Thời gian vừa qua có hàng loạt vụ án xâm hại tính mạng, sức khỏe người khác vì tình, có thể kể đến vụ chồng sát hại vợ do níu kéo tình cảm không thành ở Quảng Ninh hay chồng dùng dao chặt lìa hai tay vợ ở Đồng Nai; vụ án người đàn ông đâm 14 nhát dao vào một phụ nữ ở phố Hàng Bài, Hà Nội; chặn đường đâm chết thanh niên trên phố Láng Hạ, Hà Nội, hay chở xác người tình trên xe ô tô đến cơ quan Công an đầu thú.

Đây là một tình trạng rất đáng báo động về văn hóa ứng xử, cách cư xử, tình cảm vợ chồng, các đôi đang yêu... Thay vì việc lựa chọn giải quyết mâu thuẫn trên cơ sở tình cảm gia đình, sự khuyên răn, đối thoại..., các đối tượng lại lựa chọn giải pháp rất tiêu cực là sát hại, xâm phạm sức khỏe người khác.

giai-ma-hang-loat-vu-giet-nguoi-vi-cuong-tinh-1665796479.jpg
Hiện trường vụ  người đàn ông đâm 14 nhát dao vào người tình ở phố Hàng Bài, Hà Nội.

Số lượng các vụ án gia tăng, tính chất, mức độ hành vi ngày càng phức tạp, nguy hiểm đặt ra rất nhiều vấn đề từ góc độ xã hội học và công tác hòa giải cộng đồng, các yếu tố can thiệp xã hội để giảm bớt tình trạng vi phạm pháp luật.

Nguyên do tại sao tình trạng giết người vì tình lại tăng đột biến? Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho hay, thứ nhất: Xét dưới góc độ xã hội rõ ràng một trong những nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đạo đức xã hội xuống cấp, văn hóa, lối sống con người không coi trọng giá trị tình cảm, đạo đức.

Thậm chí, có nhiều bạn trẻ chạy theo lối sống buông thả, thích thụ hưởng, chấp nhận cuộc sống là người thứ ba, chỉ mong được trợ cấp, chiều chuộng, mua sắm mọi thứ mà không cần quan tâm đến hạnh phúc gia đình người khác, không quan tâm đến bất cứ hậu quả nào. Xu hướng ngoại tình gia tăng, không chỉ ở giới trẻ mà có cả người trung niên, những người có điều kiện về kinh tế. Chính vì thế, sự gắn kết trong các thành viên trong gia đình giảm, các thành viên sống ích kỷ và sẵn sàng dùng mọi cách, mọi thủ đoạn để bảo vệ sự cái tôi của mình.

giai-ma-hang-loat-vu-giet-nguoi-vi-cuong-tinh-hinh-2-1665796520.jpg
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối (Đoàn luật sư TP Hà Nội) 

Thứ hai: Về yếu tố tâm lý tội phạm, khi phim ảnh, thông tin, hình ảnh bạo lực phổ biến, tiêm nhiễm vào tiềm thức của mọi người. Đối với những người dễ bị mất kiểm soát, hay nổi nóng, ích kỉ, cái tôi lớn thì xu hướng sử dụng vũ lực để giải quyết vấn đề sẽ bị tiêm nhiễm, ảnh hưởng bới các yếu tố, hình ảnh bạo lực. Đáng lẽ, trong hoàn cảnh này họ cần được quan tâm, chia sẻ, động viên tinh thần, giúp họ có những lời khuyên để bớt nóng nảy, có hành vi ứng xử chuẩn mực hơn. Nhưng với xã hội hiện đại, mọi người tránh va chạm, không thích tham gia vào việc gia đình, cá nhân người khác... thì sự giúp đỡ về tinh thần, tháo gỡ căng thẳng là không có nhiều. Với những yếu tố trên, ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý tội phạm, khả năng xảy ra hành vi phạm tội, hay nói cách khác tình trạng sử dụng vũ lực, giết người để giải quyết mâu thuẫn trong chuyện tình cảm gia tăng.

Thứ ba: Phương pháp giáo dục gia đình cũng có nhiều vấn đề. Khi cuộc sống đầy đủ về vật chất, nhiều gia đình có xu hướng nuông chiều con cái thái quá. Trẻ con hình thành tính cách, sự ích kỉ, thích hưởng thụ ngay từ nhỏ.

Thứ tư: Mối liên kết xã hội, cộng đồng, khu dân cư ngày càng rời rạc, ít sự quan tâm lẫn nhau. Trước đây hầu hết mâu thuẫn gia đình đều được hòa giải. Chỉ cần cãi vã, mâu thuân đã được hàng xóm, láng giềng đến can thiệp, khuyên ngăn. Tuy nhiên, với sự phát triển của xã hội, các gia đình sống khép kín không muốn người ngoài biết về các mâu thuẫn gia đình. Chính vì không chia sẻ nên các mâu thuẫn tích tụ các ức chế, cảm xúc, bức xúc ngày càng nhiều...

Để có thể khắc phục tình trạng trên cần phải có thời gian. Trước hết là cần điều chỉnh lại giáo dục trong gia đình và xây dựng văn hóa ứng xử gia đình. Mọi người trong gia đình nên xây dựng, gieo mầm các hành vi, ứng xử, văn hóa gia đình thể hiện sự yêu thương, đùm bọc...

Đồng thời cũng cần có văn hóa ứng xử văn minh, lịch sự, xây dựng các cách thức đối thoại trong gia đình để tìm được tiếng nói chung khi xảy ra mâu thuẫn. Điều cốt yếu nhất là các thành viên trong gia đình cũng cần tránh có những sự việc vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, như ngoại tình, cặp bồ. Đối với những người trẻ, cũng cần có sự chuẩn bị tâm lý, tạo thói quen đến các bác sĩ khi gặp vấn đề về tâm lý, hoặc tìm đến luật sư nếu như gặp các vấn đề vướng mắc liên quan pháp luật./.