“Chúng tôi không có dụng cụ cần thiết để dập tắt lửa, chúng tôi dùng tất cả những gì chúng tôi có để ngăn đám cháy tới gần. Chúng tôi không thể làm gì khác”. Đó là tâm sự của người dân một ngôi làng tại Algeria khi các đám cháy rừng sắp lan tới khu làng họ sinh sống.
Với vòi nước thô sơ, họ đang cùng lực lượng cứu hỏa cố gắng không chế một đám cháy rừng trong tổng số 69 đám cháy đang xảy ra tại 17 tỉnh của quốc gia châu Phi này. Trong những ngày qua, các đám cháy tại Algeria đã khiến ít nhất 65 người thiệt mạng, bao gồm hàng chục lính cứu hỏa. Theo sắc lệnh của Tổng thống Abdelmadjid Tebboune, ngày 12/8, Algeria sẽ bắt đầu để quốc tang 3 ngày, để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong các vụ cháy rừng.
Ngoài yếu tố gió lớn, khí hậu khô, nền nhiệt độ cao lên tới 46 độ C, giới chức trách Algeria còn nghi ngờ các yếu tố con người, đốt rừng bừa bãi để canh tác, đã vô tình gây ra những đám cháy rừng kinh hoàng như vậy.
Tại quốc gia láng giềng là Tunisia, với nhiệt độ lên tới 49 độ C, các đám cháy rừng hôm qua cũng đã bắt đầu bùng phát tại phía Tây nước này.
Giống với khu vực Bắc Phi, các nước Địa Trung Hải và châu Âu cũng đang chứng kiến những đợt nắng nóng kỷ lục. 9 ngày qua, Hy Lạp đã phải vật lộn với hàng trăm đám cháy rừng, trong đó dữ dội nhất là các đám cháy rừng trên đảo Evia - hòn đảo lớn thứ hai của Hy Lạp. Các đám cháy được cho là khủng khiếp và tồi tệ nhất hàng chục năm qua tại Hy Lạp, buộc các quốc gia châu Âu, Trung Đông và Balkan phải gửi hàng trăm lính cứu hỏa và phương tiện hiện đại tới hỗ trợ.
Tới ngày 11/8, các đám cháy tại đảo Evia mới cơ bản được khống chế, trong khi tại các đảo khác vẫn đang diễn ra, song ở mức độ ít nghiêm trọng hơn.
Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã phải gửi lời xin lỗi tới người dân khi phản ứng chưa thực sự tốt trước “cơn thịnh nộ của tự nhiên chưa từng có tiền lệ: “Những ngày qua là quãng thời gian khó khăn nhất đối với đất nước chúng ta trong nhiều thập kỷ. Chúng ta đã chiến đấu và vẫn đang chiến đấu với tất cả lực lượng của mình nhưng chúng ta đang phải đối mặt với một thảm họa thiên nhiên lớn chưa từng có”.
Tại Italy, các đám cháy rừng tiếp tục tàn phá miền nam nước này, thiêu rụi hàng nghìn mẫu đất rừng, khiến nhiều người dân phải sơ tán.
Vùng Siberia của Nga, nhiều khu vực tại Thổ Nhĩ Kỳ hay tại các bang của Mỹ cũng đang chứng kiến nhiều vụ cháy rừng, trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.
Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cho biết, các vụ cháy rừng là một phần trong chuỗi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu gây ra bởi hành vi con người. Thực tế nghiệt ngã này buộc thế giới phải nhìn nhận lại cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của mình và đẩy nhanh tốc độ trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn./.