Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) vừa thực hiện nghiên cứu 2 giải pháp hỗ trợ cho các cán bộ y tế tuyến đầu chống dịch COVID-19. Trong đó, giải pháp làm mát phía trong bộ đồ bảo hộ nhằm bảo đảm sức khỏe cho người sử dụng đã được ứng dụng ngay tại Bắc Giang. Thời tiết nắng nóng cùng tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp khiến lực lượng nhân viên y tế làm việc trên tuyến đầu phòng dịch vô cùng vất vả. Thường xuyên phải mặc đồ bảo hộ trong một thời gian dài giữa thời tiết nắng nóng gay gắt khiến họ mệt mỏi, kiệt sức. Bên cạnh đó, trang thiết bị bảo hộ che kín toàn thân cũng gây nhiều bất tiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân viên y tế cũng như chất lượng công việc.
Trước thực trạng đó, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đã bắt tay vào nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ cho các cán bộ y tế tuyến đầu. TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường cho biết, hiện Viện đang nghiên cứu 2 giải pháp để chống nóng cho nhân viên y tế chống dịch là giải pháp làm mát thiết kế bên trong bộ đồ bảo hộ và kiot di động để đứng lấy mẫu xét nghiệm.
Về giải pháp chống nóng cho nhân viên y tế khi mặc bộ đồ bảo hộ chống dịch, TS Doãn Ngọc Hải cho biết, trang phục bảo hộ được thiết kế 2 quạt hút gió và lọc không khí đẩy vào phía trong để làm mát. Ngay trong ngày 1/6, giải pháp làm mát trong bộ đồ bảo hộ đã được Bộ Y tế đưa vào ứng dụng ngay tại điểm nóng dịch Bắc Giang.
Đây được đánh giá là giải pháp nhanh chóng, dễ ứng dụng và phù hợp trong thời điểm này. "Để có giải pháp này, các chuyên gia đã nghiên cứu các loại quạt và chọn ra mẫu phù hợp, sử dụng 2 quạt gắn vào phía trong bộ đồ bảo hộ đủ để làm mát toàn bộ cơ thể cho người mặc. Quạt được hỗ trợ bởi cục pin có thể chạy được ít nhất 4-10 tiếng trong cả ca làm việc, giúp các nhân viên y tế bớt được cảm giác nóng, bức bí. Thậm chí loại quạt này có thể tăng giảm tốc độ gió phù hợp với thời tiết"- ông Hải cho biết.
Cũng theo TS. Doãn Ngọc Hải, việc mặc trang phục bảo hộ là bắt buộc để người tham gia chống dịch tránh bị lây nhiễm khi tiếp xúc với các trường hợp nguy cơ. Với tiêu chí tránh lây nhiễm, trang phục bảo hộ thường được may kín, liền thân, với chất liệu chống thấm nước. Điều này làm tăng nhiệt độ bên trong khi mặc, khiến cơ thể bị ra mồ hôi nhiều, ngột ngạt, khó thở; cùng với khẩu trang, mũ, kính kín mít... ảnh hưởng đến sức khoẻ của nhân viên y tế.
Với những đặc điểm đó, Viện đã tập trung vào thiết kế để giảm bớt bức bí khi mặc bằng cách tạo ra luồng khí đối lưu, cùng với hệ thống quạt sẽ giảm bớt cảm giác nóng.
Ông Hải cũng chia sẻ, khâu lâu nhất là nhóm nghiên cứu phải thử các loại quạt, pin để tìm ra loại phù hợp với trang phục áo bảo hộ. "Việc này phải đảm bảo yêu cầu như quạt dễ dàng treo được vào trong áo, tạo đủ gió, đủ làm mát, không bị quấn áo vào cánh quạt, trọng lượng đủ nhẹ, loại pin sử dụng ít nhất phải đáp ứng đủ ca làm việc"- TS Hải nói.
TS. Doãn Ngọc Hải cũng cho biết, ngoài giải pháp làm mát cho bộ quần áo bảo hộ, Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường cũng đang thiết kế mẫu kiot di động để phục vụ việc lấy mẫu xét nghiệm.
Thiết bị này giúp nhân viên nhân viên y tế có thể đứng bên trong kiot lấy mẫu, vừa được làm mát, không phải mặc bảo hộ và đảm bảo giữ được khoảng cách. Nguyên tắc của sản phẩm này là có thể di động để đặt ở bất kỳ chỗ nào, di chuyển đến nhiều nơi phù hợp với việc đi lấy mẫu ở bên ngoài.
Ông Hải cho biết, nhóm nghiên cứu thiết kế kiot lấy mẫu theo hình dạng có bánh xe để dễ dàng di chuyển và làm bằng hình thức lắp ráp để thuận tiện trong việc tháo lắp dễ dàng, với thời gian chỉ mất khoảng 30 phút. "Với giải pháp này, chúng tôi cũng hướng đến sử dụng các chất liệu nhẹ để dễ dàng di chuyển và sử dụng. Dự kiến khoảng 2 ngày nữa, chúng tôi có thể làm xong thiết kế này để nhanh chóng đưa vào ứng dụng"- TS. Doãn Ngọc Hải cho biết.
Được biết, tại Hàn Quốc, ngay từ giai đoạn đầu của dịch bệnh nước này đã đưa vào sử dụng trên toàn quốc buồng xét nghiệm virus SARS-CoV-2 theo kiểu buồng điện thoại di động có tên SAFETY. Những người có nhu cầu xét nghiệm sẽ được các bác sĩ tư vấn nhanh chóng và việc lấy mẫu hoàn toàn được tiến hành từ bên trong thông qua một găng tay cao su có thiết kế đặc biệt được gắn trên kính để tránh tối đa việc tiếp xúc trực tiếp giữa người bệnh và nhân viên y tế. Cả quá trình chỉ mất khoảng 7 phút và sau mỗi lượt đều được tẩy trùng và thông gió.
Ý tưởng đơn giản này được đánh giá vô cùng hiệu quả, với chi phí rẻ hơn một nửa so với các lều xét nghiệm trước đó và tính di động cao hơn. Vì việc lấy mẫu hoàn toàn từ bên trong và không tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, nên các nhân viên y tế cũng không cần mặc trang phục bảo hộ dày, nặng và phải bỏ đi sau mỗi lần sử dụng. Một điểm độc đáo khác của buồng xét nghiệm là hệ thống điều hòa đặc biệt giúp nó có thể nhanh chóng biến thành buồng cách ly cho những bệnh nhân có triệu chứng mắc bệnh.
Những buồng xét nghiệm di động như thế này đã giúp giảm đáng kể thời gian chờ đợi và tránh nguy cơ lây nhiễm cho các nhân viên y tế. Ý tưởng đã được cấp bằng sáng chế tại Hàn Quốc và hiện được ứng dụng tại nhiều nơi trên thế giới.
Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, Bộ Y tế đã đề nghị với Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nghiên cứu để có thể có bộ thổi khí từ bên ngoài vào trong bộ đồ bảo hộ, để giúp làm giảm nhiệt bên trong trang phục. Trong ngày 1/6, nhóm nghiên cứu đã triển khai một số thử nghiệm, sau đó sẽ triển khai rộng rãi trong công tác lấy mẫu, đặc biệt đảm bảo cho các nhân viên y tế tại các khu vực thu dung điều trị và bộ phận hồi sức./.