V-League 2021 hủy khiến cả ngàn cầu thủ lâm cảnh thất nghiệp, có cầu thủ phải đi bán bảo hiểm, ship đồ kiếm thêm thu nhập.

Sau hai cuộc họp của BCH VFF và Công ty VPF với 27 CLB chuyên nghiệp, các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia đã chính thức bị hủy.

Hiện tại, các đội bóng chỉ còn chờ hướng dẫn của VPF, VFF về các thủ tục pháp lý để kết thúc mùa giải.

Việc giải vô địch quốc gia phải dừng lại khi chưa hết giai đoạn một là điều bất khả kháng bởi tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp.

Giải hủy, cầu thủ V-League đi nhặt tôm, ship đồ, bán bảo hiểm
Tiền vệ Nguyễn Hải Huy nhặt tôm. Ảnh NVCC

Dẫu vậy, quyết định này ảnh hưởng tới nhiều cầu thủ bởi không thi đấu sẽ không có tiền thưởng. Tiền lương nhiều CLB cũng cắt giảm.

Tiền vệ Nguyễn Phú Nguyên của CLB Hải Phòng cho hay, anh đã về nhà ở Nghệ An bởi đội Hải Phòng không duy trì tập luyện.

Đội bóng đất Cảng giảm lương trong 3 tháng 9, 10, 11/2021 nên Nguyên chia sẻ cuộc sống của vợ chồng anh cũng rất khó khăn.

“Khi TP Vinh chưa có chỉ thị 16, tôi vẫn đi ship đồ cho vợ để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, hiện tại thì phải ngồi yên trong nhà rồi. Việc buôn bán online của vợ cũng khó khăn, sắp tới chưa biết ra sao”, Nguyên cảm thán.

Tiền vệ Hoa Hùng của CLB Than Quảng Ninh còn thảm hơn bởi nhiều tháng nay đội bóng đất Mỏ nợ lương, lót tay cầu thủ.

Hiện tại, Công ty CP bóng đá Quảng Ninh đã chấm dứt hoạt động, Chủ tịch Phạm Thanh Hùng đã trả đội về cho Tỉnh. Tuy nhiên, chế độ của cầu thủ thì chưa biết khi nào giải quyết được.

“Tiền chưa rõ khi nào mới nhận được nên thời gian tới tôi sẽ đi bán bảo hiểm nhân thọ cùng em trai. Cũng may tôi chưa có gia đình, bằng không thì sao cáng đáng nổi”, Hoa Hùng chia sẻ.

Đội trưởng Than Quảng Ninh Nguyễn Hải Huy cho biết, đội còn nợ anh khoảng gần 1 tỷ đồng.

Mới nhất, do hết hợp đồng nên anh đã xin giấy thanh lý để tiện tìm kiếm đội bóng mới.

Ngặt nỗi, V-League 2022 còn tới 5-6 tháng nữa mới khởi tranh nên hiện tại anh cũng chỉ biết ở nhà phụ giúp công việc kinh doanh của bố mẹ.

“Nhà tôi buôn bán hải sản, thất nghiệp thì ở nhà nhặt tôm nhặt cá. Nhưng tháng 7 âm lịch cũng ít việc vì người dân không ra khơi nhiều”, Huy nói.

Trong khi đó, tiền vệ Mạc Hồng Quân hiện đang ở CH Séc thăm gia đình cho hay, anh chưa nhận được thông báo gì từ CLB về việc thanh toán nợ hay thanh lý hợp đồng.

Tiền đạo Nguyễn Xuân Nam của CLB Bình Định trước khi được triệu tập bổ sung vào đội tuyển Việt Nam đã tranh thủ giúp bố mẹ kinh doanh phế liệu.

“Bố mẹ trả tôi 200 nghìn/ngày, cũng gọi là có thêm thu nhập khi không thể đá bóng”, Xuân Nam tiết lộ.

Giải hủy, cầu thủ V-League đi nhặt tôm, ship đồ, bán bảo hiểm
Tiền đạo Nguyễn Xuân Nam thu gom phế liệu cùng gia đình. Ảnh FBNV

Tiền vệ Đặng Anh Tuấn của CLB SHB Đà Nẵng cho biết, anh cũng nghe thấy việc lãnh đạo đội bóng sẽ giảm lương nhưng hiện chưa có thông tin cụ thể.

“Thời gian này Đà Nẵng đang giãn cách xã hội nên tôi cũng chỉ biết ở nhà tập thể lực để chờ ngày trở lại với bóng đá”.

Cũng ở Đà Nẵng, tiền vệ Quách Tân của CLB Hà Tĩnh chia sẻ, đội bóng miền Trung vẫn chi trả chế độ như hợp đồng nên cuộc sống của anh không quá khó khăn.

Tiền vệ Cao Văn Triền của CLB Sài Gòn cũng tiết lộ anh và đồng đội hiện chưa bị giảm lương. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ bị kẹt lại TP.HCM do gặp khó khăn trong vấn đề di chuyển.

Bên cạnh đó, hai đội bóng thuộc hàng đại gia ở V-League là Hà Nội FC và Viettel chưa có kế hoạch cắt giảm thu nhập cầu thủ.

Riêng CLB Viettel vẫn duy trì tập luyện tại Trung tâm Thể thao Viettel đặt tại Hòa Lạc.