Gần một tháng qua, hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đã được huy động vào các tỉnh miền Trung để ứng cứu, hỗ trợ đồng bào trước tình hình thiên tai, bão lũ, với phương châm đến khi nhân dân đã cơ bản ổn định lại cuộc sống mới rút quân.
 
Hơn một tháng qua, các tỉnh miền Trung đã hứng chịu đợt thiên tai lịch sử, kéo dài nhiều ngày, diễn ra trên diện rộng với nhiều loại hình thiên tai (bão, áp thấp nhiệt đới, nước dâng do bão, mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất). Lũ lớn vượt mức lịch sử ở nhiều nơi, ngập lụt sâu trên diện rộng, sạt lở đất, lũ quét gây thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng của nhà nước, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất.
 
Tính từ ngày 6/10 đến 22/10, tại Miền Trung và Tây Nguyên, 117 người chết, 21 người mất tích. 37.524 nhà bị hư hỏng và thiệt hại do ngập lụt; 533 ha lúa bị ngập; 3.886 ha hoa màu bị hư hại; 6.152 gia súc và 740.796 gia cầm bị chết, cuốn trôi.
 

 
Tình hình mưa lũ gần 1 tháng qua ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân 
 
Cứu trợ người dân là nhiệm vụ số 1
 
Trước tình hình trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý xuất cấp cho 5 tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Tĩnh, mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỷ đồng. Ông yêu cầu Bộ Tài chính xuất cấp ngay, kịp thời và phân phối trực tiếp đến người dân đúng đối tượng, không để chậm trễ.
 
Đặc biệt, lực lượng Quân đội, lực lượng vũ trang đã vào cuộc hết sức khẩn trương, quyết liệt với tinh thần không ngần ngại gian khổ, kể cả hy sinh khi phía trước là nhân dân đang gặp gian nguy. Liệt sĩ, Thiếu tướng, Phó Tư lệnh Quân khu 4 Nguyễn Văn Man đã nói trước khi lên đường, nhân dân đang cần chúng ta từng giờ, từng phút, dù khó khăn thế nào cũng phải đi, kể cả có hy sinh.
 
Hàng chục nghìn cán bộ, chiến sĩ đã được huy động và chỉ trong thời gian chưa đầy 10 ngày, Quân đội nhân dân Việt Nam, Quân khu 4 và các gia đình đã vĩnh viễn mất đi 33 cán bộ, chiến sĩ ưu tú khi đang thực hiện nhiệm vụ cứu trợ nhân dân.
 
Cùng với đó, các bộ, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và địa phương đều đã vào cuộc theo chức năng, nhiệm vụ của mình nhằm thực hiện tốt nhất công tác ứng phó thiên tai, cứu hộ cứu nạn, hỗ trợ người dân. Các địa phương đã sơ tán, di dời khẩn cấp hàng chục nghìn người khỏi vùng nguy hiểm.
 
 
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thị sát tình hình mưa lũ và công tác ứng phó tại tỉnh Quảng Bình, tỉnh Hà Tĩnh
 
Ngày 20/10, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã trực tiếp kiểm tra hồ Kẻ Gỗ, thị sát tình hình mưa lũ và công tác ứng phó tại tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh. 
 
Tại Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nhiệm vụ bảo đảm an toàn hồ Kẻ Gỗ là nhiệm vụ số 1. Trong vận hành, vừa phải giữ được nước ngọt nhưng phải bảo đảm mức nước an toàn. Ông yêu cầu hết sức linh hoạt, không chủ quan trong vận hành hồ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với địa phương và cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi để có phương án ứng phó; tập trung theo dõi toàn bộ các tuyến đập, chỗ nào có sự cố xử lý kịp thời.
 
Sau đó, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã tới thăm hỏi bà con phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình đang tập trung tránh trú bão tại trụ sở HĐND phường, đồng thời tặng bà con các nhu yếu phẩm cần thiết như gạo, muối, dầu ăn, sữa...
 
Phó Thủ tướng cũng thị sát khu vực hồ thủy lợi sông Gianh, động viên các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ hỗ trợ nhân dân, trong đó lực lượng công an đã kịp thời hỗ trợ 3 người dân bị thương đi bệnh viện.
 
"Dù đã có dự báo sớm và cả hệ thống vào cuộc rất quyết liệt nhưng với những diễn biến bất thường của bão, lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua gây thiệt hại nặng nề nhất trong 5 năm trở lại đây", Phó Thủ tướng nói. 
 
Ông đề nghị tập trung cứu trợ người dân, khẩn trương cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Bão số 8 đang vào và dự kiến vùng ảnh hưởng rất rộng vì thế công tác cứu trợ phải khẩn trương hơn nữa, cần nhất bây giờ là chất đốt để nấu nướng, vì điện lưới nhiều nơi đang mất.
 

 
Mưa lũ gây bao đau thương cho người dân các tỉnh miền Trung 
 
Từ thực tế chuyến công tác ngày 20/10 tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Phó Thủ tướng cho biết, nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn nhiều chỗ khó khăn hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục cử đoàn vào các tỉnh miền Trung nắm sát nhu cầu cần hỗ trợ của bà con. 
 
"Ngoài lương thực cần chú ý hỗ trợ các loại thực phẩm, rau xanh... đảm bảo đủ dinh dưỡng, sức khỏe cho người dân", Phó Thủ tướng lưu ý.
 
Hàng hóa cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan chuyên trách mới nắm được chính xác danh sách, từ đó hàng cứu trợ mới đến đúng các hoàn cảnh cần hỗ trợ.
 
Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Bộ Quốc phòng tính toán phương án sử dụng trực thăng để đẩy nhanh tốc độ cứu trợ người dân vùng lũ.
 
Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng có liên quan cùng địa phương phải vào dồn tổng lực vào cuộc hướng dẫn ngư dân trên biển và ven biển phải kịp thời vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn cho những người dân nuôi trồng thủy sản trên biển, khách du lịch.
 
Việc đảm bảo an toàn trên đất liền cần tiếp tục được thực hiện kịp thời, các địa phương có phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm như nước ngập sâu, chảy xiết, gần các công trình không an toàn.
 
Nhằm kịp thời hỗ trợ đồng bào miền Trung khắc phục hậu quả thiên tai, mưa lũ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1629/QĐ-TTg về việc xuất trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia hỗ trợ các tỉnh miền Trung, ngay trong ngày 20/10, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã triển khai xuất cấp các thiết bị như xuồng cao tốc, phao cứu sinh phục vụ công tác cứu hộ.
 
Đến khi nhân dân cơ bản ổn định lại cuộc sống thì mới rút quân
 
Ngày 22/10, tại tỉnh Quảng Trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho biết đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cấp bổ sung 40 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 cho 2 huyện miền núi nghèo khó nhất của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hoá và Đắkrông. 
 
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Hưng cho biết, công tác khắc phục bão lũ đang được tỉnh triển khai nhanh chóng, quyết liệt, kiên quyết không để người dân nào bị đói, rét, bị ảnh hưởng bởi bão lũ mà không được hỗ trợ. Tỉnh đã kịp thời phân phối 1.000 tấn gạo được Chính phủ hỗ trợ đến người dân.
 
 
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và thăm hỏi nhân dân Quảng Trị
 
Ngày 23/10, nhận được lệnh cấp trên lãnh đạo, chỉ huy Sư đoàn 372 và tổ bay Trung đoàn 930 nhanh chóng lên đường, tiếp cận xã Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị - nơi nhiều ngày qua bị cô lập hoàn toàn trong mưa lũ. Mọi phương tiện cứu hộ đường bộ, đường thủy, cứu nạn không thể tiếp cận. ️
 
Hơn 2 tấn hàng hóa gồm mì tôm, nước uống và các nhu yếu phẩm khác tập kết tại Sân bay Phú Bài (Thừa Thiên Huế) đã được bộ đội khẩn trương tiếp nhận, bốc xếp lên trực thăng, sau đó vận chuyển đến các vùng bị cô lập trong nước lũ.
 
Mặc dù thời tiết hết sức phức tạp, địa hình hiểm trở, tầm nhìn hạn chế. Tuy nhiên tổ bay của Trung đoàn 930 đã khéo léo, lợi dụng địa hình, địa vật tiếp cận xã Hướng Việt.
 
Sau nhiều vòng xác định vị trí hạ cánh, song địa hình không thuận lợi, tổ bay đã thực hiện treo ở độ cao cực thấp và tiến hành thả 2 tấn hàng cứu trợ cho nhân dân sau đó trở về sân bay Phú Bài hạ cánh an toàn.
 
 
Trực thăng tiếp tế lương thực, thực phẩm cho người dân tại xã Hướng Việt (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) 
 

 
Sau đó bay về Huế, đưa bệnh nhân từ máy bay xuống xe cứu thương để chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu, điều trị 
 
Ngày 23/10, nhận được đề nghị của địa phương và yêu cầu của Bộ Tư lệnh Quân khu 4, Chỉ huy Sư đoàn 324 đã điều động Trung đoàn 1 vào Quảng Bình thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả mưa lũ.
 
Theo đó, đơn vị đã nhanh chóng tổ chức lực lượng gồm 200 cán bộ, chiến sĩ cùng 8 xe ô tô và các phương tiện, trang bị hậu cần, quân y cơ động di chuyển từ 5 giờ sáng nay.
 

 
Đoàn xe của Sư đoàn 324 hành quân qua cầu Bến Thủy (Nghệ An) vào Quảng Bình giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ 
 

 
Các cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 lên đường giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ
 
Trung tá Nguyễn Thanh Quang, Chính ủy Trung đoàn 1, Sư đoàn 324 cho biết, đơn vị chia lực lượng theo 2 hướng, vào 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy là những địa phương bị thiệt hại nặng nề trong đợt mưa lũ vừa qua để giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa lũ.
 
Đơn vị sẽ giúp nhân dân và chính quyền địa phương trong nhiều ngày với phương châm đến khi nhân dân đã cơ bản ổn định lại cuộc sống mới rút quân.
 
Trong thời gian tới, lũ, bão có thể tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh miền Trung, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn theo phương châm "4 tại chỗ"; tập trung bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, ổn định đời sống người dân với tinh thần là không được để dân đói, không được để dân rét, không để dân không có chỗ ở; tích cực triển khai công tác cứu hộ cứu nạn và bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
 
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và của Thủ tướng Chính phủ tại các công điện về công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục vào cuộc, nhất là các tổ chức của thanh niên, phụ nữ các cấp, các địa phương, các nhà hảo tâm tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái "lá lành đùm lá rách" quan tâm hỗ trợ cho đồng bào bị lũ lụt ở miền Trung sớm vượt qua những khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống./.