Gần 2.000 nhân viên y tế tử vong do Covid-19
Báo cáo về Covid-19 của Bộ Y tế Indonesia cho biết, tính đến cuối tháng 8, có tới 1.967 nhân viên y tế tử vong do Covid-19 sau gần 2 năm chống chọi với đại dịch. Tỷ lệ tử vong của nhân viên y tế ở Indonesia là cao nhất châu Á và đứng thứ thứ ba trên thế giới. Số nhân viên y tế tử vong đã tăng vọt 320% vào tháng 7 năm 2021 và tiếp tục tăng cho đến thời điểm hiện tại, cho dù số ca mắc Covid-19 tại quốc gia này đã giảm đáng kể.
Trong số các nhân viên y tế tử vong, các bác sĩ chiếm tỷ lệ cao nhất (36.67%), sau đó là các y tá (30,8%), nữ hộ sinh, dược sĩ, nha sĩ và các chuyên gia công nghệ phòng thí nghiệm.
Chủ tịch Hiệp hội các chuyên gia y tế cộng đồng Indonesia (IAKMI), ông Dedi Supratman bày tỏ đau thương khi Indonesia phải đối mặt với những thiệt hại khôn lường trong bối cảnh hàng ngàn nhân viên y tế đã hy sinh. Trong số có nhiều người là các giáo sư và các chuyên gia cao cấp, những người không thể thay thế vì những kinh nghiệm và kiến thức của họ.
Theo ông Dedi, tỷ lệ các nhân viên y tế tử vong có thể sẽ không cao như vậy nếu ngay từ đầu khi đại dịch bùng phát, chính phủ tăng cường bảo vệ các nhân viên y tế bằng cách cung cấp thiết bị bảo vệ cá nhân, thuốc men và xét nghiệm Covid-19 định kỳ. Nhưng trên thực tế, khi đại dịch bùng phát, nhiều bệnh viện đã rơi vào tình trạng thiếu thiết bị bảo hộ, các bác sĩ đã phải tự trang bị hoặc nhận quyên góp từ công chúng và các xét nghiệm Covid-19 chỉ được thực hiện với các nhân viên y tế có triệu chứng.
Vào giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 8, số ca mắc Covid-19 tại Indonesia đã tăng cao chưa từng có do biến thể Delta tấn công khiến nước này liên tục đứng số 1 châu Á về số ca mắc Covid-19 hàng ngày. Các nhân viên y tế làm việc trong trạng thái thiếu nhân lực, quá tải, mệt mỏi khiến hệ miễn dịch suy giảm, từ đó rất dễ mắc Covid-19.
Người đứng đầu nhóm giảm nhẹ của Hiệp hội bác sĩ Indonesia, bà Mahesa Paranadipa, cho biết, các nhân viên y tế Indonesia đã làm việc hơn 1 năm rưỡi nay không được nghỉ phép. Ngay cả khi mắc Covid-19, họ sẽ nghỉ ngơi và tiếp tục làm việc trở lại sau khi khỏi bệnh. Việc mất đi hàng ngàn nhân viên y tế sẽ hưởng đến các dịch vụ y tế công cộng, hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế của cộng đồng.
Indonesia sẽ mất bao lâu để cân bằng lại số nhân viên y tế?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỷ lệ bác sĩ lý tưởng để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe là 1 bác sĩ trên 1.000 cư dân. Nhưng ở Indonesia, tỷ lệ này là 4 trên 10.000 dân. Bộ trưởng Y tế Indonesia, ông Budi Sadikin thừa nhận, nước này phải có thêm ít nhất 3.000 bác sĩ nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu xử lý các tình huống thảm họa như đại dịch Covid-19. Trong khi theo Giáo sư Menaldi Rasmin, Khoa Y, Đại học Indonesia, để đào tạo một bác sĩ đa khoa ở Indonesia mất 9 năm và các bác sĩ chuyên khoa mất 14 năm.
Bộ Y tế Indonesia đã có kế hoạch lấp đầy chỗ trống của nhân viên y tế trong các cơ sở y tế. Theo bà Trisa Wahjuni Putri, Thư ký Cơ quan Trao quyền và Phát triển Nguồn nhân lực Y tế Indonesia, Bộ Y tế sẽ ngay lập tức phân phối các bác sĩ mới tốt nghiệp hoặc có chứng nhận hoàn thành Chương trình Giáo dục Y tế Chuyên khoa cấp cuối đến các bệnh viện đang gặp tình trạng thiếu hụt.
Ngoài ra, những y tá đã qua kỳ kiểm tra năng lực và chờ lấy chứng chỉ cũng được huy động phục vụ. Về lâu dài, Bộ Y tế nước này sẽ tăng số lượng các bác sĩ chuyên khoa như bác sĩ phổi, bệnh lý lâm sàng, và bác sĩ X quang để xử lý đại dịch và hậu đại dịch bằng cách chi trả cho các bác sĩ muốn tham gia các chương trình chuyên môn hóa ở các lĩnh vực này.
Tuy nhiên, bà Trisa Wahjuni Putri, thừa nhận rằng, các giáo sư hoặc bác sĩ chuyên khoa qua đời là "không thể thay thế" ngay lập tức. Bà cho rằng, hiện nay chưa thể ước tính Indonesia sẽ mất bao lâu để cân bằng tỷ lệ bác sĩ trên dân số sau cái chết của hàng nghìn nhân viên y tế vì không ai biết khi nào đại dịch sẽ kết thúc.
Hiện nay, để đảm bảo quyền lợi của các nhân viên y tế, Chính phủ Indonesia đang đẩy nhanh quá trình chi trả các khoản ưu đãi, nợ lương, trợ cấp tử vong cho nhân viên y tế tuyến đầu, vốn đã bị trì hoãn từ năm 2020. Cho đến nay, việc thực hiện phân phối các ưu đãi đã đạt 81,8% trong tổng mức trần 9 nghìn tỷ Rp./.