rep-o-mat-1-1654155974059770505243-1654222780.jpg
Rận mu được phát hiện tại mi mắt của bệnh nhân - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Trường hợp hiếm gặp này rơi vào nam bệnh nhân 55 tuổi, ở Hà Giang. Người này đến viện khám với lý do ngứa mắt nhiều, đã khám và nhỏ thuốc tại một số bệnh viện gần nhà nhưng không khỏi.

Tại khoa mắt Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ), bệnh nhân được kiểm tra mắt dưới kính hiển vi và phát hiện hàng trăm ký sinh trùng và trứng ký sinh trên mi mắt.

Bác sĩ gây tê tại chỗ và lấy ra gần 100 ký sinh trùng rận mu và hơn 100 trứng ký sinh. Bệnh nhân chia sẻ gia đình có nuôi gia cầm và gia súc phía dưới sàn nhà và có thể đó là nguyên nhân khiến ông bị nhiễm ký sinh trùng rận mu trên mắt.

Các bác sĩ cho biết rận mu hay còn gọi là rận lông mu, rận cua, chấy cua, rận bẹn là một loài rận thuộc côn trùng hút máu, chúng sống và sinh sản chủ yếu ở vùng mu, bộ phận sinh dục hoặc các vùng như lông mày, lông mi, râu, ria mép, nách, vùng quanh hậu môn, bẹn, thân, da đầu.

Côn trùng gây bệnh rận mu có kích thước nhỏ hơn các loại rận khác, chính vì thế mọi người thường chủ quan và không phát hiện ra sự tồn tại của chúng.

Sau khi sống trên vùng lông mu, rận trưởng thành sẽ bắt đầu quá trình sinh sản, phát triển. Thông thường, trứng rận sẽ nở sau khoảng 7 - 10 ngày, chúng hút máu vật chủ để sinh sống, phát triển. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra nhiều triệu chứng khó chịu đối với người bệnh.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rận mu có khả năng sống sót rất tốt. Đặc biệt, loài rận này sống và ký sinh rất dai trên cơ thể của vật chủ, chính vì thế việc điều trị bệnh gặp rất nhiều khó khăn.

Nếu phát hiện và điều trị sớm có thể giải quyết dứt điểm bệnh một cách nhanh chóng. Bác sĩ chuyên khoa mắt khuyến cáo người dân nên vệ sinh sạch sẽ cơ thể và nhà ở vì ký sinh trùng có thể sinh sống và trú ngụ ở mọi nơi, có thể sống ký sinh trên cả cơ thể con người. Bên cạnh đó cần quan tâm tới vấn đề vệ sinh thân thể, quần áo, chăn gối và các đồ dùng cá nhân./.