covid-afp-20211021112119-1634803182.jpg
Số người nhiễm và tử vong do COVID-19 tiếp tục gia tăng trên thế giới. (Ảnh: AFP)

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 21/10, đã có 220.047.979 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 17.781.988 ca bệnh đang điều trị, có 17.704.895 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 77.093 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 223 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tiếp tục lây lan nhanh, gây những đợt bùng phát mới tại nhiều nước và khu vực.

Trong 24 giờ qua, châu Á tiếp tục là khu vực có nhiều ca nhiễm nhất thế giới, hiện ở mức 78.258.263 ca. Trong đó, 1.153.014 ca đã tử vong do COVID-19 và 75.207.192 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm COVID-19 cao nhất tại châu Á là: Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 34.126.682; 7.744.139 và 5.821.737 ca; và 3 quốc gia có số trường hợp tử vong nhiều nhất là: Ấn Độ, Indonesia, Iran với số trường hợp tử vong lần lượt là 452.844; 143.077 và 124.585 ca.

Với 62.119.123 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 21/10, châu Âu vẫn là khu vực có nhiều ca nhiễm nhiều thứ hai thế giới, trong đó có 1.269.659 ca tử vong và 56.575.242 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, châu lục này đã ghi nhận thêm 218.088 ca nhiễm và 2.920 ca tử vong mới vì COVID-19. Anh, Nga và Pháp tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 8.589.737; 8.094.825 và 7.102.079 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Và Nga hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 226.353 ca, sau khi có thêm 1.028 ca trong 24 giờ qua, tiếp sau đó là Anh (139.031 ca) và Italy (131.688 ca).

Tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục tăng trong 24 giờ qua, khi có thêm 92.941 ca nhiễm COVID-19 và 2.668 ca tử vong vì dịch bệnh này, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 55.381.033 và 1.128.374 ca. Đây là khu vực có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ ba thế giới. Với 46.082.015 ca nhiễm và 751.691 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 3.762.689 và 1.690.258 ca nhiễm, cùng 284.923 và 28.644 ca tử vong vì COVID-19.

Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 20.463 ca nhiễm và 474 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 38.201.838 ca và 1.165.647 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 15.610 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 21.680.489 vào thời điểm hiện tại, và 401 ca tử vong mới do dịch bệnh này, khiến tổng số ca tử vong đã ở mức 604.303 ca.

Tính đến sáng 21/10, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 8.522.685 ca, trong đó có 216.707 ca tử vong và 7.848.617 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 2.917.846 ca nhiễm và 88.754 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 591 ca nhiễm và 80 ca tử vong mới trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 942.967 và 711.164 ca nhiễm bệnh cùng 14.580 và 25.121 ca tử vong.

Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 283.188 ca nhiễm (tăng 2.694 ca) và 3.468 ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 (tăng 21 ca). Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 2.146 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 149.421 ca, trong đó 1.577 ca tử vong (tăng 19 ca).

Trong bối cảnh số ca mắc mới vẫn tiếp tục gia tăng, đến nay đã có khoảng 41% người dân ở Mỹ Latinh đã được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19, song tỷ lệ này có sự khác biệt lớn giữa các nước.

Trong khi đó, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép những người đủ điều kiện có thể tiêm kết hợp liều tăng cường vaccine phòng COVID-19 sau những liều tiêm chính các vaccine phòng COVID-19 của các hãng Pfizer/BioNTech, Moderna và Johnson & Johnson đã được cấp phép tại Mỹ. Hiện một người có thể tiêm thêm một liều tăng cường của bất kỳ loại nào trong số này sau khi người đó đã hoàn thành việc tiêm chủng chính với một loại vaccine phòng COVID-19 khác.

Mặt khác, kết quả một nghiên cứu ở Italy cho thấy những người đã tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19 ít có khả năng tử vong khi lây nhiễm, trừ trường hợp rất cao tuổi và đã bị bệnh nặng trước đó. Nghiên cứu của Viện Y tế quốc gia Italy (ISS) cho thấy độ tuổi trung bình của những ca tử vong đã tiêm đủ vaccine là 85 và trung bình mắc 5 bệnh mãn tính. Tuổi tử vong trung bình do COVID-19 của những ca không tiêm vaccine là 78, với 4 bệnh mãn tính. Trong số những người đã tiêm vaccine, các trường hợp mắc các bệnh về tim, sa sút trí tuệ và ung thư đều có tỷ lệ tử vong cao hơn những người khác./.