Có lần ông bị lâm tặc dọa giết. Gia cảnh khó khăn, ăn không đủ no, có người bảo ông chặt ít gốc gỗ đi bán, song ông vẫn quyết giữ khư khư cánh rừng lim xanh để bây giờ, sau hơn 30 năm, rừng cây cổ sừng sững như linh vật làng.
 
Sinh ra tại vùng biên giới huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh), tuổi thơ ông Trần Ngọc Lâm (SN 1960, trú thôn Khe Năm, xã Sơn Kim 1) đã gắn bó với rừng. Năm 1990, khi Nhà nước có chủ trương vận động người dân nhận rừng để chăm sóc, bảo vệ ông Lâm xung phong nhận hơn 26 ha rừng, trong đó có hơn 20 ha rừng tự nhiên, 6 ha rừng trồng. Để bảo vệ rừng, ông tìm cách phục hồi lại khu đồi phía sau nhà bị triệt hạ, tàn phá nặng nề nhiều năm. Ông Lâm nhớ lại, cả khu rừng hồi ấy bị đốn hạ, không còn cây gỗ nào có chu vi trên 100cm.
 
“Nhìn những gốc cây lớn lên từng ngày, tôi vui lắm. Công tác bảo vệ rừng rất vất vả, vì rừng rộng, người ít, trong khi đó người dân không có quyền gì nên khi phát hiện lâm tặc cũng chỉ có cách đuổi họ ra khỏi phần đất của mình mà thôi”. Ông Trần Ngọc Lâm
 
Khoảng thời gian từ 1990- 1992, khu rừng này do quá trình khai thác vô tội vạ khiến nguồn nước bị ảnh hưởng, mùa hè giếng trong thôn cạn trơ đáy, có hộ đào sâu hơn 20m nhưng vẫn không có giọt nước nào. Cuộc sống bị đảo lộn, mọi sinh hoạt dựa vào nước trời, khe suối. Nhận thấy tác hại của việc mất rừng quá nghiêm trọng, ngoài bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cây rừng hiện có, gia đình ông Lâm vay vốn trồng keo trên diện tích rừng sản xuất và làm giàu diện tích rừng tự nhiên bằng các loài cây bản địa như lim xanh, dổi, kiền kiền... bình quân mỗi năm ông trồng 3.000 cây.
 
 
“Nhiều năm ăn ngủ ở rừng, nhìn lại mới thấy giá trị của từng cây thật quý giá”, ông Lâm nhớ lại quãng thời gian hơn 30 năm giữ rừng. Để được chiêm ngưỡng những cây lim cổ thụ, chúng tôi được ông Lâm cùng cán bộ kiểm lâm địa bàn Đoàn Doanh Tuyên (Hạt Kiểm lâm Hương Sơn) dẫn vào rừng.
 
Sau quá trình trèo đèo, lội suối, khu rừng gỗ lim dần mở ra trước mắt, càng lên cao, rừng rậm rạp, nhiều cây thân lớn 2 người ôm không xuể. Vừa đi, ông Lâm vừa chỉ tay vào những gốc cây lớn rồi đọc tên vanh vách: “Cây này gỗ lim xanh, trên trăm năm tuổi rồi đấy, như gốc này hai người ôm cũng không xuể; bên kia là gốc dổi, chu vi trên 100cm. Tôi phải thường xuyên đi lên đây, mệt lắm nhưng nếu lơ là, chủ quan là kẻ xấu chặt ngay”, ông Lâm nói.
 
Người đàn ông tuổi lục tuần chia sẻ, hơn 30 năm qua, chưa có một đêm nào ông ngủ yên giấc bởi nhiều đối tượng lâm tặc lăm le chặt trộm gỗ đi bán. Thậm chí có lần ông bị lâm tặc dọa giết. Công việc bảo vệ rừng không mấy dễ dàng, ăn rừng, ngủ rừng. Có những thời điểm cuộc sống gia đình lâm cảnh khó khăn, ăn không đủ no, một số người gợi ý bảo ông chặt ít gốc gỗ đi bán, song ông vẫn quyết giữ khư khư cánh rừng lim xanh, để hôm nay cánh rừng trả ơn cho lão già bằng những gốc lim cổ thụ trên trăm tuổi. Khu rừng lim của ông Lâm được ví như “lá phổi xanh” phát triển hệ sinh thái, chống xói mòn, ngăn lũ lụt./.