Kỳ World Cup đặc biệt
FIFA World Cup 2022 tại Qatar là vòng chung kết có nhiều điểm đặc biệt.
Trước hết, đây là World Cup đầu tiên diễn ra ở 1 nước thuộc khu vực Tây Á (Qatar) và là lần thứ 2 tại châu Á sau 20 năm kể từ World Cup Hàn Quốc - Nhật Bản 2002.
Là một nước nhỏ với diện tích khoảng 11.570 km2, dân số chưa đến 3 triệu người nhưng nhờ nguồn tài nguyên năng lượng phong phú, nguồn lực tài chính lớn, Qatar đã chi tới 220 tỷ USD cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup. Trong đó có việc xây mới 7 SVĐ, mở rộng sân bay quốc tế, xây dựng mới một thành phố cùng việc cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông... Tất cả đã làm nên "một kỳ World Cup đắt đỏ nhất" đến thời điểm hiện tại.
World Cup Qatar không diễn ra vào mùa hè như thường lệ. Do mùa hè ở Qatar nền nhiệt độ thường khá cao (39-40 độ C) nên Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) quyết định lần đầu tiên tổ chức vòng chung kết vào… mùa đông (từ 20/11-18/12/2022). Thời điểm diễn ra World Cup là thơì điểm đẹp nhất trong năm của Qatar, nhiệt độ chỉ khoảng 24 độ C.
Cũng lần đầu tiên, FIFA quyết định đưa nữ giới tham gia đội ngũ trọng tài điều khiển các trận đấu của bóng đá nam cấp độ thế giới.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử vòng chung kết World Cup, châu Á có 6 đại diện tham dự, gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia và chủ nhà Qatar.
Thêm một điều đặc biệt nữa là trận chung kết vào tối 18/12, đúng ngày Quốc khánh Qatar, nên đây cũng là lần đầu tiên trận chung kết một kỳ World Cup diễn ra trong ngày quốc khánh của nước chủ nhà.
Theo quyết định của FIFA, World Cup 2022 sẽ là vòng chung kết cuối cùng có 32 đội bóng tham dự. Kỳ World Cup thứ 23 vào năm 2026, sẽ có 48 đội bóng góp mặt.
Thêm những điều kỳ thú
Ngoài những điều đặc biệt nói trên, World Cup 2022 còn có nhiều thú vị khác.
Trước hết về trái bóng Al Rihla, tiếng Arab nghĩa là "Cuộc hành trình" - một sản phẩm của Adidas. Theo nhà sản xuất, vật liệt chế tạo Al Rihla rất thân thiện với môi trường do dễ dàng phân hủy trong tự nhiên. Điều này phù hợp với tôn chỉ của nước chủ nhà về một kỳ World Cup không rác thải.
Al Rihla rất "độc đáo" do có tốc độ bay nhanh hơn so với trái bóng các kỳ World Cup khác; bên trong nó được cài một cảm biến đo quán tính. Công nghệ này sẽ giúp cho việc xác định tình huống việt vị nhanh chóng và chính xác.
Về các SVĐ, vòng chung kết diễn ra trên 8 SVĐ, trong đó có 7 sân xây mới. Tất cả các sân bóng này đều được lắp… máy điều hòa nhiệt độ, cũng là điều chưa từng có, vì trước đó, FIFA dự kiển tổ chức World Cup 2022 vào mùa hè mà mùa hè ở Qatar nhiệt độ rất cao, 39-40 độ C.
Một thú vị khác nữa mà World Cup 2022 "dành" cho người hâm mộ là nơi ăn, chốn nghỉ. Người ta dự tính trong thời gian diễn ra giải đấu (29 ngày), có khoảng 1,5 triệu người đến Qatar xem World Cup, con số bằng nửa dân số nước chủ nhà.
Báo chí đưa tin, tất cả các khách sạn của Qatar chỉ đáp ứng được 160.000 chỗ (phần lớn hạng sang) nên nơi lưu trú cho người hâm mộ được giải quyết bằng nhiều cách.
Đó là các cổ động viên có thể nghỉ ngơi ở Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Kuwait, Saudi Arabia, Oman… rồi "lên máy bay" sang Qatar xem các trận đấu. Nước chủ nhà cũng thuê 3 tàu du lịch lớn có thể tiếp nhận tối đa 13.000 người. Thêm nữa, những du khách muốn trải nghiệm "không khí Arab" có thể lựa chọn chỗ nghỉ trong số 1.000 chiếc lều Bedouin phong cách Qatar dựng giữa… sa mạc. Họ cũng có thể chọn khách sạn bình dân hoặc trang trại của người Qatar là nơi nghỉ…
Sáu "anh hào" châu Á
World Cup 2022 là vòng chung kết lần đầu tiên có 6 đội bóng châu Á góp mặt: Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran, Australia và chủ nhà Qatar. Đây là những đội bóng giành vé sau khi kết thúc vòng loại thứ 3 khu vực châu Á (vòng loại mà Đội tuyển Việt Nam cùng tham dự).
Do tổ chức ở châu Á nên người hâm mộ châu lục kỳ vọng các anh tài của mình sẽ gây được bất ngờ tại vòng chung kết... trên "sân nhà" lần này theo tấm gương Hàn Quốc, đội đã lọt tới vòng bán kết World Cup vào năm 2002.
Với quyết tâm đi xa nhất có thể, các đội bóng châu Á đều đã chuẩn bị cho các trận đấu tại vòng chung kết này.
Chủ nhà Qatar, đội đương kim vô địch châu Á (Asian Cup 2019), đã có sự chuẩn bị kỹ càng. Với lợi thế sân nhà và ở bảng đấu "dễ thở" hơn các đội châu Á khác (bảng A, gồm: Qatar, Hà Lan, Ecuado, Senegal) nên Qatar có thể tiến xa.
Kỳ World Cup đầu tiên ở Trung Đông cũng là lợi thế không nhỏ cho Iran và Saudi Arabia khi họ đã quen với khí hậu của Qatar.
Saudi Arabia vượt qua vòng loại với chỉ 1 thất bại để lần thứ 6 góp mặt ở World Cup. Còn Iran có đội hình ấn tượng nhất ở vòng loại khi ghi nhiều bàn thắng nhất và có số điểm cao nhất. Chính vì thế, dù ở bảng đấu khó khăn, phải gặp các đối thủ mạnh (Saudi Arabia gặp Argentina, Mexico; Iran gặp Anh, Mỹ…), người hâm mộ vẫn hy vọng vào bước tiến của đội bóng mình.
Trong khi đó, các đội Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia cũng được kỳ vọng làm rạng danh bóng đá châu Á tại kỳ World Cup đặc biệt này.
FIFA World Cup 2022 khai mạc vào 19h ngày 20/11 (giờ địa phương, 23h giờ Hà Nội). Trận đấu mở màn là cuộc so tài giữa chủ nhà Qatar và Đội tuyển Ecuador diễn ra trên SVĐ Al Bayt.
Tiền thưởng
FIFA công bố tổng số tiền thưởng World Cup 2022 là 440 triệu USD.
Số tiền thưởng được phân bổ như sau:
Mỗi đội bị loại sau vòng bảng (16 đội): 9 triệu USD/đội;
Đội bị loại tại vòng 16 đội (8 đội): 13 triệu USD/đội;
Đội bị loại ở vòng tứ kết (4 đội): 17 triệu USD/đội;
Đội hạng Tư: 25 triệu USD;
Đội hạng Ba: 27 triệu USD;
Đội Á quân: 30 triệu USD;
Đội vô địch: 42 triệu USD.
Ngoài ra, mỗi đội trong số 32 đội tham dự vòng chung kết nhận 1,5 triệu USD chi phí chuẩn bị trước giải đấu.