật Phòng, Chống rửa tiền. Đề cập vấn đề này, các chuyên gia kinh tế cho rằng, quy định là phù hợp theo thông lệ quốc tế nhằm phòng chống rửa tiền. Theo Luật Phòng, Chống rửa tiền 2022, các tổ chức tài chính phải báo cáo là các ngân hàng, dịch vụ trung gian thanh toán (như ví điện tử), công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm nhân thọ. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính cũng thuộc đối tượng phải báo cáo gồm: kinh doanh trò chơi có thưởng; trò chơi trên mạng viễn thông, internet, xổ số, đặt cược. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản trừ hoạt động cho thuê, cho thuê lại bất động sản và dịch vụ tư vấn bất động sản, dịch vụ kế toán, cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, cung cấp dịch vụ thành lập, quản lý, điều hành doanh nghiệp… cũng phải báo cáo những giao dịch có trị giá từ 400 triệu đồng trở lên.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc xây dựng quyết định hướng dẫn chi tiết mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo để góp phần nâng cao hiệu quả phòng chống rửa tiền; phù hợp với các yêu cầu, chuẩn mực quốc tế về phòng chống rửa tiền mà Việt Nam có nghĩa vụ thực hiện. Đồng thời, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm rửa tiền và phòng chống tội phạm.
Theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, quy định về hạn mức giao dịch phải báo cáo không phải là quy định mới. Trước đó, mức giao dịch này đã được quy định theo Quyết định 20/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo là từ 300 triệu đồng trở lên.
Ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng, đến nay tình hình kinh tế - xã hội đất nước đã có nhiều biến đổi, giá trị tiền Việt Nam cũng như giá cả thị trường, số lượng giao dịch cũng tăng rất nhiều lần. Vì vậy, việc quy định nâng hạn mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo lên 400 triệu đồng sẽ tạo thuận lợi và linh hoạt hơn cho các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện giao dịch.
Trao đổi với báo chí, ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu những giao dịch lớn phải báo cáo là phù hợp với nhu cầu phát triển thị trường tài chính bền vững của Việt Nam.
Theo ông, chống khủng bố, tham nhũng, rửa tiền là công cuộc mà tất cả các quốc gia đều quan tâm. Việc yêu cầu báo cáo với những giao dịch có giá trị lớn sẽ giúp cơ quan Nhà nước dễ kiểm soát những giao dịch có dấu hiệu đột biến, bất thường và khiến những hành vi phạm pháp sớm bị ngăn chặn ngay trước khi diễn ra.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quy định này nhằm theo dõi cụ thể từng giao dịch có đáng ngờ hay không và khi có những giao dịch đáng ngờ được phát hiện, lúc này cơ quan chức năng có thể lọc ra được thông tin từ dữ liệu.
Ông Phạm Tiên Phong, Cục trưởng Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi, giám sát việc triển khai, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các biện pháp ngăn ngừa hành vi rửa tiền và các tội phạm có liên quan, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, cơ quan điều tra trao đổi thông tin, kịp thời xử lý nhiều vụ việc.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước nhận thấy một số rủi ro rửa tiền qua hệ thống tổ chức tín dụng phổ biến hiện nay gồm: tổ chức đánh bạc, đánh bạc dưới các hình thức cá độ thể thao, lô đề online; game bài đổi thưởng; trốn thuế, gian lận thuế; tài khoản giả mạo, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Thời gian tới, để tăng cường năng lực phòng, chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố, Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống rửa tiền, bao gồm quy định của pháp luật hình sự, pháp luật hành chính và pháp luật chuyên ngành. Đặc biệt, đẩy mạnh xử lý giao dịch đáng ngờ, kịp thời phối hợp với các cơ quan liên quan để cung cấp, chuyển giao thông tin, góp phần ngăn chặn hiệu quả hành vi phạm tội./.