e-1688779361.PNG
Ông Nguyễn Mạnh Cường - giám đốc Sở Du lịch Nghệ An - trả lời chất vấn về việc phục hồi du lịch sau dịch COVID-19 - Ảnh: N.THẮNG

Tại phiên thảo luận hội trường kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII trong hai ngày 6 và 7-7, trao đổi với các đại biểu về những băn khoăn đối với du lịch, ông Nguyễn Mạnh Cường - giám đốc Sở Du lịch Nghệ An - cho rằng du lịch Nghệ An những năm gần đây có những bước tiến vượt bậc nhưng "chưa xứng với tiềm năng".

Du lịch Nghệ An chưa xứng với tiềm năng

Năm 2019, Nghệ An đón gần 7 triệu khách du lịch; trong đó có 4,6 triệu khách lưu trú, đây được xem là "năm đỉnh cao" của du lịch Nghệ An. Năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên lượng khách giảm đáng kể. 

Đến năm 2022 thì lượng khách của du lịch Nghệ An cũng tương đương năm 2019.

Lượng khách 6 tháng đầu năm 2023 đạt gần 5 triệu lượt khách, trong đó hơn 3 triệu khách lưu trú, bằng 125% so với cùng kỳ. Doanh thu tổng thu là 11.491 tỉ đồng, trong đó doanh thu du lịch ước đạt hơn 4.000 tỉ đồng.

Theo ông Cường, lượng khách du lịch đến với Nghệ An đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt so với điều kiện tài nguyên du lịch, sản phẩm du lịch hiện tại của tỉnh còn rất hạn chế.

"Nếu các đại biểu gần đây đi Thanh Hóa hoặc Hà Tĩnh mới thấy được sự thay đổi chóng mặt về ngành du lịch các tỉnh bạn. Xác định ngành du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn nhưng sự đầu tư vào của chúng ta chưa được nhiều. 

Gần 10 năm nay, Nghệ An không có nhà đầu tư nào về du lịch đầu tư một cách chuyên nghiệp", ông Cường nói.

Ông Cường nêu thực tế, trước đây hằng năm sở còn được phân bổ một số kinh phí để thu hút đầu tư, làm công tác tuyên truyền quảng bá. 

Tuy nhiên những năm gần đây khi thành lập Trung tâm Xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch thì sở đã bị cắt nguồn này.

Khách e dè về Cửa Lò vì sợ đo nồng độ cồn?

mm-1688779405.PNG
Du khách tắm biển Cửa Lò trong ngày nắng nóng - Ảnh: DOÃN HÒA

Bà Hoàng Thị Hồng Hạnh - tổ đại biểu huyện Đô Lương - băn khoăn biển Cửa Lò có tiềm năng là bãi biển sạch, đẹp so với bãi biển các địa phương lân cận nhưng vì sao 6 tháng đầu năm, việc thu hút khách du lịch biển Cửa Lò chỉ bằng hai ngày lễ 30-4 và 1-5 của biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa?

Trả lời vấn đề này, ông Cường cho rằng hạ tầng du lịch không chỉ một mình giao thông. Ví dụ như mùa hè này điện cắt liên tục, luân phiên thì có ảnh hưởng tới du lịch hay không khi thời tiết Nghệ An rất nóng, vậy khách có đến hay không?

Thứ hai là khi xuống Cửa Lò tiếp khách mà không ai dám uống rượu bia cả, trong khi tỉnh đã chỉ đạo kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn. 

Thứ ba là sản phẩm du lịch, bao gồm như cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ cho khách du lịch và những dịch vụ khác, như dịch vụ tắm thì Nghệ An còn hạn chế.

"Cơ sở lưu trú của ta chỉ bằng một nửa so với Thanh Hóa. Không thể so sánh với Thanh Hóa được vì tỉnh bạn đã đi trước (phát triển) Nghệ An cả 10 năm rồi. Nếu chúng ta cứ đi như thế này thì chúng ta sẽ thua Thanh Hóa 10 năm nữa", ông Cường nói.

Bà Lục Thị Liên - tổ đại biểu huyện Con Cuông - cho rằng ngành du lịch không thể đổ lỗi cho việc vi phạm nồng độ cồn sẽ giảm khách du lịch được. Vấn đề ở đây là phải có giải pháp cụ thể, đồng bộ nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch, cơ sở hạ tầng khi Cửa Lò vừa giải tỏa hơn 200 ki ốt dọc bãi biển.

Năm 2023, ngành du lịch tỉnh Nghệ An đặt ra mục tiêu phấn đấu đón và phục vụ hơn 7,9 triệu lượt khách du lịch, tăng 18% so với năm 2022. Doanh thu du lịch dịch vụ đạt 7.470 tỉ đồng, tăng 33% so với năm 2022.

Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2023, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển các ngành và lĩnh vực khác. Đóng góp vào GRDP của tỉnh từ 9 - 10%.

Theo Doãn Hòa - tuoitre.vn