Tỉnh Gia Lai vừa xử phạt Công ty Cổ phần phong điện Ia Pết Đak Đoa số hai 105 triệu đồng vì sử dụng lao động nước ngoài trái phép.

Ngày 15/7, nguồn tin của Báo Giao thông cho biết, ông Đỗ Tiến Đông - Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai vừa ký quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần phong điện Ia Pết Đak Đoa số hai 105 triệu đồng về hành vi sử dụng lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Gia Lai: Phạt doanh nghiệp điện gió dùng lao động Trung Quốc bất hợp pháp
Một doanh nghiệp sử dụng lao động Trung Quốc làm việc tại dự án điện gió ở huyện Chư Prông.

Phạt doanh nghiệp sử dụng lao động bất hợp pháp 105 triệu

Công ty Công ty Cổ phần phong điện Ia Pết Đak Đoa số hai có địa chỉ trụ sở tại số 343B Lê Duẫn, phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai. Người đại diện theo pháp luật: bà Dương Quỳnh Hoa, thường trú: Lô số 1, Nhà vườn 5, Tổng cục 5, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Trước đó, ngày 6/5, ngành chức năng tỉnh Gia Lai qua kiểm tra đột xuất tại Ban quản lý Dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết, Đak Đoa số 1 và 2 với Chủ đầu tư, Tổng thầu, thầu phụ xác định, Công ty đã sử dụng 19 lao động nước ngoài (quốc tịch Trung Quốc) không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động đang làm việc tại Dự án Nhà máy Điện gió Ia Pết, Đak Đoa số 1 và số 2, huyện Đak Đoa.

Căn cứ theo Nghị định số 28/2020/NĐ-CP ngày 1/3/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

UBND tỉnh Gia Lai xử phạt 105 triệu đồng đối với công ty vi phạm. Văn bản xử phạt không nêu rõ hình thức cho phép người lao động được tiếp tục làm việc hay hay trục xuất đối với lao động nước ngoài bất hợp pháp.

Trước đó, trả lời Báo Giao thông, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cho biết: tổng số người lao động nước ngoài làm việc trên địa bàn tỉnh tính đến ngày 19/5 là 409 người làm tại 37 đơn vị, doanh nghiệp, dự án. Trong đó lao động hợp pháp tại các cơ quan doanh nghiệp là 40 lao động (38 lao động đã được cấp giấy phép lao động, 2 lao động đã được xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động).

Hàng trăm lao động Trung Quốc ở Gia Lai chưa có giấy phép

Tại các Dự án nhà máy điện gió là 369 lao động nước ngoài. Trong đó 27 lao động đã được cấp giấy phép lao động tại các tỉnh, thành phố khác; 342 lao động chưa được cấp giấy phép lao động.

Báo cáo của đoàn kiểm tra của UBND huyện Đak Đoa và Sở LĐ-TB&XH tỉnh này ngày 6/5 cho thấy: Tại thời điểm kiểm tra, có 161 người lao động nước ngoài có mặt tại địa phương, trong đó: 104 người lao động đang làm việc (103 người Trung Quốc, 1 người Ấn Độ) và 57 người Trung Quốc đang thực hiện cách ly tại khu tập thể đóng trên địa bàn xã Trang từ ngày 28/4. Số lao động tại công ty trên lưu trú tại 7 địa điểm tại huyện Đak Đoa và TP. Pleiku.

Qua kiểm tra, Đoàn kiểm tra kết luận 104 người lao động nước ngoài đã làm việc tại dự án trước khi làm thủ tục cấp giấy phép lao động (vi phạm Điều 151, 152, 153, 154 của Bộ Luật lao động và Điều 4, 5, 6, 7, 8 Nghị định số 152/2000/NĐ-CP ngày 30/12/2020 của Chính phủ.

Liên quan đến các lao động người nước ngoài tại tỉnh Gia Lai, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Gia Lai cho biết, chưa cấp giấy phép lao động cho lao động nước ngoài thuộc diện chuyên gia.

Liên quan đến vụ việc trên, trả lời câu hỏi trách nhiệm của “ai” trong việc để xảy ra người lao động chui người nước ngoài trên các công trường điện gió dài ngày trên địa bàn tỉnh Gia Lai?

Ông Nguyễn Văn Lộc, Phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai cho biết: “Quá trình người nước ngoài đến Việt Nam đã được nhiều ngành kiểm tra. Các lao động nước ngoài với hình thức là công nhân kỹ thuật, chuyên gia và lao động phổ thông.

Tuy nhiên, ở Gia Lai lại xảy ra việc lao động chưa được cấp phép, việc này Sở LĐ-TB&XH và Công an tỉnh đang kiểm tra xử lý. UBND tỉnh giao cho thời hạn là ngày 25/6 phải hoàn tất kết quả báo cáo với UBND tỉnh, tuy nhiên, hai đơn vị này đã có văn bản xin gia hạn báo cáo xử lý.

“Trách nhiệm để xảy ra việc người nước ngoài đến lao động trên địa bàn thuộc về Sở LĐ-TB&XH và Công an tỉnh nên trách nhiệm thuộc về 2 đơn vị này. Việc xử lý, xử phạt do Sở LĐ-TB&XH, hoặc việc trục xuất người lao động bất hợp pháp là do đơn vị Công an đề xuất”, ông Lộc nói.