Trong khi hàng trăm cửa hàng "0 đồng" mở ra để hỗ trợ người dân lúc khó khăn, vẫn có những doanh nghiệp tăng giá các mặt hàng để kiếm lời.

Nơi tôi ở là một chung cư bình dân, đồng nghĩa người dân không phải là “đại gia”. Thế nhưng, Những ngày sống trong khu vực chung cư bị phong toả, tôi mới hiểu hết được tấm lòng của người dân thật sự hào hiệp đến mức nào.

Gian hàng "0 đồng" và gian hàng đội giá
Những mạnh thường quân trong khu cách ly hỗ trợ hàng rau, củ đề người dân có thêm thực phẩm sử dụng hàng ngày.

Nghe tin chung cư phong toả, lúc đầu ai cũng cũng hoang mang, bởi cách đó mấy ngày, việc mua hàng hoá thực phẩm đã bắt đầu khó khăn, giá tăng mỗi ngày. Người dân bắt đầu đặt mua hàng tích trữ, nhưng dự trữ nhiều cũng chỉ ăn được vài ngày.

Lo nhất là đội ngũ bảo vệ, vệ sinh, kỹ thuật… gần 20 người phải cắm chốt, không về được. Rồi những gia đình làm nghề xe ôm, bán vé số, công nhân, nghề tự do… mất việc không có thu nhập. Giá cả thực phẩm tăng hàng ngày, liệu họ có thể trụ được bao nhiêu ngày?

Thế rồi, chỉ 2 ngày sau, gian hàng “0 đồng” được mở ra. Lúc đầu chỉ là những thùng mì tôm, một vài thực phẩm cấp thiết. Sau đó nào là trứng gà, thanh long, bắp cải, củ quả…không thiếu thứ gì. Tất cả đều do những cư dân trong chung cư hảo tâm liên hệ từ các tỉnh chở về. Có những chuyến hàng về lúc nửa đêm, rạng sáng, mỗi người một tay bốc hàng.

Trong hai sáng 17, 18/7, xe chở hơn 5 tấn rau củ, quả từ Đà Lạt về tiếp tế cho cư dân. Trong một thời gian ngắn, biết cư dân không tiêu thụ hết, Ban quản trị, Ban quản lý chung cư liên hệ với chính quyền địa phương để hỗ trợ cho những khu vực khác cũng đang bị cách ly.

Có mạnh thường quân hỗ trợ thực phẩm hàng ngày để tổ chức bếp ăn cho những cư dân khó khăn. Những cư dân ở nhà không đi làm được đến tham gia mỗi người một tay nhặt rau, vo gạo, nấu cơm. Hôm thì cơm cá kho thơm, bữa gà kho sả, vị kho gừng, canh… ngon không thua gì cơm ở tiệm.

Tấm lòng thiện nguyện, hào hiệp của người dân đùm bọc nhau lúc khó khăn biết nói sao cho hết.

Nói về tấm lòng của cư dân để thấy rằng, việc một số doanh nghiệp như Bách Hoá Xanh… bán hàng thực phẩm, rau, củ quá với giá tăng gấp nhiều lần khiến ai cũng phải chua xót. Ngay trước chung cư tôi ở cũng có một cửa hàng Bách Hoá Xanh, người dân liên hệ để nhờ nhân viên bán hàng đưa hàng.

Thế nhưng, khi xem hoá đơn thì mới thấy rằng các loại củ, quả đều tăng cao so với ngày thường. Thậm chí có cư dân còn kỹ tính đem cân lại thì hàng còn thiếu cân.

Khi người dân phản ánh, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra. Nhưng kiểm tra rồi nói rằng nhân viên bán hàng "đúng với giá niêm yết".

Trong khi đó, trả lời báo chí, ông Trần Kinh Doanh, Tổng Giám đốc Bách Hoá Xanh thừa nhận giá bán rau thời điểm này có cao hơn trước dịch.

“Giá bán rau tại BHX thời điểm này có cao hơn so với trước dịch hay không, chúng tôi thừa nhận là có. Tuy nhiên chúng tôi cam kết nếu bó rau giá 20.000 đồng thì khách hàng sẽ có bó rau đúng giá trị 20.000 đồng đã bỏ ra để mua. Nếu bán cà chua với giá 30.000 đồng thì khách hàng cũng có cà chua chất lượng tương đương mức giá 30.000 đồng để mua. Chúng tôi không tăng giá đâu, nhưng mà khách hàng đi ra thì không có cái gì để mua hết”, ông Doanh nói.

Nói như vậy thì rau ở gian hàng “0 đồng” thì chất lượng bằng không?

Những ngày bình thường, Bách Hoá Xanh bán rau, củ không hết, trưng bày ra bên ngoài bán giá giảm đến 50%? Vậy chất lượng của những hàng hoá này thế nào?

Không thể cho sánh chuyện thiện nguyện với chuyện kinh doanh. Bởi kinh doanh phải có lợi nhuận. Trong điều kiện hiện nay, việc vận chuyển hàng hoá về TP.HCM có khó khăn. Nhưng cũng với khó khăn đó, hàng ngàn tấn hàng rau, củ vẫn được chuyển về TP.HCM. Hàng trăm gian hàng “0 đồng” vẫn được mở ra khắp nơi.

Vì vậy, trong lúc dịch bệnh phức tạp như thế này, việc tăng giá những hàng thiết yếu khiến khách hàng không chịu được, phải phản ánh thì bản thân doanh nghiệp cần nghiêm túc xem lại.

Làm kinh doanh ai cũng thuộc lòng câu châm ngôn “khách hàng là thượng đế”. Kinh doanh làm sao đừng để đến lúc “thượng đế” quay lưng. Lúc đó sự sống còn của doanh nghiệp khó mà cứu vãn được.