Hoạt động xuất khẩu 5 tháng đầu năm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ và tăng trưởng đồng đều ở tất cả ngành hàng quan trọng. Nhập khẩu cũng có sự gia tăng mạnh mẽ nhờ sản xuất phục hồi, nhập khẩu nguyên, vật liệu đầu vào tăng cao, đáp ứng nhu cầu sản xuất cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Tuy nhiên, yếu tố tác động bất lợi nhất đối với lĩnh vực thương mại hiện nay của Việt Nam, chính là tình hình dịch bệnh còn chưa được kiểm soát trên thế giới. Khi kinh tế Việt Nam hội nhập sâu, sự phụ thuộc giữa hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gắn chặt cả về đầu vào là nguồn cung nguyên liệu lẫn đầu ra là các thị trường xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ Công Thương – ông Đỗ Thắng Hải cho rằng, nhận thức của người tiêu dùng cũng như của Chính phủ các nước về bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường ngày càng cao, dẫn đến việc áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường ngày càng khắt khe.
Cụ thể như Ủy ban châu Âu (EC) siết chặt mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đối với nông sản nhập khẩu, áp dụng các quy định về đánh bắt thủy sản hợp pháp (IUU) và sử dụng gỗ nguyên liệu hợp pháp (FLEGT). Bên cạnh đó, nhiều quốc gia khác cũng đã ban hành quy định về truy xuất nguồn gốc...
Do đó, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, thời gian tới để thúc đẩy xuất khẩu mạnh mẽ và bền vững, Bộ Công Thương sẽ cùng các Bộ, ngành, địa phương triển khai các chương trình, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN vừa và nhỏ, khai thác và tận dụng hiệu quả ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và tháo gỡ các rào cản để thâm nhập các thị trường mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường cũng như xúc tiến thương mại nhằm tận dụng tốt cơ hội phục hồi của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ tình hình nhập khẩu, đặc biệt là nhập khẩu các nhóm hàng hóa không khuyến khích, cần phải kiểm soát để có các giải pháp điều hành phù hợp.
Liên quan đến giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu và xuất khẩu bền vững, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu bền vững là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế, không bị đánh đổi những giá trị quan trọng khác như lao động, môi trường, an sinh xã hội.
Do đó để xuất khẩu bền vững, việc tạo được nguồn hàng ổn định cho xuất khẩu là yếu tố quan trọng hàng đầu. Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành để quy hoạch sản xuất, chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng giảm bớt các mặt hàng thâm dụng tài nguyên, có giá trị gia tăng thấp và tập trung các mặt hàng hàm lượng công nghệ lớn, có giá trị gia tăng cao, ưu tiên các ngành sản xuất tiết kiệm năng lượng, ít tác động tới môi trường.
Đặc biệt theo ông Hải, việc chống gian lận xuất xứ cũng là một giải pháp cấp bách để giúp xuất khẩu của Việt Nam duy trì tăng trưởng bền vững, không bị các nước áp dụng biện pháp hạn chế thương mại, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của cả một ngành hàng.
Song hành với phát triển xuất khẩu, Việt Nam cũng cần phải làm tốt việc điều hành nhập khẩu, thông qua các vấn đề như áp dụng hiệu quả, linh hoạt các biện pháp quản lý nhập khẩu, phòng vệ thương mại, phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo nguồn cung nguyên liệu thay thế hàng nhập khẩu...
Theo TS. Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), để giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam bền vững hơn cần có 2 giải pháp chính. Trong đó giải pháp đầu tiên và trọng yếu chính là việc phải phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ.
“Phát triển tốt công nghiệp hỗ trợ mới giúp Việt Nam nâng cao giá trị giá tăng trong xuất khẩu, tăng hàm lượng nội địa từ đó giảm nhập khẩu nguyên phụ liệu, linh phụ kiện, bớt phụ thuộc nước ngoài. Việt Nam sẽ dần chuyển từ nền kinh tế gia công, lắp ráp xuất khẩu sang trình độ sản xuất cao hơn. Vấn đề này thời gian qua đã có nhiều hô hào phát triển, nhiều chính sách, giải pháp nhưng chưa làm được như kỳ vọng”, ông Phương cho biết.
Giải pháp thứ hai, theo ông Phương, chính là việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam. Trên thực tế, điểm mấu chốt cơ bản là năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam còn rất yếu. Bên cạnh sự hỗ trợ của Chính phủ thì bản thân các DN phải nỗ lực rất nhiều nếu không sẽ bị thua DN FDI trên chính “sân nhà”.
“Trong vấn đề này, Việt Nam chưa có giải pháp quyết liệt, đột phá. Chính phủ đề ra nhiều biện pháp nhưng chưa đủ, chính sách chưa thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, không ít DN còn mang tâm lý làm ăn chộp giật, chưa có đầu tư lớn để nâng cao năng suất lao động, trình độ công nghệ…”, TS. Lê Quốc Phương chỉ rõ./.