Đại biểu Phan Minh Lý bày tỏ băn khoăn về đội ngũ giáo viên chưa chuẩn bị kỹ về kỹ năng nghiệp vụ để đáp ứng về cả số lượng và chuyên môn để phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Bất cập ở các trường trong việc lựa chọn các bộ Sách giáo khoa khác nhau, đặc biệt ở các địa phương vùng miền núi, dẫn đến thực trạng không đảm bảo được sự công bằng trong giáo dục, khoảng cách giáo dục giữa miền núi và miền xuôi ngày càng lớn.
Bày tỏ lo ngại về những hạn chế, bất cập trong việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, đại biểu Lý đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT làm rõ hơn các giải pháp để đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển toàn diện cả về kỹ năng lẫn phẩm chất cho các em học sinh.
Trả lời làm rõ các nội dung của đại biểu Phan Minh Lý, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Văn Thành cho biết, ngành Giáo dục và Đào tạo đã quan tâm và có giải pháp thực hiện về các nội dung đại biểu quan tâm. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT, hiện các trường Sư phạm đào tạo giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu của các môn học mới như Lịch sử, Khoa học tự nhiên, Âm nhạc, Mỹ thuật, Kinh tế pháp luật... theo Chương trình giáo dục phổ thông.
- Năm 2024, Nghệ An giảm 1.100 người trong các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện
- 2 đại biểu Công đoàn Nghệ An trúng cử Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khóa XIII
- Phố nào đẹp nhất Vinh (Nghệ An): Nên chọn và làm như nào để Vinh có một đường phố thật đặc trưng, tạo điểm nhấn và có tính đại diện cho thành phố?
Về việc chuẩn bị cho đội ngũ giáo viên để đáp ứng với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trong 63 tỉnh, thành của cả nước thì Nghệ An làm rất tốt nội dung này và được Bộ GD&ĐT đánh giá rất cao và yêu cầu xây dựng thành mô hình để các tỉnh, thành học tập. Đó là ngoài việc bồi dưỡng trực tuyến trên hệ thống LMS thì Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp ngân sách để bồi dưỡng trực tiếp cho đội ngũ giáo viên trực tiếp đứng lớp và phối hợp với các trường Sư phạm để triển khai thực hiện. “Có thể nói đội ngũ giáo viên của Nghệ An rất chắc tay khi triển khai Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018” - Giám đốc Sở GD&ĐT nhấn mạnh.
Về biên chế giáo viên, theo Giám đốc Sở GD&ĐT thì tỷ lệ giáo viên/lớp vẫn giữ nguyên. Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập và Thông tư số 20/2023/TT-BGDDT hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập. Theo đó, quy định mới về số lượng trẻ/lớp, trong đó, đối với mầm non, 3 tháng tuổi cho đến 12 tháng tuổi là 15 trẻ/lớp; 2 tuổi là 20 trẻ/lớp; 3 tuổi là 25 trẻ/lớp; 4 tuổi là 30 trẻ/lớp và 5 tuổi là 35 trẻ/lớp (trước đây quy định 25, giờ lên 35). Vì vậy, tỷ lệ giáo viên/lớp không thay đổi nhưng số lượng học sinh/lớp tăng nên cần cân đối biên chế giáo viên nếu không sẽ dẫn đến tình trạng dôi dư giáo viên trong thời gian tới.
Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, việc dồn, dịch điểm trường lẻ về điểm trường chính là rất cần thiết và là chủ trương đúng nhằm đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục bình đẳng giữa các vùng, miền. Tại các vùng dân tộc thiểu số miền núi phải dồn, dịch điểm trường đồng thời phát triển các trường bán trú để các cháu có môi trường đầu tư rèn luyện, học tập nhưng khi sáp nhập thì một số huyện miền núi mong muốn được giữ các điểm trường lẻ lại. Tuy nhiên, trong năm 2024, ngành GD&ĐT kiên quyết triển khai thực hiện nội dung này.
Để đảm bảo cơ hội tiếp cận bình đẳng trong giáo dục, ngành GD&ĐT cũng đã tham mưu UBND tỉnh cho phép xây dựng thí điểm các trường nội trú, bán trú kiểu mới ở huyện miền núi, đồng thời đề nghị các Sở, ngành quan tâm ủng hộ ngành để đảm bảo đúng tiến độ và đây chính là đảm bảo công bằng, phát triển bền vững giáo dục miền núi Nghệ An và thực hiện tốt Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Về vấn đề Sách giáo khoa, quan điểm của Đảng và Nhà nước và Nghị quyết số 88/2014/QH13, Nghị quyết số 122/2020/QH14 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã quy định một chương trình nhiều bộ Sách giáo khoa và chúng ta xã hội hóa Sách giáo khoa không phải là pháp lệnh mà Chương trình, mà Sách giáo khoa chỉ là một học liệu tham khảo nên các địa phương có thể chọn hai, ba bộ Sách giáo khoa, các trường có thể chọn các bộ sách khác nhau, đó là chủ trương của Đảng và Nhà nước, của Bộ GD&ĐT.
Về phía ngành GD&ĐT Nghệ An, khi thực hiện trong lộ trình năm học 2024 – 2025, sau khi hoàn thành xong toàn bộ bậc học lớp 9, lớp 12, ngành sẽ chỉ đạo các trường khi đã chọn bộ sách nào thì giữ nguyên bộ sách đó, chứ không chọn Sách giáo khoa theo chu trình, tránh tình trạng “anh một bộ sách này, em một bộ sách khác”. Ngành sẽ tham mưu UBND tỉnh chọn một bộ sách đảm bảo công bằng cho các cháu và nhiều thế hệ học sinh học bộ sách đó.