Sau nhiều năm nếm trải cảnh làm công ăn lương “được đồng nào xào đồng ấy” ở nhiều doanh nghiệp, anh Hồ Sỹ Trường (41 tuổi, ở thôn Thượng Phú, xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh) quyết định trở về quê hương khởi nghiệp từ “hai bàn tay trắng”, thành lập Hợp tác xã chăn nuôi, nay đã cho doanh thu hơn 15 tỉ đồng/năm.
Dám nghĩ dám làm
Tìm đến mô hình chăn nuôi của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Phú (xã Hồng Lộc), tôi không ngờ về vị Giám đốc là anh Hồ Sỹ Trường trong dáng hình nhỏ thó, gầy đen, mắt dị tật, bận bộ đồ lao động đang mướt mồ hôi làm việc chẳng khác nào những xã viên nơi đây.
Anh Trường kể, bản thân sinh ra bị dị tật về mắt là một thiệt thòi so với bạn bè, năm lên 11 tuổi anh mới vào học lớp 1. Thế nhưng, bù lại dù khiếm khuyết về mắt nhưng anh sáng dạ, học hành rất khá.
Ngoài nuôi lợn, HTX Thượng Phú còn nuôi hàng chục con bò. Ảnh: TT.
Học hết 12, anh Trường đi học hệ trung cấp ở Trường Cao đẳng Kĩ thuật công nghiệp ở TP. HCM rồi ra trường đi làm nhưng xin việc khó khăn vì khuyết tật ở mắt. Sau đó, anh về đi học Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức ở Hà Tĩnh với ngành điện công nghiệp. Tốt nghiệp, nhận bằng, anh đi làm ở Nhiệt điện Vũng Áng rồi vào miền Nam.
“Cảnh đi làm nhân viên, lương chẳng ăn thua mà xa nhà, xã quê cũng chán. Trong khi ở quê với chính sách khuyến nông, nhà nước tạo điều kiện cho thuê đất, vay vốn làm ăn, phát triển chăn nuôi rất có triển vọng làm giàu nên tôi quyết định nghỉ việc về quê lập nghiệp” – Anh Trường chia sẻ.
Từ “hai bàn tay trắng”, anh Trường lấy sổ đỏ nhà đất của mẹ mang đi thế chấp vay vốn, sau đó thành lập Hợp tác xã Thanh niên Thượng Phú, vận động anh em, bạn bè tham gia cổ phần rồi thuê đất làm trang trại chăn nuôi. Để có tiền làm trang trại, anh đã đến nhiều đại lý bán vật liệu xây dựng trên địa bàn mua nợ với giá cao hơn giá thị trường nên được nhiều đại lý bán nợ.
Anh Trường bên vườn sắn trồng để bổ sung làm thức ăn chăn nuôi giảm bớt chi phí đầu vào. Là Giám đốc tiền tỷ nhưng anh lúc nào cũng giản dị, chân quê với đôi dép tổ ong gắn bó với ruộng vườn, ao chuồng. Ảnh: TT.
Xây dựng được chuồng thứ nhất, tiến hành nuôi 600 con lợn, đồng thời anh Trường lại dùng tài sản là chuồng số 1 đó để thế chấp vay tiền xây dựng chuồng thứ 2. Cứ như vậy, đến nay anh sắp xây dựng chuồng thứ 3. Quá trình đó, anh Trường cũng dành ra ít tiền mua đất của dân mở rộng quy mô trang trại. Đến nay, trang trại của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Phú đã có diện tích 10 ha.
Tiếp tục nâng quy mô chăn nuôi
Theo anh Trường, với quy mô nuôi hiện nay của Hợp tác xã Thanh niên Thượng Phú là 1.200 con lợn, mà nuôi 2 lứa/năm nên năm 2019 vừa qua, anh xuất chuồng được 250 - 260 tấn lợn, giá lợn hơi cao nên đã cho doanh thu hơn 15 tỉ đồng, lợi nhuận hơn 1,5 tỉ đồng. Hiện trong chuồng đang nuôi 1.200 con lợn, chỉ vài tuần nữa là có thể xuất chuồng.
Ngoài nuôi lợn, trang trại còn nuôi 30 con bò, khoảng 1000 con gà. Để đỡ chi phí đầu vào, anh Trường còn cho trồng cỏ voi, sắn để làm thức ăn cho vật nuôi. “Tới đây, sau khi xây dựng chuồng thứ 3, chúng tôi sẽ nâng quy mô đàn lợn lên 1.800 con, đồng thời cũng nhập thêm bò về nâng số lượng đàn lên. Khi đó doanh thu sẽ tăng thêm, dự kiến ở mức 23 – 25 tỉ đồng/năm” – Anh Trường chia sẻ.
Với những nỗ lực không ngừng, mô hình chăn nuôi của Hợp tác xã Thanh niên Thượng phú đang ngày càng chứng minh được tính hiệu quả, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 7 xã viên. Đây cũng là mô hình chăn nuôi lớn nhất ở xã Hồng Lộc và là một trong ít mô hình chăn nuôi lớn ở huyện Lộc Hà.
Cá nhân anh Trường và tập thể Hợp tác xã Thanh niên Thượng Phú đã nhận được nhiều bằng khen. Ảnh: TT.
Liên tục trong nhiều năm qua, cá nhân anh Trường và tập thể Hợp tác xã Thanh niên Thượng Phú đã nhận được nhiều bằng khen, chứng nhận của chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp, gồm UBND xã Hồng Lộc, UBND huyện Lộc Hà, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh.